Xóa chi bộ ghép nhìn từ Yên Bình
- Cập nhật: Thứ hai, 23/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT-Phát triển đảng viên, xóa chi bộ ghép, nâng cao sức mạnh lãnh đạo ở chi bộ Đảng cơ sở thôn, bản vùng cao, vùng sâu luôn là vấn đề trăn trở của nhiều cấp ủy Đảng. Phát triển đảng viên, xóa chi bộ ghép đã khó, nhưng sau khi xóa rồi làm thế nào để đảng viên, chi bộ ở đó hoạt động tốt, đủ sức mạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội địa phương lại là cả một vấn đề.
Có một thực tế là các chi bộ ghép chủ yếu là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, có nhiều nơi gần như biệt lập với bên ngoài, đảng viên vừa ít lại trẻ cả tuổi đời đến tuổi Đảng, trình độ, nhận thức còn hạn chế. Nhiều chi bộ thành lập xong nhưng không phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thậm chí cả năm không ra được một nghị quyết để thực hiện…Thế nhưng huyện Yên Bình đã thực hiện xóa chi bộ ghép khá hiệu quả, hầu hết các đảng viên, chi bộ đã phát huy tốt vai trò của mình.
Cũng như nhiều địa phương khác, thực hiện Đề án số 64-ĐA/BTCTU, ngày 21/8/2006 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái về việc phát triển chi bộ ở các thôn, bản giai đoạn 2006-2009, huyện Yên Bình đã tổ chức, tiến hành rà soát lại thực trạng tất cả các chi bộ Đảng cơ sở để lấy đó làm cơ sở cho việc xoá chi bộ ghép và thành lập mới. Qua khảo sát, rà soát cho thấy toàn huyện có 14 Đảng bộ xã, thị trấn có chi bộ ghép, số thôn, bản phải sinh hoạt chi bộ ghép là 68/274 thôn, bản; 31 chi bộ phải sinh hoạt ghép (4 chi bộ sinh hoạt ghép 3 thôn, 27 chi bộ sinh hoạt ghép 2 thôn); 11 thôn có 1 đảng viên, 10 thôn có 2 đảng viên, 13 thôn có 3 đảng viên.
Trên cơ sở nắm chắc tình hình cụ thể của từng thôn, bản, đối với thôn bản nào đã có đủ 3 đảng viên trở lên tiến hành cho thành lập chi bộ. Những thôn bản mới chỉ có 1 đến 2 đảng viên, Đảng bộ xã đó làm thủ tục giới thiệu, phân đảng viên, đảng viên là cán bộ xã về thôn, bản để đủ số lượng thành lập chi bộ. Để phát huy tốt vai trò của các chi bộ mới thành lập, trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, chi bộ mời các đoàn viên thanh niên ưu tú, các tổ chức đoàn thể thôn, bản như: hội phụ nữ, cựu chiến binh, công an viên… đến cùng sinh hoạt. Hình thức sinh hoạt chi bộ “mở rộng” dường như đã phát huy hiệu quả rõ nét, các đoàn viên ưu tú, cán bộ đoàn thể cùng tham gia đóng góp ý kiến, phát huy sức mạnh tổng hợp để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và ra các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội thôn, bản mình sát với thực tế.
Bên cạnh đó, huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng cho 51 bí thư chi bộ thôn, đích thân Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy làm giảng viên bàn về phương pháp tổ chức, hoạt động của chi bộ. Bằng những cách làm đó, đến nay Yên Bình đã xóa xong chi bộ ghép ở tất cả 68 thôn, bản. Đánh giá về công tác xoá chi bộ ghép, ông Phùng Đình Lai-Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy nói: “Sau khi tách và thành lập các chi bộ riêng, so với trước đã có sự chuyển biến tích cực, đã tăng cường hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chi bộ đảng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và công tác xây dựng Đảng tại mỗi thôn có chi bộ riêng. Công tác phát triển đảng viên mới của chi bộ đã được coi trọng và việc triển khai Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng được kịp thời, có hiệu quả”.
Rõ ràng việc xoá chi bộ ghép ở Yên Bình đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đã được nâng lên, song có một điều dễ nhận thấy, là số chi bộ mới được thành lập hầu hết số lượng đảng viên ít (3-4 đảng viên) nên việc nắm tình hình trong thôn, bản nhất là các thôn bản vùng sâu, vùng xa rất hạn chế. Để hạn chế vấn đề này, Yên Bình xác định lấy phát triển Đảng là quan trọng và là nền tảng bền vững cho các chi bộ mới thành lập.
Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2009, huyện đã kết nạp 39 quần chúng ưu tú vào Đảng. Đối với các chi bộ mới thành lập, chú trọng tạo nguồn quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng. Nói là vậy song không có nghĩa là kết nạp một cách ồ ạt vào Đảng mà vẫn phải quan tâm, chú trọng đến chất lượng đảng viên. Mặc dù có những chi bộ đã phát triển được 4-5 đảng viên mới, nhưng đảng bộ các xã vẫn chưa “rút” số đảng viên, đảng viên là cán bộ xã đã giới thiệu, điều động về sinh hoạt ngay mà vẫn để họ tiếp tục sinh hoạt cùng chi bộ 1 năm, 2 năm thậm chí 3-4 năm, chỉ khi nào cấp ủy, chi bộ đó đủ mạnh mới “rút” số đảng viên này về.
Phát triển đảng viên, xoá chi bộ ghép ở các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa ở huyện Yên Bình khá tốt, các địa phương khác cũng nên tham khảo, vận dung.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, trong năm qua, Đảng bộ huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nổi bật là việc thực hiện Đề án số 64- ĐA/BTCTU, ngày 21/8/2006 của BTC Tỉnh uỷ về phát triển chi bộ thôn bản giai đoạn 2006-2008.
YBĐT - Chỉ là một chi bộ nhỏ nhưng ở Chi bộ Tân Dân I, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái có thể rút ra được những bài học không nhỏ cho công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ đó nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên.
YBĐT - Xác định năm 2009 là năm quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005 – 2010, ngay từ đầu năm, Đảng bộ xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sát với thực tế yêu cầu của địa phương và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong Đảng ủy.
YBĐT - Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo, là nơi đưa mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống; là nơi trực tiếp tập hợp, vận động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị và lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của nhân dân để tiếp thu, phản ánh với cấp có thẩm quyền kịp thời có những chủ trương, chính sách; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và thực tế đang đặt ra, bởi muốn chính sách đi vào cuộc sống, trước hết phải đưa được cuộc sống vào chính sách.