Hội nghị thượng đỉnh G8: Tập trung chống trốn thuế, rửa tiền

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/6/2013 | 1:59:58 PM

Hôm nay 17-6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) sẽ khai mạc tại khu nghỉ mát Lough Erne ở Bắc Ireland. Trong 2 ngày, lãnh đạo của 8 nước gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga, Mỹ và Anh cùng bàn thảo nhiều vấn đề nóng hiện nay, trong đó nổi bật là chống trốn thuế, rửa tiền và cuộc xung đột kéo dài 2 năm qua tại Syria.

Cảnh sát kiểm tra xe qua lại gần khu vực diễn ra hội nghị.
Cảnh sát kiểm tra xe qua lại gần khu vực diễn ra hội nghị.

Kinh tế toàn cầu mất 3.000 tỷ USD/năm vì nạn trốn thuế

Theo BBC, Anh đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G8 năm 2013 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài. Đặc biệt, tại châu Âu, nơi chiếm một nửa số thành viên G8, vẫn đang chật vật đối phó với khủng hoảng nợ công của Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone). 

Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng, thịnh vượng và phát triển trên toàn thế giới, Anh xác định 3 nội dung chủ yếu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013. Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động thương mại. Thứ hai, tuân thủ các quy định về thuế. Thứ ba, đảm bảo tính minh bạch và công khai. Trong đó, nội dung thứ hai và thứ ba sẽ được Thủ tướng Anh chú trọng trong bối cảnh Anh và nhiều quốc gia trên thế giới đang đau đầu với nạn rửa tiền, trốn thuế.

Guinea, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, đã gửi lời yêu cầu khẩn thiết đến hội nghị G8, mong muốn các nhà lãnh đạo G8 mạnh tay trong việc ngăn chặn các dòng tiền bẩn, các hoạt động rửa tiền làm suy yếu nền tài chính các quốc gia đang phát triển.

Theo Reuters, Thủ tướng Anh sẽ dùng diễn đàn kêu gọi chính phủ các nước gia tăng các biện pháp ngăn chặn rửa tiền, hợp tác lấp đầy các lỗ hổng về thuế để qua đó xóa đi các thiên đường trốn thuế, giúp minh bạch hóa tài chính toàn cầu. Một tín hiệu đáng mừng được Thủ tướng Anh thông báo trước thềm hội nghị đó là thêm 10 vùng lãnh thổ và các khu vực tự trị khá nổi tiếng về trốn thuế như Bermuda, Quần đảo Virgin, Cayman… đã cam kết sẽ ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề thuế, vốn đã được 50 nước thông qua. Hiệp định này sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có thể yêu cầu những tổ chức ở hải ngoại cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về thuế. Theo ước tính, kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm do trốn thuế.

Ngoài ra, ônng Cameron cũng muốn tranh thủ diễn đàn G8 để thúc đẩy hiệp định mậu dịch tự do xuyên Đại Tây Dương (TPP) giữa Mỹ và châu Âu.

Bất đồng về Syria

Mặc dù là một hội nghị có truyền thống thuần túy chỉ bàn về kinh tế, nhưng cuộc nội chiến Syria đã chiếm phần lớn sự quan tâm của lãnh đạo G8. Dư luận cho rằng khả năng Mỹ có thể sẽ can thiệp vào Syria khi Washington tuyên bố vũ trang cho phe nổi dậy nước này, đồng thời thúc giục các đồng minh phương Tây theo gương mình, sẽ chia rẽ các nước thành viên mà chủ yếu là Nga với Mỹ.

Theo SkyNews, trước khi hội nghị G8 diễn ra 3 ngày, Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc hội đàm bằng cầu truyền hình kéo dài 1 giờ đồng hồ với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italia Enrico Letta về tình hình Syria. Thủ tướng Anh đã ủng hộ quan điểm của Mỹ rằng những bằng chứng cho thấy quân đội Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, ông Cameron khẳng định Anh chưa quyết định về việc có vũ trang cho lực lượng nổi dậy hay không và nhắc lại về nguy cơ những vũ khí đó có thể rơi vào lực lượng khủng bố như Al-Qaeda.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng trở ngại lớn nhất đối với Mỹ và đồng minh là Nga. Mátxcơva sẽ phản đối mạnh mẽ quyết định can dự của Mỹ và đồng minh phương Tây vào Syria tại hội nghị G8 và có thể tiếp tục sẽ dùng quyền phủ quyết nếu dự thảo can thiệp quân sự vào Syria được đưa ra HĐBA LHQ. Hãng BBC cho biết trước khi khai mạc hội nghị, ông Cameron sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về Syria.

Trong khi đó, ông Obama dự kiến cũng có cuộc gặp bên lề hội nghị với ông Putin để bàn riêng về vấn đề Syria mà ở đó Tổng thống Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục người đồng cấp của mình từ bỏ việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

An ninh tại Bắc Ireland đã được thắt chặt từ ngày 15-6. Hầu hết các con đường gần khu nghỉ mát Lough Erne đã bị đóng cửa. Lực lượng cảnh sát tăng cường tuần tra tại khu vực diễn ra tổ chức hội nghị. Khoảng 8.600 cảnh sát của Anh và Bắc Ireland đã được điều động để đảm bảo an ninh khi ước tính có khoảng 10.000 người sẽ tham gia biểu tình phản đối hội nghị G8. 80 triệu USD là số tiền Chính phủ Anh chi cho chiến dịch an ninh lớn chưa từng có tại Bắc Ireland.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Nhân viên ERT gạt nước mắt tiếp tục làm việc dù Chính phủ quyết định sa thải hôm 12-6.

Với quyết định đóng cửa Đài Phát thanh - Truyền hình quốc gia (ERT) trong tuần qua (từ 12-6), Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đang không chỉ phải đối mặt với những rối loạn xã hội do các cuộc đình công kéo dài gây ra mà còn đứng trước những nguy cơ của một cuộc khủng hoảng chính trị nhãn tiền.

Hiện trường một vụ nổ ở Aziziyah, phía nam thủ đô Baghdad ngày 16/6.

Người dân Iraq tiếp tục trải qua một ngày bạo lực đẫm máu với hàng loạt vụ đánh bom trong ngày 16/6, khiến hơn 130 người thương vong.

Người ủng hộ đổ ra đường phố Tehran ăn mừng chiến thắng của ông Rowhani.

Ngày 15/6, Bộ trưởng Nội vụ Iran, Mohammad Najjar thông báo trên truyền hình nhà nước rằng giáo sĩ ôn hòa theo đường lối cải cách Hassan Rowhani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vừa qua.

Người dân Iran ủng hộ các ứng cử viên của mình (Ảnh: AP)

Kết quả sơ bộ, ông Hassan Rouhani đang tạm dẫn trước. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran đứng thứ 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục