Làm giàu từ nuôi thỏ
- Cập nhật: Thứ hai, 21/7/2014 | 9:53:03 AM
YBĐT - Gia đình ông Bùi Quốc Trị, thôn Bảo Long được biết đến không chỉ là một trong những hộ nông dân điển hình phát triển kinh tế của xã Bảo Hưng (Trấn Yên) mà còn là hộ nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Yên Bái với mức thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Quốc Trị (bên phải) với mô hình nuôi thỏ cho thu nhập cao.
|
Đến thăm gia đình ông Trị, điều đầu tiên nhận thấy đó là một mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng được bố trí rất quy mô và khoa học. Ông chia sẻ, năm 1983, ông rời quân ngũ, trở về quê hương, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng nên chẳng đáng là bao. Với suy nghĩ, quyết tâm thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc ông không ngừng suy nghĩ và tìm tòi những hướng đi mới.
Những ngày đầu làm kinh tế còn rất nhiều khó khăn trở ngại, đất quanh nhà rậm rạp, gia đình chỉ đánh gốc, bốc trà làm dần. Mới đầu ông đào ao thả cá, chăn nuôi thêm con lợn, con gà song thu nhập cũng không ổn định vì dịch bệnh và thiếu kiến thức về chăn nuôi. Sau đó, đọc báo, nghe đài, thấy việc nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 2010, ông quyết định đầu tư 50 triệu đồng xây chuồng trại nuôi giống thỏ Niu-di-lân.
Khi bắt tay vào làm, ông gặp không ít khó khăn do thiếu vốn cũng như kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, thỏ chết nhiều, thiệt hại về kinh tế không nhỏ. Dần dần, ông Trị dành thời gian thăm quan các mô hình chăn nuôi thỏ có hiệu quả; tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Do nắm vững kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên thỏ của gia đình ông luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, đàn thỏ đã phát triển tới trên 500 con, gồm cả thỏ bố mẹ và thỏ thịt. Năm 2013, ông đã xuất chuồng gần 2 tấn thỏ thịt thương phẩm, thu về gần 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 120 triệu đồng.
Gần 4 năm nuôi thỏ, thu nhập mang lại cũng không nhỏ nhưng ông quyết tâm đầu tư tái sản xuất để có một quy mô lớn hơn. Chuồng trại 600m2 với trên 200 chuồng thỏ, hệ thống cung cấp nước uống hoàn toàn tự động do ông tự mày mò, mua ống nước và các linh kiện ghép nối lại, khi thỏ gặm mồm vào thì hệ thống nước sẽ tự chảy và tự tắt.
Ông Trị cho biết, giờ đây không phải đem thỏ đi các điểm nhà hàng giao bán như trước mà thương lái đánh xe ô tô đến tận nhà thu mua thỏ, bán lại cho các nhà hàng. Hiện nay, thỏ thương phẩm được gia đình xuất bán giá 80.000 đồng/kg, thỏ giống có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Cùng với nuôi thỏ, ông Trị còn đầu tư nuôi cá trên diện tích 1.000m2 ao, trồng đào cảnh, chăm sóc 1ha chè Bát Tiên... mỗi năm cho thu nhập gần 40 triệu đồng.
Nhờ chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và biết kết hợp hiệu quả các loại cây, con trong phát triển kinh tế gia đình, ông Trị thu nhập ổn định mỗi năm trên 200 triệu đồng. Ông đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, sắm sửa được đồ dùng tiện nghi. Nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong 3 năm liền (2011 -2013), gia đình ông được bình chọn là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Hưng cho biết: "Mặc dù mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình ông Trị là mới song việc đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bước đầu là sự gợi mở để các hộ gia đình trong và ngoài xã mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu cho gia đình và xã hội".
Trong thời gian tới, ông Trị sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại, tăng dần số lượng cung ứng con giống cũng như thỏ thương phẩm cho thị trường.
Quyết Thắng
Các tin khác
YBĐT - Là hội viên phụ nữ năng động và khéo léo, năm 1999, chị Đinh Thị Niêm, dân tộc Tày đã được bầu làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Yên Thuận, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên).
YBĐT - Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế và làm giàu đã làm thay đổi diện mạo của xã Việt Cường (Trấn Yên). Những nông dân hay lam hay làm đã biến những đồi hoang đất trọc thành những trang trại kinh tế cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh Lê Cao Nguyên ở thôn Khe Nụ là một trong những điển hình như vậy.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên tại thôn Sơn Trung (xã Mai Sơn, huyện Lục Yên), chị Triệu Thị Minh Hiền, dân tộc Tày cũng như bao phụ nữ khác xây dựng gia đình, sinh con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, chị vẫn một nắng hai sương miệt mài xoay đủ nghề làm thợ may, bán quần áo, bán hàng tạp hóa… để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, trong lòng chị vẫn nung nấu ý chí làm giàu.
YBĐT - Với tố chất đặc biệt và kiến thức sâu về pháp luật, ông Hà Đình Nghiêm đã được Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn mời tham gia Đoàn Hội thẩm của tòa án khi còn đang giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh.