Phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số:

Tập trung nâng chất lượng nguồn

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2014 | 9:47:29 AM

YBĐT - Nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng nói chung và phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng mà kết quả kết nạp đảng viên của Đảng bộ tỉnh Yên Bái tăng đều hàng năm cả về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Nguyễn Văn Duyên - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (áo trắng) trao đổi với các nữ cán bộ người Thái, Mường về công tác phát triển đảng viên nữ trong đồng bào thiểu số.
Đồng chí Nguyễn Văn Duyên - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (áo trắng) trao đổi với các nữ cán bộ người Thái, Mường về công tác phát triển đảng viên nữ trong đồng bào thiểu số.

Nếu như phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần trẻ hóa và nâng cao sức chiến đấu cho tổ chức Đảng thì phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số sẽ tạo nền tảng quan trọng trong việc mở rộng hoạt động và sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khu vực dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng bộ các địa phương.

Thực tế đã chứng minh, phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã xác định: "Chú trọng và tăng cường công tác phát triển Đảng, sớm khắc phục tình trạng một số cơ sở, địa bàn chưa có đảng viên, tổ chức Đảng. Đi đôi với củng cố, cần chú trọng hơn nữa công tác phát triển Đảng, nhất là ở các vùng dân tộc ít người".

Thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội X của Đảng, những năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chú trọng công tác phát triển đảng viên, trong đó đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số ở các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng trong tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phát triển đảng viên nói chung, đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng gắn với nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng. Nhờ vậy đã tạo được những chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và quần chúng về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên nhằm tăng cường, bồi dưỡng và nâng cao sức chiến đấu, bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng.

Hàng năm, các Đảng bộ cơ sở trong tỉnh đã tiến hành sơ kết công tác phát triển đảng viên, chỉ ra những mặt làm được, chưa làm được đồng thời làm rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, yếu kém để đề ra những chủ trương, biện pháp thiết thực chỉ đạo công tác phát triển Đảng trong thời gian tới. Đảng bộ các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ, Văn Yên tích cực chỉ đạo Đảng bộ các xã vùng đặc biệt khó khăn tập trung khắc phục những mặt hạn chế trong công tác phát triển Đảng những năm trước, nhiệm kỳ trước để từng bước nâng cao chất lượng, cơ cấu dân tộc cũng như chỉ tiêu phát triển Đảng đối với các chi bộ ít đảng viên; khắc phục dứt điểm tình trạng một số chi bộ thôn, bản vùng đồng bào dân tộc nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên.

Với những cơ sở Đảng vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống như Đảng bộ huyện Trạm Tấu, bên cạnh việc bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên người dân tộc, tổ chức Đảng ở cơ sở còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đến tận các thôn, bản của đồng bào. Qua đó, góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, phẩm chất đạo đức cách mạng trong đồng bào, trong thế hệ trẻ.

Qua các buổi sinh hoạt thôn, xóm, bằng hình thức tuyên truyền sân khấu hóa, các hội thi nhà nông tham gia tìm hiểu kiến thức pháp luật... nhiều Đảng bộ xã vùng cao đã tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng và sự cần thiết của việc phát triển đảng viên là góp phần tích cực xây dựng Đảng bộ địa phương vững mạnh. Đồng chí Mùa A Páo - Bí thư Chi bộ thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu (Trạm Tấu) khẳng định: "Phát triển đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao góp phần quan trọng trong việc phòng, chống các luồng tư tưởng gây ảnh hưởng tiêu cực tới tư tưởng của quần chúng, giúp đồng bào nhận thức rõ được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc".

 

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà (thứ 4, trái sang) - Phó bí thư Tỉnh ủy trao đổi với các đại biểu thanh niên người dân tộc thiểu số về công tác phát triển Đảng. (Ảnh: Tô Hải)

Nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng nói chung và phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng mà kết quả kết nạp đảng viên của Đảng bộ tỉnh tăng đều hàng năm cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được gần 8.400 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 47.535 đồng chí, tăng 13,3% so với năm 2010, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số là 17.370 đồng chí, chiếm tỷ lệ gần 37%. Riêng 9 tháng của năm 2014, toàn tỉnh đã kết nạp được 1.767 đảng viên, trong đó có 735 đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy thì "Trình độ văn hóa hiện nay chính là trở ngại lớn nhất trong công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở Yên Bái".

Bởi theo Điều lệ Đảng, đối tượng Đảng phải biết chữ, có trình độ ít nhất là tiểu học nhưng phần đông đối tượng Đảng là người đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa tham gia học cảm tình Đảng có rất ít người biết đọc, biết viết mặc dù họ là những tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở cơ sở. Vì vậy, để công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số đạt kết quả cao hơn cả về chất và lượng thì yếu tố then chốt, quyết định phải là tập trung đào tạo phát triển nguồn. Đó chính là các đối tượng học sinh, sinh viên người dân tộc đang theo học tại các trường nội trú, cao đẳng, đại học; là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, kể cả những người đã lớn tuổi nếu trình độ còn yếu cũng cần phải đào tạo.

Các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần mở các lớp đào tạo cán bộ dân tộc để nâng cao trình độ cho đảng viên, giúp họ vững vàng về chính trị, hiểu biết về chuyên môn để trở thành những cán bộ chuyên trách trong công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền đưa nghị quyết, chính sách của Đảng vào cuộc sống, giúp đỡ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Những đối tượng có đủ tiêu chuẩn và điều kiện kết nạp Đảng, tổ chức cơ sở Đảng cần kịp thời hướng dẫn và nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ để xét kết nạp.

Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh cần có các nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc cũng như chương trình phối hợp chung giữa các tổ chức chính trị - xã hội, các phong trào quần chúng với hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức và xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với đối tượng là người dân tộc thiểu số; nên bố trí sơ kết định kỳ trong năm để đánh giá việc thực hiện công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số nhằm rút kinh nghiệm và chủ động đề ra các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hạn chế một cách hiệu quả, tích cực và đúng hướng.

Thực tế công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số của tỉnh cho thấy, để thay đổi được những thói quen, tập tục trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số không thể một sớm một chiều. Vấn đề này không phải ai khác mà chính những người con của đồng bào trực tiếp là người "cầm tay chỉ việc"; trực tiếp tuyên truyền đưa nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống ở mỗi địa bàn nông thôn sẽ đem lại kết quả cao hơn, thiết thực hơn. Đáp số của bài toán chính là những giải pháp đồng bộ trước mắt và cả lâu dài trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước trong phát triển ngành, nghề, phát triển kinh tế vùng, miền, tạo việc làm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ văn hóa cho đồng bào vừa là nền tảng quan trọng cho việc phát triển nguồn đảng viên người dân tộc thiểu số vừa là động lực tích cực để quần chúng tin tưởng, đi theo Đảng, phấn đấu vào Đảng một cách hăng hái và tự giác.

Thanh Hương 

Các tin khác

YBĐT - Ngày 1/11, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức bế giảng và tổng kết lớp bồi dưỡng lý luận chính trị khóa VII, nhiệm kỳ 2011 – 2015 dành cho đảng viên mới cho 45 học viên thuộc 18 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh.

Đảng bộ Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái luôn tạo được sự đoàn kết, nhất trí cao và hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

YBĐT - Nói về Đảng là lời dặn đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Di chúc”. Người đã căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi về tình hình sản xuất với nông dân xã Hát Lừu.

YBĐT - So với các huyện, thị khác trong tỉnh Yên Bái, có lẽ Trạm Tấu vẫn là huyện đặc biệt khó khăn nhất về tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Người dân các xã của huyện thậm chí còn không được giao thương, trao đổi về kinh tế, văn hóa nhiều như đồng bào Mông ở Mù Cang Chải với các huyện bạn của tỉnh Lào Cai, Lai Châu nhờ tuyến quốc lộ chạy qua. Vì lẽ đó, Đảng bộ huyện Trạm Tấu luôn xác định nhiệm vụ "lấy dân làm gốc" theo tư tưởng Hồ Chí Minh để lãnh đạo, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Đảng viên Ủy ban kiểm tra thuộc Đảng bộ Văn phòng Huyện ủy (Huyện ủy Mù Cang Chải) nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

YBĐT - Kết luận tại Hội nghị chuyên đề về công tác tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên do Tỉnh ủy tổ chức mới đây, đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ và xây dựng tổ chức CSĐ trong sạch, vững mạnh là những khâu đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức CSĐ. Trong đó, nâng cao chất lượng, phát huy vị trí, vai trò của đội ngũ cấp ủy viên và chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa then chốt”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục