Văn Chấn, góc nhìn từ công tác cán bộ

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Lần này đến Mường Lò (Yên Bái), không còn cảnh các lều, lán nằm như xôi đỗ trên cánh đồng mà thay vào đó là ngút tầm mắt của lúa xuân.

Nông dân vùng Mường Lò thu hoạch lúa chiêm xuân.
Nông dân vùng Mường Lò thu hoạch lúa chiêm xuân.

Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Dương Văn Thống bảo: “Đấy là nhờ thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã “ngấm” đến cơ sở, nói đi đôi với làm, đảng viên đi trước làm gương cho quần chúng noi theo, xóa được lối nghĩ và tập quán canh tác cũ của đồng bào Thái, Mường nơi này”.

Ngoài việc lấy cây lúa làm chính với 3.900 ha lúa hai vụ, Văn Chấn còn có vùng chè hàng hóa trên 4.300 ha, sản lượng búp tươi trên 33.000 tấn; vùng cây ăn quả trên 3.000 ha, sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 11.000 tấn. Do vậy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa có ý nghĩa quan trọng.

Để làm tốt việc đó, yêu cầu trước mắt là phải thay đổi cách nghĩ, đổi mới cách điều hành của đội ngũ cán bộ, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và sử dụng cán bộ. Vì thế, bên cạnh tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số bằng cách khuyến khích số cán bộ đương chức dưới 40 tuổi học bổ túc trung học phổ thông thì đến nay, các xã vùng cao Suối Giàng, Sùng Đô, An Lương, Nậm Lành... có cán bộ cấp xã qui hoạch đến năm 2020.

Huyện hiện đang liên kết với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên mở lớp đại học nông nghiệp tại chức cho 73 đồng chí; 2 lớp trung cấp cho 92 cán bộ dự nguồn qui hoạch, đầu vào tuyển chọn con em người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, đã tốt nghiệp cấp III và quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ, khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ tin học, trung cấp chính trị và trung cấp chuyên ngành.

Mạnh dạn đưa cán bộ cấp huyện luân chuyển về xã để vừa đào tạo, rèn luyện cán bộ vừa giúp cơ sở yếu vươn lên, trong đó chú trọng củng cố và tạo nguồn cán bộ địa phương tại chỗ, đủ sức hoàn thành các trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó. Trong hai năm qua, một số xã có vấn đề như: Nậm Búng, Nghĩa Sơn, Phúc Sơn... được Huyện ủy luân chuyển cán bộ làm bí thư Đảng ủy xã, sau đó đưa về huyện đảm nhiệm các chức vụ mới có trọng trách cao hơn. Như đồng chí Nông Ích Chấn luân chuyển làm Bí thư Đảng ủy xã An Lương, nay về giữ chức Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện; đồng chí Nguyễn Quốc Hưng luân chuyển về xã Suối Quyền giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, nay là Chánh văn phòng UBND huyện; đồng chí Trần Hữu Tiến - Thường trực HĐND huyện thí điểm “nhất thể hoá” chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm.

Đến nay, bộ máy chính quyền các địa phương này đã ổn định, nội bộ đoàn kết, thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Đến tháng 12 - 2008, Văn Chấn đã hoàn thành việc xóa chi bộ sinh hoạt ghép ở các thôn, bản và tổ dân phố (về trước nghị quyết của tỉnh Yên Bái một năm). Nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi đôi với tạo nguồn nên Văn Chấn phấn đấu đến quí I năm 2010, tất cả các chi bộ đều đủ đảng viên theo qui định của Điều lệ Đảng.

Thăm xã Phù Nham, nơi triển khai nghiêm túc việc học tập, cụ thể hóa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Duyên cho biết: “Để cuộc vận động đi vào cuộc sống, ngoài quán triệt, triển khai đến 100% cán bộ, đảng viên và nhân dân các nội dung theo qui định, chúng tôi nhận thấy, việc cần kíp là phải khôi phục cảnh quan môi trường, tháo dỡ các lều, lán lấn chiếm sai mục đích đất sản xuất. Đó là vận động đồng bào thấy cái sai, tự tiến hành kê khai diện tích lấn chiếm, cam kết không vi phạm Luật Đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Chỉ trong thời gian ngắn vận động quần chúng và các đảng viên đi trước thực hiện, 49 hộ dân có hành vi lấn đất ruộng làm nhà tạm và trồng cây lâu năm đã tự nguyện tháo dỡ lều lán. Nhờ đó, 192 hộ dân trên cánh đồng Mường Lò thuộc các xã kế bên như: Thanh Lương, Hạnh Sơn, Thạch Lương, Sơn A, Phúc Sơn... đã trả lại trên 22.000 m2  đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” cho canh tác ba vụ ăn chắc, làm tiền đề cho việc dồn điền đổi thửa ở Văn Chấn thuận lợi, đầu tư thâm canh cao trong thời gian tiếp theo”.

Nhờ có cách làm đúng, đồng bộ, hợp lòng dân nên hàng loạt những vấn đề bức xúc trong giải phóng cầu Ngòi Phà, cầu Ngòi Nhì; di dân trái phép tại xã Nghĩa Tâm; chống người thi hành công vụ tại xã Nậm Búng, tái trồng cây thuốc phiện ở một số xã vùng cao... đều được giải quyết thấu tình đạt lý, chấm dứt việc khiếu nại kéo dài, tập trung cho phát triển kinh tế. Sự chuyển động của Văn Chấn có tính bền vững bởi bố trí đội ngũ cán bộ “vì việc xếp người”, xóa tính cục bộ địa phương, đổi mới lề lối làm việc bằng cách đưa các chuyên viên của huyện mỗi tháng ít nhất có 10 ngày ở xã chỉ đạo, nắm tình hình và cùng cấp ủy, chính quyền giải quyết tại chỗ những việc mới phát sinh.

Nhờ gần dân, trọng dân, nghe dân nói, làm dân tin, học dân và có trách nhiệm với dân, các kế hoạch chỉ đạo từ huyện xuống xã và thôn, bản đều nhanh và đạt hiệu quả cao. Điển hình là việc chỉ đạo trồng 520 ha cây đậu tương trên ruộng hai vụ, đưa cây khoai tây vào trồng trên đất vụ ba ở 9 xã vùng ngoài của huyện, tăng đàn đại gia súc ở các xã vùng cao, trồng rừng nguyên liệu giấy đều được triển khai có hiệu quả.

Với cách làm hay, có lý, có tình từ cơ sở, chắc chắn, huyện Văn Chấn sẽ gặt hái thêm nhiều thành công trong thời gian tới. 

Mỹ Sinh

Các tin khác
Đảng viên ở cơ sở xã, nhất là đội ngũ chi ủy, bí thư chi bộ thôn, bản ngày càng vững mạnh. Ảnh QT

YBĐT - Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2005 - 2010 xác định: “Hàng năm, kết nạp được 1.500 đảng viên trở lên” và “Phấn đấu các thôn, bản đều có chi bộ”.

Nhiều hộ làm miến ở Giới Phiên trăn trở khi sản phẩm của làng nghề chưa có được một thương hiệu.

YBĐT - 5 tháng đầu năm 2009, Đảng bộ xã Giới Phiên (TP Yên Bái) đã chỉ đạo nhân dân trồng chăm sóc 51,6 ha lúa, đạt 100% kế hoạch; thâm canh tốt 19ha rau màu, cung cấp cho thị trường trên 10 tấn rau xanh các loại; thu hái và chăm sóc 24 ha chè, trồng mới 9ha rừng, bằng 100% kế hoạch.

YBĐT - Năm 2008, Đảng bộ xã Trúc Lâu (Lục Yên - Yên Bái) có 49 đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, 39 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; 2 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 10 chi bộ hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ xã Trúc Lâu nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, là điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở.

Nông dân xã Việt Hồng (Trấn Yên) thu hoạch lúa chiêm xuân.

YBĐT - Năm 2007, Đảng bộ xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) không hoàn thành nhiệm vụ do những yếu kém trong công tác lãnh đạo. Sau khi kiểm điểm, rút kinh nghiệm, Đảng bộ đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Kết quả năm 2008, Đảng bộ có 8/10 chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ đạt 95%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục