Nghĩa Sơn Đảng mạnh, dân giầu
- Cập nhật: Thứ tư, 31/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - 5 năm trở lại Nghĩa Sơn – một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có biết bao thay đổi. Những ngôi nhà mới xây thấp thoáng chen giữa vườn cây trĩu quả, những công trình điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng bằng các Dự án của Chương trình 134, 135, Dự án Chia sẻ như nét son chấm phá mang đến cho Nghĩa Sơn một diện mạo mới, một sức sống mới khác hẳn với Nghĩa Sơn của 5 năm về trước.
Nông dân xã Nghĩa Sơn sơ chế sắn tươi phục vụ chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
|
Nghĩa Sơn có 312 hộ đồng bào dân tộc, chủ yếu là dân tộc Khơ Mú sinh sống ở 6 thôn, bản: Nậm Tộc 1, Nậm Tộc 2, Noong Khoang 1, Noong Khoang 2, Bản Bẻ và Bản Loọng. Những năm trước đây cuộc sống của người dân xã Nghĩa Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu là tự túc tự cấp, ruộng nước ít lại gieo cấy một vụ nên hàng ngày người dân vẫn phải lên rừng đốt nương làm rẫy. Lo cái ăn cái mặc đã khó nên chẳng mấy ai để ý tới việc làm nhà mới hay học tập tiếp thu kiến thức KHKT áp dụng vào thâm canh thâm canh tăng vụ.
Trước tình hình đó, Ban chấp hành Đảng uỷ xã đã đi tiên phong từ khâu đổi mới cung cách làm ăn, chỉ đạo đảng viên giúp đỡ nhân dân các thôn, bản tăng gia sản xuất, khai hoang ruộng nước và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vậy là các ủy viên Ban chấp hành Đảng uỷ xã phụ trách thôn, đảng viên cùng với trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ tham gia phụ trách hộ bám sát cơ sở, bám sát các hộ gia đình để hướng dẫn, giúp đỡ cách làm ăn mới, cách phát triển kinh tế trang trại theo hướng bán công nghiệp và cách chăm sóc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn.
Cùng với các tay ngành, tay xã, cán bộ đảng viên ở Nghĩa Sơn đã hăng hái đi đầu trong mọi hoạt động, mọi phong trào phát triển kinh tế để dân tin, dân theo. Từ chỗ chỉ gieo cấy một vụ lúa với diện tích chưa đầy hai chục ha, còn lại là trồng lúa nương, đến nay người dân 6 thôn, bản ở Nghĩa sơn đã khai hoang được trên 43 ha ruộng nước gieo cấy hai vụ bằng 100% giống mới cho năng suất cao. Mấy năm gần đây thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đưa thêm cây khoai tây và cây ngô vào trồng trên đất hai vụ lúa, lại được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón nên người dân yên tâm, tin tưởng và hăng hái tham gia sản xuất. Cả xã còn trồng được gần 40 ha sắn phục vụ chăn nuôi. Nhiều hộ đồng bào Khơ Mú đã biết phát triển kinh tế trang trại, trồng keo, quế, bồ đề đã cho thu hoạch. 30% số hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú có kinh tế khá trở lên.
Các hộ gia đình anh Lún, ông Cự, ông Bình, bà Bưởi đã xây được nhà khang trang, kiên cố nhờ làm kinh tế trang trại. Kinh tế phát triển, đời sống dần dần được nâng cao, người dân phấn khởi tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, góp công, góp của xây dựng nhà văn hoá, đường giao thông và trường học cho con em được đến trường học chữ. Mỗi thôn, mỗi bản đều xây dựng được quy ước, hương ước quy định rõ những điều không được vi phạm để đảm bảo an ninh thôn, bản và người dân phát huy được quyền làm chủ ở cơ sở. Nhờ đó, những công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư bằng các nguồn vốn, chương trình, dự án của Nhà nước ở Nghĩa Sơn đều huy động được sự đóng góp ngày công rất tích cực của nhân dân nên chẳng những phát huy hiệu quả tốt mà còn đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo đồng bào dân tộc trong xã. Điển hình như công trình kiên cố hoá đường bê tông vào xã, đường rải cấp phối gần 1km từ thôn Noong Khoang về xã, công trình đưa điện lưới về 4/6 thôn, bản trong xã được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Về Nghĩa Sơn hôm nay, hầu hết các thôn đã có đường xe máy đến tận nơi, 100% số hộ trong xã mua sắm được ti vi, gần 100 hộ sắm được xe máy, hộ nhiều cũng mua được 2 chiếc phục vụ nhu cầu đi lại, xã không có trường hợp nào nghiện hút, an ninh trật tự được giữ vững; 6/6 thôn, bản đều đã ra mắt xây dựng làng văn hoá. Xã đang đề nghị huyện Văn Chấn công nhận tiêu chuẩn làng văn hoá cấp 1 cho thôn Noong Khoang 1 vì đạt được nhiều thành tích trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình làm kinh tế giỏi của xã, anh Mè Văn Lún- Bí thư Đảng uỷ xã bật mí: “Xã xác định Đảng mạnh thì dân mới giàu nên nhiệm kỳ này Nghĩa Sơn tập trung bồi dưỡng phát triển mạnh đảng viên người dân tộc Khơ Mú để trẻ hoá và tăng sức chiến đấu cho các tổ chức cơ sở Đảng”. Hiện tại Nghĩa Sơn đã có một Đảng bộ mạnh với 87 đảng viên sinh hoạt ở 9 chi bộ cơ sở. Riêng năm 2008, Đảng bộ xã Nghĩa Sơn đã kết nạp được thêm 12 đảng viên mới (cao nhất từ trước đến nay), trong đó có 5 đảng viên là người dân tộc Khơ Mú. Hầu hết các đảng viên đều có trình độ văn hoá từ lớp 5 trở lên và đều là những điển hình làm kinh tế khá của xã, biết tập hợp quần chúng và biết nói để quần chúng hiểu, nghe và làm theo. Đây chính là yếu tố quan trọng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc ở 6 thôn, bản xã vùng cao Nghĩa Sơn hôm nay và mai sau.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Chăm lo, bồi dưỡng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tuổi trẻ phát huy năng lực, sức sáng tạo luôn được Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái (Yên Bái) chú trọng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) của Bộ Chính trị về “Công tác thanh niên trong tình hình mới” đã tác động rất lớn và tích cực đến quan điểm, nhận thức của cấp ủy về tổ chức lãnh đạo công tác thanh niên.
YBĐT - Nếu so với các xã trong huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Kim Nọi là một trong xã có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển. Nằm gần trung tâm huyện, có đường giao thông lên xã, hệ thống cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn thiện... tuy nhiên, do trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, dân cư sinh sống phân tán, hơn nữa đã có thời gian trong bộ máy lãnh đạo địa phương thiếu đoàn kết, thống nhất nên Kim Nọi không phát huy được lợi thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội.
YBĐT - Đảng bộ xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) hiện có 165 đảng viên, sinh hoạt ở 12 chi bộ (10 chi bộ thôn bản và 2 chi bộ nhà trường, y tế). Thời gian qua, bám sát vào nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã tích cực đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động, tạo được những bước chuyển mới đáng kể trong công tác Đảng góp phần đổi mới bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người của huyện.
YBĐT - Khi đến xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), hình ảnh đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, các cán bộ, đảng viên đang mang quang gánh gánh cát sỏi cùng với bà con nhân dân là điều chẳng mấy ngạc nhiên. Bởi lẽ bài học tư tưởng về vấn đề đại đoàn kết dân tộc của Người đã được Đảng bộ và người dân nơi đây thấm nhuần.