Hy Lạp: Trước cơn bão mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/6/2013 | 7:56:47 AM

Với quyết định đóng cửa Đài Phát thanh - Truyền hình quốc gia (ERT) trong tuần qua (từ 12-6), Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đang không chỉ phải đối mặt với những rối loạn xã hội do các cuộc đình công kéo dài gây ra mà còn đứng trước những nguy cơ của một cuộc khủng hoảng chính trị nhãn tiền.

Nhân viên ERT gạt nước mắt tiếp tục làm việc dù Chính phủ quyết định sa thải hôm 12-6.
Nhân viên ERT gạt nước mắt tiếp tục làm việc dù Chính phủ quyết định sa thải hôm 12-6.

Chỉ trong vòng 4 ngày kể từ thời điểm ERT bị yêu cầu dừng phát sóng, làn sóng lên án quyết định "khai tử" ERT đã lan rộng với tốc độ chóng mặt từ Hy Lạp ra toàn Châu Âu.

Ngay trong ngày đầu tiên, nhiều phóng viên của ERT đã có cuộc biểu tình ngồi suốt 24 giờ ở thủ đô Athens và thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp là Thessaloniki. Một số người khác đã phản ứng dữ dội và quyết liệt bằng cách chiếm giữ trụ sở ERT.

Các nghiệp đoàn trong khu vực nhà nước cũng như tư nhân đều đã lên án quyết định đóng cửa ERT như một hành xử độc đoán và xem hành động của Thủ tướng A.Samaras là một cuộc đảo chính nhắm vào người dân Hy Lạp.

Dư luận ở xứ sở các vị Thần cho rằng, đây là một phủ nhận dân chủ, xem thường dịch vụ công cộng và vai trò của truyền thông trong một chế độ phi phong kiến.

Với ERT, một câu hỏi phổ biến hiện nay là tới đây cơ quan nhà nước nào sẽ lại bước lên "đoạn đầu đài" theo quyết định của Thủ tướng A.Samaras. Xem ra, sự nghi ngại của dư luận ở xứ Thần thoại không hoàn toàn vô căn cứ bởi lẽ ERT là một cơ quan thuộc khu vực công với bề dày tới 75 năm, có tầm quan trọng về chính trị và văn hóa mà còn bị đóng cửa thì không ai dám bảo đảm "số phận" những cơ quan khác nếu tình hình tài chính đất nước tiếp tục xấu đi.

Trước tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang, Chính phủ Hy Lạp đã buộc phải triển khai cảnh sát chống bạo động tại tất cả các văn phòng của ERT trên cả nước để ngăn chặn những hành động phá hoại. Giải thích sự kiện chính phủ đóng cửa ERT, Thủ tướng A.Samaras khẳng định đây là một hành động cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của công chúng, loại bỏ sự lãng phí và thiếu minh bạch.

Trên thực tế, kế hoạch đóng cửa ERT là màn sa thải hàng loạt đầu tiên trong chương trình cho nghỉ việc 15.000 người dư thừa thuộc khu vực công. Chương trình này đã được liên minh ba đảng cầm quyền thông qua vào tháng 4 nhằm làm hài lòng Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đổi lấy gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ euro.

Thủ tướng Samaras cho biết sẽ tổ chức lại ERT thành "Đài Phát thanh, truyền hình và internet Hy Lạp mới" (NERIT) tinh gọn với số nhân viên là 1.200 người. Những người từng làm cho ERT có thể nộp đơn thi tuyển vào cơ quan mới... Tuy nhiên, giải thích này của người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp đã không giúp giải tỏa được cơn thịnh nộ mới đang dấy lên trong công chúng.

Đồng hành cùng với 2.700 nhân viên ERT, ngày 15-6, Liên đoàn Phát thanh truyền hình Châu Âu (EBU) đã gửi một kiến nghị gồm 51 chữ ký của Tổng Giám đốc các hãng truyền thông khu vực tới Chính phủ Hy Lạp yêu cầu thu hồi lại quyết định gây sóng gió nói trên. Hiện tại, EBU vẫn hỗ trợ các nhân viên của ERT bằng cách cập nhật tin bài lên trang web của EBU và phát sóng chương trình qua hệ thống vệ tinh ngược trở về Hy Lạp nhằm thách thức chính quyền.

Không chỉ vấp phải làn sóng phản đối dữ dội trong nước, sự chỉ trích nặng nề từ bên ngoài, Thủ tướng A.Samaras còn bị ngay những đảng trong liên minh cầm quyền phản đối, trong đó có đảng Xã hội (PASOK) và đảng Dân chủ. Nếu thiếu hai đảng này, liên minh cầm quyền sẽ sụp đổ dẫn đến những bế tắc trong quá trình cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ đã đề ra.

Theo kế hoạch, hôm nay (17-6), Thủ tướng A.Samaras sẽ có cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo PASOK và đảng Dân chủ để thảo luận cụ thể về sự kiện ERT. Chưa biết kết quả cuộc họp sẽ ra sao, song, nếu Thủ tướng A.Samaras vẫn giữ lập trường đóng cửa ERT, ông sẽ phải đối mặt với một cơn bão bất ổn mới đang bùng lên trong xã hội Hy Lạp với một cấp độ cao hơn nhiều so với các cuộc "nổi dậy" đường phố phản đối chính sách "thắt lưng, buộc bụng" từng nổ ra trong thời gian gần đây.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Hiện trường một vụ nổ ở Aziziyah, phía nam thủ đô Baghdad ngày 16/6.

Người dân Iraq tiếp tục trải qua một ngày bạo lực đẫm máu với hàng loạt vụ đánh bom trong ngày 16/6, khiến hơn 130 người thương vong.

Người ủng hộ đổ ra đường phố Tehran ăn mừng chiến thắng của ông Rowhani.

Ngày 15/6, Bộ trưởng Nội vụ Iran, Mohammad Najjar thông báo trên truyền hình nhà nước rằng giáo sĩ ôn hòa theo đường lối cải cách Hassan Rowhani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vừa qua.

Người dân Iran ủng hộ các ứng cử viên của mình (Ảnh: AP)

Kết quả sơ bộ, ông Hassan Rouhani đang tạm dẫn trước. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran đứng thứ 3.

Bản đồ cho thấy vị trí xảy ra vụ chìm phà.

Ít nhất một người thiệt mạng và hơn 20 người mất tích khi một phà chở khách bị chìm ở miền trung Philippines ngày 14/6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục