“Cố vấn” bản
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2014 | 9:11:22 AM
YBĐT - Xã vùng cao Nậm Lành, đồng bào dân tộc Dao luôn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tất cả chuyển biến tích cực này là nhờ có những “cố vấn” bản luôn tận tụy tâm huyết với công việc như những “cánh tay nối dài”của chính quyền cơ sở.
Ông Hoàng Hữu Hưng (người đứng) tuyên truyền bà con trong dòng họ thực hiện nếp sống văn hóa.
|
Đã thành thông lệ, vào tối thứ 7 hàng tuần, dòng họ Hoàng tại thôn Giàng Cài – xã Nậm Lành lại tổ chức buổi sinh hoạt tập thể tại gia đình ông trưởng họ Hoàng Hữu Hưng – người được gọi với cái tên thân mật là ông “cố vấn bản”. Do đã đi vào nếp sinh hoạt nên không cần phải được thông báo đi họp, 20 hộ gia đình trong dòng họ Hoàng đến không thiếu một ai.
Anh Hoàng Qúy Chu cho biết: “Những buổi họp như thế này, chúng tôi được nghe về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được phổ biến các kỹ thuật mới trong sản xuất phát triển kinh tế và được ông trưởng dòng họ truyền dạy các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Dao”.
Không chỉ có dòng họ Hoàng mà 5 dòng họ khác của thôn Giàng Cài cũng duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt dòng họ. Thông thường, cứ 1 – 2 tuần, các dòng họ tổ chức họp 1 lần. Nếu có việc đột xuất, trưởng dòng họ, người có uy tín sẽ triệu tập các thành viên của dòng họ đến để kịp thời giải quyết công việc chung. Nhờ đó, những năm gần đây, nhân dân thôn Giàng Cài đã tập trung vào phát triển kinh tế địa phương dựa vào những thế mạnh từ đồi rừng, tập trung chăm sóc 120ha quế, chăn nuôi đàn đại gia súc. Với địa hình đồi núi dốc, bà con trong thôn mạnh dạn chuyển đổi 17ha đất trồng thông dại sang trồng ngô, 12ha sắn phục vụ cho sản xuất chăn nuôi.
Ông Hoàng Hữu Hưng – trưởng dòng họ Hoàng thôn Giàng Cài cho biết: “Ngoài việc sinh hoạt tập trung tại gia đình trưởng họ, tôi còn thường xuyên đến các hộ gia đình trong dòng họ để tuyên truyền vận động bà con thực hiện mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước; duy trì nguồn quỹ huy động 200.000 đồng/hộ/năm để lấy kinh phí hoạt động thăm hỏi ốm đau, giúp đỡ một số hộ gia đình khó khăn”.
Là xã vùng cao chiếm trên 90% là dân tộc Dao, đời sống đồng bào Nậm Lành còn nhiều khó khăn. Đảng bộ, chính quyền xã nhận thức sâu sắc rằng thôn, bản là nơi trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước cũng xuất phát từ làng, bản với sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Do đó, vai trò của già làng, trưởng họ, người uy tín tiêu biểu là hết sức quan trọng. Hiện nay, 6 thôn bản của xã Nậm Lành đều có các già làng, trưởng họ, người có uy tín tiêu biểu được bà con tín nhiệm bầu ra. Xã Nậm Lành đã xây dựng quy ước, hương ước hoạt động cho các dòng họ.
Phó chủ tịch UBND xã Bàn Thị Náy cho biết: “Việc phát huy tốt vai trò của những người có uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng xã Nậm Lành có vai trò như “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp giải quyết các vấn đề ngay từ cơ sở, không để phức tạp kéo dài, quan trọng là rất được lòng dân. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các già làng, trưởng họ và người có uy tín, xã có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ này để họ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền tại khu dân cư”.
Việc kết hợp hài hòa giữa luật tục và luật pháp, giữa truyền thống và hiện đại mà các già làng, trưởng họ, người có uy tín đã khéo léo vận dụng đưa vào cuộc sống hằng ngày của nhân dân đang góp phần không nhỏ làm cho bộ mặt nông thôn nơi vùng cao này có nhiều khởi sắc. Nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân dần ổn định. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ 3, tảo hôn đã giảm đáng kể. Nhiều dòng họ trong xã đã trở thành gương sáng trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đồng thời tích cực truyền dạy cho con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Phương Thảo – Thanh Hà
Các tin khác
YBĐT - Ở vùng cao Mù Cang Chải quãng 20 năm trước, đời sống người dân còn muôn vàn khó khăn thì ông Lý A Chừ ở bản Chống Páo Sang, xã La Pán Tẩn đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Để trở thành hộ có cuộc sống như vậy, ông Chừ cho biết, bản thân mình phải luôn lắng nghe sự chỉ đạo, hướng dẫn của cán bộ để thay đổi cách làm ăn theo lối cũ.
YBĐT - Là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên trên cánh đồng Mường Lò, thuộc thôn Khá Hạ, xã Thanh Lương (Văn Chấn), ông Nguyễn Văn Gan được nhiều người biết đến không chỉ với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng mà còn là một “thủ lĩnh” người luôn đi đầu trong mọi hoạt động từ sản xuất, chăn nuôi đến tham gia các hoạt động chung của thôn bản.
YBĐT - Không thành công nào mà không có mồ hôi, thậm chí cả nước mắt, điều này hoàn toàn đúng đối với Thái - một quân nhân có ba năm phục vụ tại ngũ thuộc một đơn vị thông tin thuộc Lữ đoàn 297, Quân chủng Phòng không - Không quân đóng quân tại vùng hồ Thác Bà cách đây hơn mười năm trước.
YBĐT - Mong muốn làm giàu cho gia đình, cho xã hội và giúp đỡ các CCB, thương binh phát triển kinh tế vươn lên xoá đói giảm nghèo, nghị lực vượt khó của thương binh 4/4 Hoàng Văn Tinh, tổ 13, phương Yên Ninh, thành phố Yên Bái thực sự là một điển hình của địa phương.