Sáng Nhù có bí thư chi bộ giỏi
- Cập nhật: Thứ hai, 1/12/2014 | 2:21:24 PM
YBĐT - Trước đây, nói đến bản Sáng Nhù, xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) là nhắc đến bản nghèo, khó khăn nhất của xã. Nhưng vài năm trở lại đây, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và Bí thư Chi bộ Sùng A Cở, đời sống của bà con trong bản đang dần thay đổi, an ninh trật tự được bảo đảm. Không chỉ thế, Sáng Nhù còn được biết đến với “danh hiệu” bản người Mông “Ba không”: không hủ tục, không ma túy, không sinh con thứ ba.
Bí thư Chi bộ Sáng Nhù - Sùng A Cở (người đứng) chủ trì một buổi sinh hoạt Chi bộ.
|
Trời tờ mờ sáng, từ trung tâm xã Hồ Bốn, chúng tôi cùng lãnh đạo xã vượt đoạn đường dốc đá gập ghềnh gần sáu cây số tới bản Sáng Nhù cũng gần 10 giờ trưa. Đến nơi, mọi mệt nhọc dường như tan biến khi trông thấy những thửa ruộng, nương ngô hai bên đường xanh mướt, hứa hẹn một vụ bội thu.Đến thăm nhà Bí thư Chi bộ Sùng A Cở khi anh đang cùng gia đình chăm sóc đàn dê sau nhà. Dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, ánh mắt sáng và kiên nghị là ấn tượng đầu tiên của tôi với đồng chí Bí thư Chi bộ sinh năm 1971 này. Bên chén chè, thân tình, anh hồ hởi cho biết: “Ngoài làm nông nghiệp, gia đình mình cũng như nhiều hộ trong bản đã phát triển kinh tế bằng chăn nuôi lợn, gà,dê để có thêm thu nhập. Nhiều nhà cũng đã thoát nghèo bền vững từ chăn nuôi”.
Xóa bỏ hủ tục
Bản Sáng Nhù hiện có 30 hộ với hơn 150 nhân khẩu, 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Từ bao đời, nhiều hủ tục đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức của người dân như: tục thách cưới cao, tục để người chết lâu ngày trong nhà, quan niệm sinh nhiều con là trời cho… khiến Sáng Nhù mãi không thể thoát cái đói, cái nghèo. Sinh ra trên mảnh đất này và được Đảng tin tưởng, các đồng chí đảng viên tín nhiệm bầu giữ cương vị Bí thư Chi bộ, Sùng A Cở luôn trăn trở tìm cách và làm thế nào để xóa bỏ các hủ tục để người dân bớt nghèo. Nghĩ sao làm vậy, tại các cuộc họp Chi bộ, Bí thư Cở đã tuyên truyền để chính các đảng viên hiểu được những hệ lụy của hủ tụcvà chỉ ranhững cái được nếu như xóa bỏcác hủ tục này.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các đảng viên trong Chi bộ và gia đình họ đã gương mẫu thực hiện trước và cùng vận động nhân dân làm theo. Ban đầu, nhiều người trong bản phản đối gay gắt vì cho rằng là nét văn hóa truyền thống của ông cha để lại nên không thể xóa bỏ. Thêm vào đó, nhiều người lo ngại những việc làm này có thể duy trì được bao lâu hay chỉ thực hiện một thời gian rồi lại trở về như cũ...
Ngược dốc khoảng vài trăm mét, như đã hẹn trước, chúng tôi gặp anh Sùng A Giống - một trường hợp tảo hôn.
- Anh lấy vợ cách đây mấy năm? - tôi hỏi.
- Cũng phải 4 đến 5 năm rồi, cán bộ à - vân vê điếu thuốc lào, anh Giống nhanh nhảu trả lời.
- Vậy tại sao không làm ăn, tích lũy để sau này cho vợ con đỡ nghèo, khổ?
- Biết là vậy nhưng thưa cán bộ, ở đây thích nhau là lấy chứ chưa suy nghĩ được như bây giờ - vợ anh Giống chen ngang.
Ở bản, hộ gia đình anh Mùa A Chư cũng vì tục lệ địa phương còn thách cưới cao; hộ anh Sùng A Của vẫn để người chết ở ngoài áo quan… Đó là những câu chuyện của nhiều năm trước. Giờ đây, khi được Bí thư Cở tuyên truyền, vận động, bà con đã hiểu, nhận thức rõ được hệ lụy của những hủ tục ảnh hưởng không tốt đến đời sống nên đã có thay đổi tích cực. Đến Sáng Nhù bây giờ sẽ không còn tục thách cưới quá 10 triệu đồng, không còn tảo hôn; người chết được đưa vào áo quan, tổ chức đám tang không quá ba ngày…
Đồng bào Mông vốn quan niệm sinh con là của trời cho nên đứa lớn, đứa bé cứ lần lượt chào đời. Và cái đói, cái nghèo bắt nguồn từ đó. Ám ảnh của sự lạc hậu, đói nghèo càng khiến Bí thư Cở thêm quyết tâm, không quản khó khăn, đến tận nhà các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, vận động không sinh con thứ ba. Vợ chồng anh cùng các đảng viên trong Chi bộ cũng gương mẫu thực hiện nên người dân cả bản đều tin tưởng làm theo. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nên ba năm trở lại đây, bản Sáng Nhù không có trường hợp nào sinh con thứ ba.
Chị Hảng Thị Mây - một người dân tâm sự: “Lúc Bí thư Cở vận động, mình cũng ưng cái bụng nhưng chỉ chị em thực hiện là chưa đủ nên Bí thư còn phải vận động cả đàn ông trong bản thực hiện nữa. Nhà mình chỉ sinh 2 con thôi. Con của mình bây giờ được đến trường học, không phải khổ như trước. Vợ chồng mình vì thế có nhiều thời gian để trồng lúa, trồng ngô. Cũng nhờ Bí thư Cở giúp đỡ mà nhà mình giờ đã đủ ăn, không còn bị đói như trước nữa”.
“Người con” của bản
Bản Sáng Nhù nằm giáp ranh với tỉnh Lai Châu, một địa bàn khá phức tạp về nạn buôn bán và sử dụng ma túy nhưng theo số liệu thông kê mới nhất, Sáng Nhù là bản duy nhất của xã Hồ Bốn không có người nghiện ma túy. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương cùng quyết tâm xóa bỏ tệ nạn ma túy của Chi bộ. Những năm trước, Sáng Nhù cũng khá “nổi tiếng” với việc trồng cây thuốc phiện ở xã Hồ Bốn. Một số đàn ông trong bản do hút thuốc, chểnh mảng làm ăn, gia đình rơi vào cảnh túng quẫn dẫn đến hành vi trộm cắp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Hiểu rõ tác hại ấy, Bí thư cùng Công an xã thường xuyên tổ chức các buổi họp với bà con để tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy đồng thời hàng năm đều tổ chức cho các hộ ký cam kết không sử dụng, buôn bán, tàng trữ chất ma túy và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để kịp thời răn đe, giáo dục các đối tượng. Chính vì vậy, người dân Sáng Nhù nói “không” với ma túy từ rất lâu rồi. Hiện bản vẫn duy trì nhiều năm không trồng cây thuốc phiện, điển hình như: hộ gia đình anh Sùng A Trừ, Sùng A Lành… Nhờ đó, bản Sáng Nhù không có người nghiện ma túy và là địa phương dẫn đầu cả huyện về bảo đảm an ninh trật tự.
Theo đồng chí Sùng A Nhà - Trưởng Công an xã Hồ Bốn thì Sáng Nhù là một trong những bản điển hình về không trồng cây thuốc phiện, không có người sử dụng ma túy. Hàng tháng, Công an xã xây dựng kế hoạch trấn áp tội phạm; cùng với Bí thư Chi bộ thường xuyên xuống từng hộ dân vận động, tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến thời điểm này, Sáng Nhù đã thành công với nhiều mô hình bảo đảm an ninh trật tự và những biện pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Không chỉ gương mẫu đi đầu vận động bà con xóa bỏ các hủ tục, tránh xa tệ nạn ma túy, Bí thư Cở còn vận động dân bản tích cực lao động, sản xuất. Thay vì chỉ trồng một vụ lúa như trước, Bí thư Cở cùng cán bộ khuyến nông của huyện, xã hướng dẫn bà con trồng thêm vụ đông xuân, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đưa các giống mới vào sản xuất nông nghiệp…
Nhanh nhẹn, nhiệt tình, không ngại khó, không ngại khổ, Bí thư Cở cùng gia đình và các đảng viên tích cực khai phá ruộng nương, mở rộng diện tích, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt. Nhờ đó, năng suất cây lúa cao hơn trước rất nhiều. Năm vừa qua, năng suất lúa đông xuân đạt 56,1 tạ/ha, lúa mùa cũng tăng đáng kể đạt 39,2 tạ/ha. Đặc biệt, bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa nương sang trồng cây ngô mỗi năm trên 4ha. Ngoài chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, gia đình Bí thư Cở còn là hộ đầu tiên ở bản nuôi dê để tăng thu nhập.
Từ hiệu quả của mô hình này, anh đã truyền đạt kinh nghiệm và giúp đỡ bà con về kỹ thuật nuôi. Đến nay, hầu như nhà nào cũng nuôi dê. Cách làm này vừa giúp bà con tận dụng lợi thế diện tích đất đồi sẵn có vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảmđáng kể. Năm 2010, xã có 96% số hộ nghèo nhưng nay chỉ còn 55,17%.
Đồng chí Vừ A Tủa -Bí thư Đảng ủy xã Hồ Bốn đánh giá: “Đồng chí Sùng A Cở là Bí thư Chi bộ gương mẫu và nhiệt tình trong công việc, là tấm gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của xã. Bằng những hành động cụ thể, đồng chí đã góp phần không nhỏ xây dựng Chi bộ Sáng Nhù trong sạch, vững mạnh và giúp người dân làm kinh tế, đoàn kết, cùng thi đua sản xuất, xóa đói giảm nghèo”.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Theo đồng chí Đỗ Xuân Quang - Bí thư Đảng ủy phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) thì việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được thực hiện tại 29/29 chi bộ trực thuộc một cách dân chủ, tự giác với thái độ chân thành, thẳng thắn, khách quan. Sau kiểm điểm, Ban Thường vụ Đảng ủy phường đã đề ra 7 nội dung công việc còn hạn chế, yếu kém. Đến nay, những nội dung này đã được khắc phục.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng ủy xã Hòa Cuông đã tổ chức quán triệt, kiểm điểm tự phê bình và phê bình từ các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành, các tổ chức đoàn thể, các chi bộ, đảng viên một cách đầy đủ và nghiêm túc. Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, qua kiểm điểm, Đảng ủy xã đã rút ra được nhiều bài học cũng như các hạn chế trên các lĩnh vực.
YBĐT - Trong 2 ngày (18-19/11), Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát cho 60 học viên là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, ủy viên Uỷ ban kiểm tra Đảng ủy (ảnh).
YBĐT - Nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng nói chung và phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng mà kết quả kết nạp đảng viên của Đảng bộ tỉnh Yên Bái tăng đều hàng năm cả về số lượng và chất lượng.