Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ tư, 23/7/2014 | 8:55:57 AM
YBĐT - Đến thôn 8, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên hỏi cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy hầu như ai cũng biết bởi ý chí làm giàu của ông.
Cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy đã mạnh dạn đưa cây măng Mạnh Tông vào phát triển kinh tế gia đình.
|
Năm 1970, thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông lên đường nhập ngũ. Sau huấn luyện, ông được điều động vào chiến trường miền Nam. Tham gia nhiều trận đánh, cùng đơn vị lập nhiều chiến công, trong trận đánh ở Quảng Trị, ông bị thương, được đơn vị chuyển về tuyến sau điều trị và cho phục viên trở về quê, mất sức 71%, xếp hạng bệnh binh 2/3. Năm 1976, ông xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Hoàn người cùng thôn. Chỉ hai bàn tay trắng nên gia đình ông rất khó khăn, rồi 3 đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống càng thêm vất vả. Thế nhưng bản chất, truyền thống người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa thôi thúc ông không cam chịu đói nghèo.
Từ bao đời nay, gia đình ông làm nông là chính, vì vậy ông suy nghĩ làm gì thì làm nhưng cũng phải dựa trên nền tảng những kinh nghiệm của bản thân cũng như tiềm năng sẵn có của địa phương. Nghĩ là làm, năm 1984, vợ chồng ông bắt tay vào cải tạo khu vườn nhà để trồng cây ăn quả. Thị trường lúc đó rất chuộng quả vải, ông lặn lội về tận Hưng Yên để tìm hiểu mua giống vải ngon về trồng.
Với 100 gốc vải trồng được, bao công thăm nom, chăm sóc, sau 3 năm cây bắt đầu cho thu hoạch. Những vụ vải đầu tiên quả nhiều, vải bán được giá, ông thu lại được vốn cây giống và chi phí chăm sóc. Nhưng mấy năm sau đó do đất cằn và thời tiết không thuận lợi, cây còi, quả ra ít, giá bán lại thấp, ông thất bại trong trồng cây ăn quả. Không vì thế mà nản lòng. Ông tìm mua sách nông nghiệp, sách dậy kỹ thuật trồng cây về nghiên cứu, tìm tòi giống cây phù hợp với đất và khí hậu địa phương.
Một lần, tình cờ đọc được bài viết về măng Mạnh Tông - một giống măng ngon cho năng suất cao được trồng nhiều ở Hạ Hòa (Phú Thọ), ông đã mạnh dạn một lần nữa chuyển đổi sang trồng măng. Năm đầu trồng 15 hốc, thấy có hiệu quả ông mở rộng trồng thêm 10 hốc, hiện tại ông có 25 hốc măng. Mỗi năm, trung bình ông thu hoạch được 7 tấn măng, thu về 20 triệu đồng.
Trấn Yên là một huyện có truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Với 4 sào đất ruộng được xã phân, ông trồng 4 sào dâu nuôi tằm giống, mỗi năm nuôi 2 vụ tằm. Hiện tại gia đình ông đang có 400 vòng tằm giống. Với nghề truyền thống này, gia đình ông thu về khoảng 60 triệu đồng.
Là cựu chiến binh năng động, với suy nghĩ sẽ làm giầu bằng mọi cách, không ngại khó ngại khổ, miễn sao đó là công việc lao động chân chính, ông Huy còn đầu tư nuôi hươu lấy nhung. Hiện tại, ông nuôi 2 con hươu đực lấy nhung và 2 con hươu cái cho sinh sản lấy giống, năm vừa rồi thu hoạch mỗi con hươu được 1 cân nhung, thu về 50 triệu. Phát triển kinh tế bền vững, cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy còn trồng thêm 1ha rừng keo và cùng 6 cựu chiến binh là hội viên Hội Cựu chiến binh xã đầu tư trồng rừng keo. Đầu năm 2014, 1ha rừng keo của ông đã cho thu về 60 triệu, còn rừng keo của ông và các cựu chiến binh khác cũng cho thu về 120 triệu đồng. Từ các nguồn, tính ra, giờ đây mỗi năm gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội Cựu chiến binh xã. Ông tích cực vận động các cựu quân nhân đến với tổ chức Hội và tích cực tham gia phong trào hội viên cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ở địa phương. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn bằng cây, con giống và tận tình hướng dẫn các hội viên kỹ thuật trồng trọt để đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng đó, cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy còn tích cực, nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở khu dân cư, được bà con tin tưởng và kính trọng.
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Là một trong 80 đại biểu chính thức tham gia Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Trạm Tấu (Yên Bái) lần thứ 2, chị Giàng Thị Dua đến với đại hội với tư cách là hộ nông dân sản xuất giỏi.
YBĐT - Sau 35 năm công tác trong ngành xây dựng và ngành công nghiệp, năm 1992, ông Nguyễn Xuân Tiếp nghỉ chế độ hưu và cư trú tại tổ 13, thị trấn Yên Thế (Lục Yên). Năm 1999, ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Người cao tuổi (NCT) thị trấn và làm thủ quỹ, quản lý thu chi quỹ hội cho đến nay.
YBĐT - Nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình cũng là góp sức nhỏ bé xây dựng quê hương - đấy là suy nghĩ của Trưởng thôn Tướng Văn Thành (thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình) – người được bà con dân bản nể phục và kính trọng bởi cách làm kinh tế du lịch cộng đồng.
YBĐT - Gia đình ông Bùi Quốc Trị, thôn Bảo Long được biết đến không chỉ là một trong những hộ nông dân điển hình phát triển kinh tế của xã Bảo Hưng (Trấn Yên) mà còn là hộ nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Yên Bái với mức thu nhập 200 triệu đồng/năm.