Lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn:

Đột phá từ tư duy tới hành động (Tiếp theo kỳ trước)

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2010 | 8:58:01 AM

YBĐT - Phát triển kinh tế - xã hội vùng cao với mục tiêu “Kinh tế xanh, giảm nghèo nhanh, tiến bộ xã hội” mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đề ra là mục tiêu lớn, những thành tựu đạt được trong những năm qua là tiền đề rất cơ bản song cần có sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc để vùng cao những năm tới đây có bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra mô hình trồng ngô lai trên đất nương ở huyện Trạm Tấu.
Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra mô hình trồng ngô lai trên đất nương ở huyện Trạm Tấu.

Giải pháp đồng bộ, chính sách đặc thù,  lồng ghép các nguồn lực

Nghị quyết số 26/2008/NQ-HĐND ngày 23.7.2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2008 - 2010 đã tạo thêm “cú huých” cho vùng cao đi lên. Mục tiêu lớn nhất là tạo bước đột phá để tới năm 2010 tăng trưởng kinh tế bình quân của hai huyện tương đương với nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh thông qua giải quyết các vẫn đề căn bản như: đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ sản xuất… Nghị quyết tập trung hỗ trợ đầu tư giải quyết hai vấn đề trọng tâm là đất đai và bảo vệ rừng phòng hộ, qua đó tạo điều kiện cho người dân có tư liệu sản xuất, tăng thu nhập.

Các địa phương đã tiến hành đo đạc, kiểm kê đất nông nghiệp tại Bản Mù, Trạm Tấu, Phình Hồ, Túc Đán, Bản Công (Trạm Tấu), Mồ Dề (Mù Cang Chải); hoàn thành giao rừng, cho thuê rừng tại xã Trạm Tấu (Trạm Tấu), hiện triển khai giao rừng, cho thuê rừng sản xuất tại Bản Công, Túc Đán, Phình Hồ, Xà Hồ, Làng Nhì (Trạm Tấu) và Mồ Dề, Púng Luông (Mù Cang Chải). Dự án đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn 76,5 tỷ đồng, huyện Mù Cang Chải là 79,3 tỷ đồng. Từ năm 2008-2010, huyện Trạm Tấu đã  nhận hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh trên 4,964 tỷ đồng để bảo vệ trên 99.258 ha rừng phòng hộ. Huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ trên 9,146 tỷ đồng cho bảo vệ 182.926 ha rừng phòng hộ, đặc dụng.

Ngoài các chính sách riêng của địa phương, Tỉnh ủy Yên Bái tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả các chương trình dự án cho vùng cao. Chương trình 135 (giai đoạn 2) tập trung đầu tư cho 65 xã và 157 thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc 45 xã của 8 huyện thị với tổng vốn đã phân bổ từ năm 2006 - 2010 là trên 456 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2006 - 2009 trên 329,279 tỷ đồng.

Dự án hỗ trợ sản xuất, hết năm 2009 đã giải ngân trên 45 tỷ đồng, 68.447 lượt hộ nghèo ở các thôn bản ĐBKK đã thụ hưởng đầu tư, nhờ đó ổn định được cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, từ năm 2006 - 2009 đã đầu tư xây dựng 172,33 km đường, 28 công trình cầu cống, 60 công trình thủy lợi, 23 công trình điện sinh hoạt, 16 công trình trường học… tổng vốn đầu tư trên 212,447 tỷ đồng…

Chương trình 135 còn tập trung đầu tư bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản, cộng đồng, hỗ trợ dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương và phát huy cao dân chủ trong lựa chọn đầu tư mà nguồn vốn đầu tư của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Đến nay 100% số xã ở Yên Bái đã có đường ô tô đến trung tâm, 50% số thôn bản có đường xe máy tới trung tâm, thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho 75% diện tích ruộng nước, trên 70% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo trong tỉnh trên 3%/năm, tình hình kinh tế vùng cao ổn định.

Để tạo động lực cho vùng cao, quan điểm lãnh đạo của Tỉnh ủy là tranh thủ tốt các nguồn lực nhưng phải quản lý, lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án liên quan trực tiếp tới xóa đói giảm nghèo ở vùng cao, vùng ĐBKK. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, giáo dục đào tạo, văn hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, xây dựng trung tâm cụm xã, dự án trồng 5 triệu ha rừng, bố trí lại dân cư, kiên cố hóa trường lớp học, giảm nghèo... đã triển khai thực hiện trên địa bàn các xã, thôn, bản thuộc Chương trình 135.

Việc quản lý các nguồn vốn và lồng ghép thực hiện đã được triển khai ngay từ khâu quy hoạch, xây dựng kế hoạch hàng năm trên cơ sở đề xuất nhu cầu từ cơ sở, phạm vi, đối tượng đầu tư. Tính trong 4 năm (2006-2010), tổng đầu tư từ 27 chương trình, dự án mục tiêu quốc gia triển khai lồng ghép trên địa bàn đã đạt trên 1.200 tỷ đồng, riêng năm 2010 bố trí vốn trên 225,3 tỷ đồng.

Trong điều kiện ngân sách của một tỉnh miền núi nghèo, cùng với các chương trình, dự án đặc thù của Chính phủ thì đây là nguồn vốn quan trọng để Yên Bái tập trung giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng cao. Tổng cộng 5 năm qua, Yên Bái đã đầu tư cho vùng cao trên 2.100 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế dân sinh, thực hiện đo đạc, sắp xếp, giao đất, giao rừng và đất sản xuất cho người dân, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ.

Sản lượng lương thực của hai huyện vùng cao tăng trên 8.000 tấn so với năm 2005, trồng mới 9.680 ha rừng, bảo vệ tốt rừng phòng hộ, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng cao có chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện...

 

Sản lượng lương thực 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải tăng thêm 8.000 tấn nhờ đưa các giống lúa mới vào sản xuất. (Ảnh: Thanh Miền)

Kinh tế xanh, giảm nghèo nhanh, tiến bộ xã hội ở vùng cao

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc cởi mở trao đổi về những việc mà cấp ủy chưa hài lòng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng cao. Bí thư cho rằng, điều lớn nhất là việc tổ chức thực hiện các nghị quyết về kinh tế - xã hội vùng cao có lúc, có nơi chưa chủ động thực hiện, chỉ đạo thực hiện chưa quyết liệt - từ đó làm giảm kết quả bình quân và mục tiêu cần đạt. Thành tựu và kết quả đạt được 5 năm qua là rất quan trọng, tuy nhiên phát triển kinh tế - xã hội vùng cao là cả một sự nghiệp cách mạng, tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy là vùng cao phải có những bước tiến nhanh hơn trong những năm tới.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ khóa XVI tới đây sẽ trình Đại hội Đảng bộ khóa XVII đề cập sâu sắc tư tưởng chỉ đạo này. Mục tiêu là: “Tiếp tục quan tâm lãnh đạo và ưu tiên đầu tư các nguồn lực, tạo bước chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế xanh, giảm nghèo nhanh và tiến bộ xã hội ở vùng cao”.

Câu hỏi đặt ra là vùng cao sẽ phát triển kinh tế xanh như thế nào, từ đâu? Chúng ta đã có tiền đề quan trọng trong 5 năm qua, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc cho rằng, thứ nhất phải khai thác tối đa thế mạnh về đất đai của vùng cao bằng cách chuyển mạnh sang trồng rừng sản xuất, trồng cây công nghiệp. Người dân phải sống được từ nghề rừng, từ bảo vệ rừng - đó là cách nhanh nhất để chuyển nền sản xuất từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa. Với vùng cao đó là một sự nghiệp “nhưng sự nghiệp đó lại trong tầm tay” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Việc cấp thiết là nhanh chóng hoàn thiện rà soát, đo đạc, giao đất, cho thuê rừng sản xuất để có tư liệu sản xuất cho người dân. Kinh tế lâm nghiệp trọng tâm là trồng cây sơn tra, cao su, rừng phòng hộ và phát triển ngành nghề dưới tán rừng. Thứ hai, phải tận dụng đất đai để trồng cây lương thực. Các mô hình trồng lúa hai vụ, ngô, đậu tương… đã cho kết quả tốt ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn… cần được nhân rộng, đi vào thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu giống theo hướng năng suất, chất lượng cao.

Thực tế khi chuyển hướng sản xuất lương thực quyết liệt thì việc đốt phá rừng để làm lúa nương giảm mạnh, như vậy định hướng tốt và tổ chức tốt sản xuất lương thực sẽ hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế lâm nghiệp mà tới đây ngành kinh tế này sẽ giữ vai trò vị trí hàng đầu kinh tế vùng cao. Trong nông nghiệp, chăn nuôi phải phát triển trang trại nhỏ, nuôi nhốt gia súc, phù hợp với đặc điểm vùng cao, kết hợp đưa con giống lai tạo, thích nghi cao, giá trị cao. Những mô hình nuôi cá tầm, cá hồi, nuôi thú rừng ở Cao Phạ (Mù Cang Chải), Thượng Bằng La (Văn Chấn)… đã phát huy hiệu quả là nhân tố mới, cần khuyến khích phát triển.

Giảm nghèo nhanh là một mục tiêu nhưng cũng là một thách thức ở vùng cao, nếu không có bước đi, biện pháp phù hợp kết quả sẽ không cao. Mấu chốt là làm sao tạo cho người dân một cung cách làm ăn mới, biết quản lý, tiết kiệm, hạch toán đầu tư. Muốn vậy, phải có những mô hình nhưng là mô hình không áp đặt, vì áp đặt sẽ không cho kết quả cao, thậm chí thất bại, ảnh hưởng tới việc đầu tư, vận động giảm nghèo. 

Một vấn đề đặt ra, là tại sao các mô hình kinh tế vùng cao, cụ thể hơn là sản xuất ở vùng cao sức cạnh tranh rất kém? Chưa nói tới hàm lượng đầu tư khoa học công nghệ, chỉ nói sản xuất đơn thuần thì đặc điểm tự nhiên, điều kiện địa lý đã là một khó khăn lớn. Làm ra một sản phẩm ở vùng cao đã khó, bán ra thị trường còn khó hơn, vì thế không thể thiếu các chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất vùng cao. 

Các chính sách đặc thù, hỗ trợ vùng cao thời gian qua là một “nâng đỡ cần thiết, bên cạnh các chính sách này cần tiếp tục huy động và quản lý, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư, lồng ghép các chương trình mục tiêu nhằm tạo nguồn lực lớn, tập trung cho vùng cao, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế dân sinh, phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung vào Chương trình 30a của Chính phủ, Chương trình 135, 134 (giai đoạn tiếp theo), các dự án mục tiêu triển khai ở các xã, thôn bản 135 và dành vốn ngân sách đầu tư cho vùng cao.

 

Đường Trạm Tấu - Bắc Yên (Sơn La) là công trình giao thông lớn tạo thế phát triển về kinh tế - xã hội cho vùng cao.

Quan điểm của Tỉnh ủy là phát triển kinh tế phải đi đôi giải quyết các vấn đề xã hội ở vùng cao. Trong đó, đầu tư cho giáo dục - đào tạo, văn hóa có vai trò quan trọng nhằm làm cho nhân dân thay đổi căn bản nhận thức, phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất, nâng cao về trình độ - nhất là trình độ văn hóa. Đầu tư cho vùng cao là sự đầu tư đồng bộ, trong đó nhân tố con người cực kỳ quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực vùng cao đã từng bước được cải thiện nhưng chưa cập yêu cầu nhiệm vụ.

Giải quyết vấn đề nhân lực vùng cao, cần tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng đào tạo, hỗ trợ kiến thức cho người dân thông qua các chính sách, chương trình dự án để người dân tiếp cận kiến thức mới, chủ động vươn lên thoát nghèo. Cán bộ là khâu then chốt, vì vậy cần tổng kết, đánh giá nghiêm túc việc thực hiện luân chuyển, tăng cường cán bộ vùng cao, nhất là cấp cơ sở, từ đó xác định đúng yêu cầu trọng tâm về nhân lực ở địa phương để tạo sự đột phá về tư duy lãnh đạo, phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. 

Đánh giá đúng tình hình vùng cao, thấy rõ những vấn đề trọng tâm và cấp bách để ưu tiên giải quyết, có bước đi phù hợp, thực hiện đồng bộ các chính sách, cơ chế, lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án đầu tư cho vùng cao là một thành công, là  kinh nghiệm đã được đúc rút trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng cao của Yên Bái trong 5 năm qua.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng cao với mục tiêu “Kinh tế xanh, giảm nghèo nhanh, tiến bộ xã hội” mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra là mục tiêu lớn, những thành tựu đạt được trong những năm qua là tiền đề rất cơ bản song cần có sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc để vùng cao những năm tới đây có bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

                                                         Tuấn Anh

  •  
  • (Tiếp theo kỳ trước) - https://baoyenbai.com.vn/21/66770/Dot-pha-tu-tu-duy-toi-hanh-dong-EMA-hrefhttpwwwbaoyenbaicomvn2166723LanhdaophattrienkinhtexahoivungcaovungdacbietkhokhanDotphatutuduytoihanhd111nghtmFONT-color0000ff-facearial-helvetica-sans-serifTiep-theo-ky-truocFONTAEM-.htm" target="_blank"> Twitter
Các tin khác

YBĐT - Trong sinh hoạt Đảng, một câu hỏi luôn luôn được đặt ra với nhiều đảng viên, đặc biệt đối với những đồng chí tâm huyết với Đảng, là làm thế nào để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ngay từ cơ sở. Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại nhiều lần trong sinh hoạt. Có ý kiến cho rằng:

Bản định cư xã Kim Nọi, Mù Cang Chải.
 (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Nghị quyết 06/NQ-TU chạm tới vấn đề cốt lõi ở vùng cao là tư liệu sản xuất của người dân, khi ban hành và bắt tay vào thực hiện đã xuất hiện tâm lý lo ngại “đảo lộn vùng cao” ở một số ít cán bộ ngành và địa phương nhưng cuộc “cách mạng” tư liệu sản xuất đã diễn ra với ý chí, quyết tâm cao của những người cộng sản trong sự đồng tâm, ủng hộ của nhân dân và đạt nhiều kết quả tích cực, căn bản, có tính bền vững.

Nâng cao kiến thức mọi mặt cho phụ nữ các dân tộc thiểu số sẽ góp phần đẩy mạnh công tác phát triển Đảng.

YBĐT - Nhiệm kỳ 2005 - 2010, thành công lớn nhất trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Yên Bái là đã hoàn thành việc xóa chi bộ ghép, về trước thời gian hơn một năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đến ngày 20/5/2009, tất cả 1.640 thôn, bản trong toàn tỉnh Yên Bái đều có chi bộ Đảng.

Đại biểu tại Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên bỏ phiếu bầu Ban chấp hành khóa mới, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

YBĐT - Qua đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, hầu hết đại hội các chi, Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ này chỉ bầu một lần là đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần. Điều đó đã cho thấy sự chủ động, công khai, dân chủ, tập trung của các chi, Đảng bộ trong công tác nhân sự - nội dung được đặc biệt chú trọng trong mỗi kỳ đại hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục