Ông Say “mặt trận”
- Cập nhật: Thứ ba, 29/4/2014 | 8:56:44 AM
YBĐT - Việc nào đồng chí Say cũng có mặt. Có người bảo đồng chí là “rỗi hơi” nhưng với đồng chí, việc nào có ích cho dân, cho bản là đồng chí làm bằng ý thức trách nhiệm của một người đảng viên. Người dân Bản Công gọi đồng chí bằng cái tên thân mật là: ông Say “mặt trận”
Ông Giàng A Say (ngoài cùng bên trái) - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bản Công trao đổi công việc với lãnh đạo các đoàn thể địa phương.
|
Sinh ra và lớn lên ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công huyện Trạm Tấu (Yên Bái), trải qua nhiều cương vị công tác nên ông Giàng A Say - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Bản Công đã có bề dày kinh nghiệm trong việc “xử cái lý” của đồng bào Mông nơi ông sinh ra. Vì vậy, khi đảm nhận vai trò Chủ tịch MTTQ xã, ông đã cống hiến hết mình cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Nhiều người trong xã nói rằng, có ông Say là công tác mặt trận như cá gặp nước...
Làm công tác mặt trận, ông nhớ nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 21/7/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010 và Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 12/12/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái về quy hoạch đất đai ở vùng cao (gọi tắt là Nghị quyết 03, Nghị quyết 06).
Nghị quyết 03 có nội dung xây dựng nếp sống văn hóa là làm công trình vệ sinh và xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, không được thách cưới cao, đưa người chết vào quan tài rồi Nghị quyết 06 về quy hoạch đất đai ở vùng cao, người nhiều đất chia cho người ít đất...
Mới nghe nội dung của các nghị quyết, ông Say cũng “choáng người” bởi đó là những phong tục, tập quán đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống của đồng bào Mông bao đời nay mà giờ bảo phải thay đổi thì không khác nào tìm đường “lên trời”. Khó nữa là lại bảo người nhiều đất chia cho người ít đất trong khi đất đai vốn là tài sản quý, mất công khai hoang mở rộng mới có mà phải cho người khác thì ai cho...
Thế nhưng khi tìm hiểu kỹ nghị quyết rồi được cán bộ huyện giải thích, ông Say vỡ ra nhiều điều. Nếu làm tốt những nội dung của nghị quyết thì cái lợi cho đồng bào có nhiều lắm. Cụ thể như làm công trình vệ sinh, đầu tiên là để bảo vệ sức khỏe cho người dân; tránh lãng phí trong việc tang là để cho người sống bớt nợ nần, tránh lãng phí khi tổ chức cưới xin là để cho lớp trẻ có điều kiện ổn định cuộc sống gia đình riêng; chia đất là giúp cho người nghèo có đất trồng lúa, trồng ngô... để có cái ăn hàng ngày... Đã hiểu thế nên ông Say quyết tâm vào cuộc cùng Đảng ủy, chính quyền cơ sở vận động người dân cùng làm.
Ông kể: Trước tiên là mình làm thông tư tưởng cho những người già trong họ, sau đó là người cùng bản rồi kết hợp với các tổ chức thành viên như phụ nữ, thanh niên, nông dân... họp thôn. Lúc đầu, có người nghe xong thì giãy nảy, phản đối ra mặt. Họ bảo, xây nhà vệ sinh thì con gái ngại không dám vào. Họ nói, đám cưới ăn uống ít ngày thì không vui. Họ cũng cho rằng, người sống thử chui vào cái “hòm” ấy xem có chịu được không mà bắt người chết ở đấy. Họ lại bảo, đất là tài sản lớn của nhà nông, cho là cho thế nào được...
Sau nhiều đêm thức trắng cùng các già làng, trưởng bản, người có uy tín cùng sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì cuộc vận động, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 03, Nghị quyết 06 của tỉnh thành công hơn cả mong đợi.
Hiện nay, Bản Công có 155 công trình nhà vệ sinh, 247/348 chuồng nuôi nhốt gia súc. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, có 13 đám cưới và 8 đám tang thực hiện nếp sống văn hóa. Cả xã có 6 hộ nhiều đất san sẻ cho 6 hộ ít đất sản xuất với tổng diện tích 18.672m2, bản thân tôi cũng hiến 4.000m2 đất cho người thân - ông Say thông tin thêm.
Ông Páo ở thôn Kháu Chu kể rằng: “Khi ông Say mới làm công tác mặt trận, người dân trong xã bảo ông làm toàn việc không đâu. Lúc ông vận động làm cái này, khi ông lại vận động làm cái kia, tệ nhất là phải giúp cho người tận đẩu tận đâu... Nhưng được nghe ông ấy nói nhiều về cái lợi của công trình vệ sinh, nói về cái khổ của người dân miền Trung trong bão lũ thì đến những người nghèo nhất bản cũng muốn ủng hộ đấy”.
Ở Bản Công, hiểu biết của đồng bào còn hạn chế.
Trước đây, một bộ phận người dân còn trồng thuốc phiện, bỏ bê nương rẫy khiến đói nghèo đeo đẳng. Vì thế, ông Say càng thêm quyết tâm phải phá bỏ triệt để loại cây này. Một mặt, ông tranh thủ sự ủng hộ của lớp thanh niên trẻ - những người được Đảng, Nhà nước đào tạo, có tư tưởng tiến bộ để có thái độ dứt khoát và kiểm soát chặt chẽ cùng các gia đình, dòng họ.
Mặt khác, ông phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ xã... tuyên truyền, vận động dân bản không trồng cây thuốc phiện; phải biết cách trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho nhiều tiền và tích cực trồng thêm vụ, chăm sóc tốt.
“Hiện nay, Bản Công có 155 công trình nhà vệ sinh, 247/348 chuồng nuôi nhốt gia súc. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, có 13 đám cưới và 8 đám tang thực hiện nếp sống văn hóa. Cả xã có 6 hộ nhiều đất san sẻ cho 6 hộ ít đất sản xuất với tổng diện tích 18.672m2, bản thân tôi cũng hiến 4.000m2 đất cho người thân”. |
Nhờ thế mà 4 năm nay, Bản Công đã xóa được cây thuốc phiện. Đồng chí Hờ A Vư - Bí thư Đảng bộ xã Bản Công cho biết: “Việc nào đồng chí Say cũng có mặt. Có người bảo đồng chí là “rỗi hơi” nhưng với đồng chí, việc nào có ích cho dân, cho bản là đồng chí làm bằng ý thức trách nhiệm của một người đảng viên. Người dân Bản Công gọi đồng chí bằng cái tên thân mật là: ông Say “mặt trận”. Đồng chí đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”.
Bản thân là một đảng viên 22 năm tuổi Đảng, trong dòng họ là một người có uy tín nên ông Say luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua. Ngoài việc ở xã, ông luôn dành thời gian cùng vợ con phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, nhà ông có 4 con trâu, bò và 60 con gia cầm các loại. Ông còn là người đầu tiên ở đây đào ao nuôi cá. Cùng với một năm hai vụ lúa, xen canh ngô đồi nên đời sống gia đình ông khá tươm tất.
Ông Say cho biết: “Mình phải làm tốt mọi việc của gia đình. Gia đình mình có làm tốt thì mới tuyên truyền, vận động người khác được”. Ngoài vận động con cháu xây dựng gia đình hạnh phúc, ông còn là tuyên truyền viên tích cực của những đợt hòa giải ở cơ sở, tham gia giải quyết từ những mâu thuẫn vợ chồng đến tranh chấp đất đai... Chỗ nào “nóng” là ông lại có cách để làm “nguội” đi. Vì vậy, lúc nào ông cũng bận rộn.
Từ năm 2013 đến nay, ông đã cùng với cán bộ xã hòa giải thành công 8 vụ việc từ cơ sở. Nói về thành tích của mình, ông Say cười: “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là được bà con dân bản tin yêu và bản thân làm được nhiều việc tốt cho mọi người!”.
Phương Thùy - Đinh Phú
Các tin khác
YBĐT - Trở về quê nhà từ những chiến trường, những người lính Cụ Hồ lại xông pha trên trận tuyến xây dựng quê hương, đất nước. Dù không vốn, không kinh nghiệm nhưng nhờ tinh thần chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm, nhiều cựu chiến binh đã phát huy bản lĩnh, tinh thần người lính, vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Đó là bà Đặng Thị Tuất - Phó bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc - một khu dân cư nhiều năm qua luôn đạt danh hiệu tiên tiến.
YBĐT - Gần 20 năm lập nghiệp trên vùng đất khó, bằng ý chí và nghị lực không cam chịu đói nghèo, đến nay, anh Lê Cao Nguyên đã là chủ nhân của một mô hình kinh tế vườn rừng tổng hợp với mức thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động trong thôn.
YBĐT - “Năng động, nhiệt tình, chịu khó, ham học hỏi, làm kinh tế giỏi…” là những nhận xét của hội viên phụ nữ thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng về chị Tăng Thị Yên - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ làm kinh tế giỏi thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng huyện Lục Yên (Yên Bái).