Cô giáo viết văn
- Cập nhật: Thứ tư, 26/11/2014 | 8:47:38 AM
YBĐT - Yêu văn chương từ lúc còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái nhưng phải đến năm 2008, khi tạm biệt mái trường Tiểu học Văn Lãng thân thương, về nhận công tác mới tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, cô giáo Kim Yến mới có nhiều thời gian và điều kiện để chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi.
Cô giáo, nhà văn Hoàng Kim Yên.
(Ảnh: Ngọc Đồng)
|
Từng là giáo viên Trường Tiểu học Văn Lãng (trước thuộc huyện Trấn Yên, nay thuộc huyện Yên Bình), cô giáo Hoàng Kim Yến có nhiều năm gắn bó với các em học sinh vùng nông thôn, thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả của những học sinh sáng đến lớp, chiều về giúp bố mẹ việc nhà. Đó cũng là nguồn cảm xúc đặc biệt để cô giáo Kim Yến sáng tác những câu chuyện ngắn dành cho thiếu nhi chứa đựng tình yêu học trò sâu sắc và gửi gắm những bài học cho các em.
Yêu văn chương từ lúc còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái nhưng phải đến năm 2008, khi tạm biệt mái trường Tiểu học Văn Lãng thân thương, về nhận công tác mới tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, cô giáo Kim Yến mới có nhiều thời gian và điều kiện để chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi. Những truyện ngắn như: “Chuyện bạn tôi”, “Lâm thọt”, “Ý định không thực hiện”, “Sỹ diện”, “Bài học để đời”… chủ yếu xoay quanh chuyện học đường, tâm sự của tuổi học trò lần lượt ra đời. Năm 2012, chị đã cho ra mắt độc giả nhỏ tuổi tập truyện “Một cuộc giải cứu” – Nhà xuất bản Dân trí, trong đó có một truyện đồng thoại dài 6 chương.
Câu chuyện đồng thoại này là lời kể của chú cá Rô Đực về cuộc phiêu lưu đi tìm “con Người” để tìm cách giải quyết vụ ô nhiễm nguồn nước ở “thôn Giữa” do nhà máy nước thải ra làm các chi họ Cá, ếch, Tôm, Cua, Rắn… đang sinh sống ở nguồn nước ấy bị nhiễm bệnh nặng và chết dần. Cuộc phiêu lưu của Rô Đực và người bạn Rô Cồ với những tình tiết gay go, nguy hiểm và không ít chuyện cười ra nước mắt có sức cuốn hút không khác gì chuyến phiêu lưu của chú Dế Mèn trong truyện của nhà văn Tô Hoài. Và lời chúc mừng của các cụ cao tuổi ở “thôn Giữa” khi đôi bạn Rô Đực và Rô Cồ đã vượt qua bao hiểm nguy thành công trở về cũng chính là sự gửi gắm tình cảm của tác giả với độc giả nhỏ tuổi: “Lớp trẻ quả thật là giỏi! Giờ chúng ta đã thật sự yên tâm để nghỉ ngơi rồi”. Những bài học nho nhỏ như thế được lồng ghép không hề gượng ép luôn là điểm nhấn trong các tác phẩm của chị.
Khi được hỏi những điều gì thường trở thành cảm xúc để chị sáng tác cho thiếu nhi, Kim Yến chia sẻ: “Trong cuộc sống có rất nhiều cảm xúc khiến tôi muốn đặt bút viết về nó. Nhưng có lẽ, chính những ánh mắt trong veo, sự ngây thơ, trong sáng của trẻ nhỏ đã tác động lớn đến việc lựa chọn đề tài sáng tác của tôi. Từ những câu nói ngô nghê, câu nhận xét ngộ nghĩnh, cách diễn đạt giản đơn làm tôi thấy rất thú vị và đáng yêu. Tìm về thế giới của trẻ thơ, tôi thấy mình lạc quan và thêm yêu cuộc sống hơn…”
Tuy nhiên, khi sáng tác cho thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay, cái khó nhất chị gặp phải là làm thế nào để những tác phẩm ấy không bị “già”. Không phải ai cũng thành công khi sáng tác cho thiếu nhi bởi nó đòi hỏi người cầm bút phải có nhãn quan của trẻ thơ, nghĩa là người viết phải dùng chính những cảm nhận, suy nghĩ của trẻ để thu hút trẻ đến với tác phẩm của mình. Những câu chuyện, chi tiết, lời văn… phù hợp với thế giới của trẻ thì chắc chắn sẽ được trẻ đón nhận và yêu thích.
Gần 10 năm sáng tác cho thiếu nhi, chị nhận ra rằng, trẻ em bây giờ sớm được tiếp xúc với khoa học công nghệ, được chơi những trò chơi hiện đại với vô vàn các loại đồ chơi cuốn hút. Vì thế mà thế giới ước mơ của trẻ nhỏ bây giờ không phải là ông Tiên, ông Bụt mà là thành quả của khoa học công nghệ như chú mèo máy Đôrêmon, siêu nhân, người nhện....
Trẻ em bây giờ cũng có ít thời gian để vui chơi hơn vì thời gian học trên lớp, học ngoài giờ khá nhiều. Nếu có tìm đến sách truyện thì các em thường lựa chọn truyện tranh vì truyện tranh ít chữ lại có hình vẽ trực quan sinh động. Các em sẽ mất ít thời gian khi đọc và đặc biệt là ít phải tư duy. Điều đó dẫn đến khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, khả năng viết văn của các em bị hạn chế. Do vậy, việc thu hút trẻ em về với những mẩu chuyện ngắn, nhiều chữ - ít kênh hình là thử thách lớn với các tác giả sáng tác cho thiếu nhi hiện nay. Đó cũng là điều chị luôn băn khoăn, trăn trở.
Theo kinh nghiệm bản thân, chị cho rằng, người lớn viết văn cho trẻ thơ thì nên “là trẻ thơ”, sống trong thế giới của trẻ thơ để tìm ra những đề tài mà trẻ thơ yêu thích; diễn đạt bằng ngôn ngữ trẻ thơ và nhẹ nhàng gửi gắm những bài học phù hợp với khả năng tiếp nhận của các em.
Mong rằng, với những kinh nghiệm ấy và tình yêu thương trẻ thơ, “cô giáo - nhà văn” Hoàng Kim Yến sẽ cho ra mắt độc giả nhỏ tuổi nhiều câu chuyện ý nghĩa, cuốn hút độc giả nhỏ tuổi hơn nữa.
Anh Thư
Các tin khác
YBĐT - Theo chủ trương của Đảng, ông Lương Minh Các ở thôn Nhầy, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) đã cùng đồng bào Xa Phó từ trên các đỉnh núi, đầu nguồn các khe suối trong rừng sâu, từ bỏ cuộc sống du canh du cư về định cư tập trung thành thôn bản và học tập cách khai hoang ruộng nước, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng đời sống mới.
YBĐT - Từ khi triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô Sơn là một trong những người đi đầu trong tự học và sáng tạo. Khi còn giảng dạy trên lớp, cô chịu khó trau dồi, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để khắc phục những thiếu sót của mình.
YBĐT - Tìm hiểu về gạch không nung từ đầu năm 2010, đúng thời điểm Chính phủ ra Quyết định số 567 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 nhưng phải đến tháng 7/2014, anh Trần Văn Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Phát mới thực hiện được ước mơ của mình.
YBĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".