Bài 2: Qua Thực tiễn và kinh nghiệm
- Cập nhật: Thứ tư, 29/9/2010 | 2:41:37 PM
YBĐT - Để đại hội (ĐH) thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy thành công, Đảng bộ đó cần có sự đoàn kết, thống nhất cao. Vấn đề quan trọng nữa là phải giải quyết tốt các vướng mắc cũng như vấn đề dân sinh trước ĐH; thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm chức danh Bí thư Thành ủy Yên Bái tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII.
|
>> Bài 1: Lựa chọn khâu bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội Bầu ra đội ngũ cấp ủy viên bảo đảm cả về số lượng chất lượng đồng thời tiến hành thí điểm thành công đại hội (ĐH) bầu trực tiếp bí thư cấp ủy là thắng lợi lớn từ ĐH cấp trên cơ sở của Đảng bộ tỉnh Yên Bái. Cùng với kết quả đạt được, từ thực tiễn ĐH, nhiều kinh nghiệm đã được rút ra. Dân chủ trực tiếp được mở rộng Nhiệm kỳ 2010 - 2015 này, Đảng bộ tỉnh Yên Bái có 2/12 Đảng bộ trực thuộc thí điểm ĐH bầu trực tiếp bí thư cấp ủy. Để thực hiện thí điểm thành công ĐH tại Đảng bộ huyện Lục Yên và Đảng bộ huyện Trấn Yên, ngoài việc thành lập các đoàn công tác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Phó bí thư Tỉnh ủy trực tiếp tới kiểm tra công tác chuẩn bị trước và trong ĐH. Các khâu lựa chọn nhân sự, qui trình bầu trực tiếp tại ĐH được chú trọng, bám sát các hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy. ĐH tiến hành ứng cử, đề cử chức danh bí thư và tiến hành bầu cử bí thư cấp ủy theo đúng qui định. Nhờ thực hiện đầy đủ và chặt chẽ các bước qui định theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Qui chế bầu cử trong Đảng nên kết quả giới thiệu chức danh bí thư tại ĐH và hội nghị ban chấp hành của 2 Đảng bộ Trấn Yên, Lục Yên đạt tỷ lệ phiếu cao, đúng với phương án nhân sự. Các ĐH này được tổ chức rất tập trung, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của đảng viên. Cả 2 đồng chí đều trúng cử chức danh bí thư cấp ủy với số phiếu cao, đạt 100% số phiếu và 97,8% số phiếu. Đạt 100% số phiếu bầu, đồng chí Tạ Văn Long tái đắc cử chức danh Bí thư Huyện ủy Lục Yên. Đây là chức danh ĐH bầu theo tinh thần ĐH thí điểm bầu trực tiếp bí thư của Ban Tổ chức Trung ương. Nếu như nhiệm kỳ trước, bầu bí thư chỉ có 35 đồng chí trong Ban chấp hành bỏ phiếu thì tại ĐH thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy lần này của huyện có tới 188 đại biểu gồm: 50% đại biểu công tác tại các cơ quan, đơn vị và 50% đại biểu ở các xã bỏ phiếu nên dân chủ trực tiếp thực sự được mở rộng. Tại ĐH Đảng bộ Lục Yên, do bỏ phiếu tín nhiệm thăm dò chức danh Bí thư tại hội trường đạt cao nên Trung ương, Tỉnh ủy đã nhất trí bỏ khâu ứng cử, đề cử tại các tổ đại biểu và tiến hành ngay tại hội trường. Đồng chí Tạ Văn Long đánh giá: “Có thể nói, hình thức ĐH trực tiếp bầu bí thư cấp ủy đã góp phần quan trọng mở rộng dân chủ trong Đảng nếu làm đúng qui trình nhân sự cũng như các bước hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy một cách công tâm và Đảng bộ thực sự đoàn kết, thống nhất”. Từ thực tiễn bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại 2 Đảng bộ huyện Lục Yên và huyện Trấn Yên cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, nhận được sự đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kinh nghiệm rút ra là để ĐH thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy thành công, Đảng bộ đó cần có sự đoàn kết, thống nhất cao. Vấn đề quan trọng nữa là phải giải quyết tốt các vướng mắc cũng như vấn đề dân sinh trước ĐH; thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương. Mô hình thí điểm ĐH bầu trực tiếp bí thư cấp ủy ở tất cả các cấp được nhiều người mong muốn nhưng để đạt hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, có nhiều ý kiến đề nghị Trung ương nghiên cứu rút gọn qui trình bầu cử. Có thể bỏ khâu ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp ủy tại các tổ đại biểu mà tiến hành ngay tại hội trường. Bên cạnh đó, để phát huy dân chủ thực sự trong Đảng, Trung ương nên nghiên cứu danh sách nhân sự bầu bí thư, phó bí thư cấp ủy cần có số dư để các đại biểu dự ĐH, cấp ủy viên khóa mới có cơ hội lựa chọn những người tín nhiệm giữ chức vụ cao nhất của Đảng bộ. Trẻ hóa cán bộ còn khó khăn Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở của Đảng bộ tỉnh Yên Bái được đánh giá rất cao bởi đã bầu được đủ cả số lượng và đảm bảo chất lượng cấp ủy khóa mới. Tổng số 12 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã bầu được 397 đồng chí cấp ủy viên, tăng 41 đồng chí so với khóa trước, trong đó có 173 đồng chí mới tham gia, chiếm 43,58%; trình độ chuyên môn trên đại học có 11 đồng chí, trình độ cao đẳng và đại học có 344 đồng chí, số còn lại có trình độ trung cấp. Trong số cấp ủy viên, 240 đồng chí có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị, chiếm 60,45%. Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng trong việc tăng số lượng cấp ủy tham gia ban chấp hành các Đảng bộ nhiệm kỳ này theo chủ trương của Bộ Chính trị nhằm tăng số cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Trong tổng số 397 cấp ủy viên khóa mới này, có 78 đồng chí là nữ, chiếm 19,65% (tăng 4,65% so với mục tiêu). Đây là bước chuyển lớn thể hiện sự quan tâm tới công tác cán bộ nữ của cấp ủy các cấp. Độ tuổi trung bình của cấp ủy viên là 44,7 tuổi (trẻ hơn khóa trước 0,73 tuổi) cho thấy, việc trẻ hóa cán bộ đã được cải thiện. ĐH cấp trên cơ sở của Yên Bái sẽ thành công trọn vẹn hơn nếu tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy đạt 15% theo qui định của Bộ Chính trị. Mặc dù tỷ lệ cán bộ trẻ đã được quan tâm (tăng hơn khóa trước 4,67%) nhưng mới chiếm tỷ lệ 13,10%. Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cán bộ dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy nhiệm kỳ này có 131 đồng chí, chiếm 33%. Qua ĐH cấp trên cơ sở trong cả nước cho thấy, tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy khóa mới lần này tại các tỉnh, thành phố đều đạt thấp. Qua tìm hiểu, nguyên nhân ở đây không phải là do các cấp ủy chưa coi trọng, quan tâm tới cán bộ trẻ mà chủ yếu xuất phát từ quan điểm cho rằng, cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm. Bởi tiêu chuẩn đầu tiên để bầu cán bộ vào cấp ủy là cán bộ phải nổi trội về trình độ, năng lực và kinh nghiệm công tác. Do đó, sự lựa chọn giữa một cán bộ trẻ, có trình độ với một cán bộ trung tuổi cũng có trình độ lại thêm kinh nghiệm công tác thì chắc chắn, các đại biểu sẽ lựa chọn người trung tuổi. Cũng như các tỉnh, thành khác, Yên Bái đang có một đội ngũ cán bộ đương sức và từng trải nên cán bộ trẻ chưa thể phát triển quá nhanh khi cán bộ lớp trước đang trong độ tuổi cống hiến. Điều đó cho thấy, tỷ lệ cán bộ trẻ thấp là khó khăn khách quan chứ không phải do cấp ủy không thừa nhận năng lực cán bộ trẻ. Thực tiễn từ ĐH cấp trên cơ sở đã để lại những kinh nghiệm quí cho cấp ủy khóa mới trong công tác qui hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ và cán bộ dân tộc thiểu số. Thực hiện đồng bộ các khâu từ qui hoạch, chú trọng tới cán bộ trẻ và cán bộ dân tộc thiểu số đến mạnh dạn giao việc là trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong thời gian tới. Để cấp ủy có điều kiện đánh giá và qui hoạch, lớp cán bộ trẻ cũng cần chủ động, dám nhận, dám làm việc khó để khẳng định mình qua thực tiễn công việc. Minh Đức |
Các tin khác
YBĐT - Đảng bộ xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái) được Tỉnh ủy Yên Bái và Huyện ủy Yên Bình chọn thí điểm thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã. Cuối tháng 9/2009, Đảng bộ xã đã họp và bầu chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Sau một năm thực hiện thí điểm mô hình đã tạo ra sự chuyển biến đồng bộ.
YBĐT - Năm 2008, Đảng bộ Quân sự (QS) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) chỉ đạt đơn vị hoàn thành nhiệm vụ; tổ chức Đảng chưa đạt trong sạch, vững mạnh; chưa tạo được mối đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ huy.
YBĐT - Thực hiện chủ trương đảng viên bầu trực tiếp bí thư đã giúp Chi bộ Thoóc Phưa lựa chọn được một bí thư và một cấp ủy hợp lòng dân, từ đó đã tạo một bứt phá mới, bước đầu khơi dậy lại được phong trào quần chúng đã nằm im khá lâu, lấy lại được lòng tin trong đảng viên và quần chúng. Hy vọng cũng sẽ có nhiều chi bộ làm được như Thoóc Phưa.
YBĐT - Phát triển kinh tế - xã hội vùng cao với mục tiêu “Kinh tế xanh, giảm nghèo nhanh, tiến bộ xã hội” mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đề ra là mục tiêu lớn, những thành tựu đạt được trong những năm qua là tiền đề rất cơ bản song cần có sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc để vùng cao những năm tới đây có bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.