“Lương y như từ mẫu”
- Cập nhật: Thứ năm, 27/11/2014 | 2:39:28 PM
YBĐT - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với ngành y tế. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành y tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất. "Thầy thuốc phải như mẹ hiền" chính là yêu cầu Bác Hồ đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của cán bộ, nhân viên ngành y đối với người bệnh.
Đồng bào các dân tộc ở vùng cao Yên Bái ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
|
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Bác căn dặn cán bộ y tế: "Lương y phải như từ mẫu". Cho đến lúc sắp đi xa, trong "Di chúc", Người vẫn không quên dặn dò phải "Phát triển công tác vệ sinh, y tế…". Thực hiện "Di chúc" và lời dạy của Bác, trong 45 năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết, quyết định liên quan đến ngành y tế nhằm từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển mạng lưới y tế rộng khắp, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ nhân viên y tế các tuyến, góp phần phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.
Bác sỹ Lường Văn Hom - Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: "Các thế hệ cán bộ ngành y tế Yên Bái dù trong thời kỳ chiến tranh phải sơ tán hay thời bình luôn phấn đấu, học tập, rèn luyện, bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị phục vụ thương bệnh binh và nhân dân, phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh đồng thời xây dựng ngành không ngừng phát triển về mọi mặt, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Công tác giáo dục y đức qua các thời kỳ luôn được ngành y tế Yên Bái dành sự quan tâm đúng mức. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, có lúc, có nơi còn thực hiện chưa tốt về tinh thần, thái độ phục vụ. Do đó, ngành luôn chủ động nắm bắt tình hình, tư tưởng của đội ngũ cán bộ và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ.
Ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng các quy định về y đức, quy tắc ứng xử đến tất cả các đơn vị; phát động các phong trào thi đua, tổ chức các hội thi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo với nội dung tinh thần sẵn sàng cứu giúp người khác, tận tuỵ với người bệnh, trau dồi kỹ năng, gương mẫu trước bệnh nhân, tập thể và cộng đồng, thường xuyên tổ chức kiểm tra giám sát, có các biện pháp khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Qua đó, tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ trong toàn ngành cơ bản là tốt, mang lại niềm tin trong nhân dân.
Muốn làm tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân thì mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở phải được chú trọng, củng cố và phát triển. Đến nay, Yên Bái đã xóa xã “trắng” về y tế. Hệ thống y tế cơ bản hoàn chỉnh từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản. Đội ngũ cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện có 3.194 cán bộ, trong đó có 568 bác sỹ, đạt tỷ lệ 7,24 bác sỹ trên 1 vạn dân; dược sỹ đại học là 59 người, đạt tỷ lệ 0,75 dược sỹ đại học trên 1 vạn dân. Tỷ lệ số xã có bác sỹ đạt 57,78%; bình quân một trạm y tế có 5,4 cán bộ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị từ tỉnh đến cơ sở đến nay đã được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa 500 giường, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đang được đầu tư xây dựng. Công tác y tế dự phòng được đẩy mạnh, nhiều dịch bệnh ở các giai đoạn khác nhau được khống chế, đẩy lùi như: sốt rét, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, bạch hầu, ho gà, uốn ván, tay - chân - miệng, sởi, cúm A/H1N1...
Đặc biệt, đã thanh toán được bệnh bại liệt và bệnh phong; trên địa bàn tỉnh không phát hiện dịch bệnh nguy hiểm như: cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 và các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi; bước đầu cơ bản đã khống chế được bệnh dại. Các đơn vị y tế hệ dự phòng bước đầu được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là 1 trong 3 đơn vị y tế đầu tiên của cả nước đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng tuyến tỉnh và đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên môn để chẩn đoán PCR các bệnh truyền nhiễm và phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO, giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn đạt hiệu quả cao. Chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh được nâng lên, đến nay đã triển khai các kỹ thuật chụp cắt lớp, mổ nội soi, mổ chấn thương sọ não, chạy thận nhân tạo…
Đơn cử, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã triển khai được 14 kỹ thuật vượt tuyến, nâng tổng số kỹ thuật vượt tuyến đang thực hiện lên 22 kỹ thuật. Việc thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế bảo đảm theo đúng qui định của Luật Bảo hiểm y tế. Đến hết năm 2011, toàn tỉnh có tổng số 156/180 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, chiếm 86,66% (theo tiêu chí cũ) và theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2011 - 2020 là 26 xã.
Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra như: an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS, lao, sốt rét, duy trì công tác giảm sinh bền vững, chất lượng dân số ngày một được nâng cao, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở.
Đặc biệt, ngành đã làm tốt công tác vận động đầu tư các dự án UNICEF, UNFPA, ODA, NGO... và đang phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn; bảo đảm công tác cung ứng, sử dụng thuốc cho phòng chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích và khám, chữa bệnh trên địa bàn. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác của ngành.
Công tác xã hội hóa được chỉ đạo triển khai tại tất cả các đơn vị trong ngành và một số đơn vị đã thực hiện rất tốt, đáp ứng được nhu cầu dịch vụ y tế của người bệnh và cải thiện đời sống cho cán bộ.
Công tác y học cổ truyền ngày càng được xã hội hóa cao hơn, các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đều có vườn thuốc nam mẫu. Củng cố và phát triển các phòng chẩn trị, thừa kế các bài thuốc gia truyền trong nhân dân, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, các khoa đông y ở bệnh viện tuyến huyện từng bước được củng cố và việc kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc trong điều trị ngày một mở rộng, có hiệu quả.
Sau 45 năm thực hiện "Di chúc" của Bác, đến nay, ngành y tế Yên Bái đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong xu thế phát triển và hội nhập, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời dặn trong "Di chúc" của Bác về công tác y tế và sức khỏe vẫn là ngọn đèn soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế của cả nước nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Yêu văn chương từ lúc còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái nhưng phải đến năm 2008, khi tạm biệt mái trường Tiểu học Văn Lãng thân thương, về nhận công tác mới tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, cô giáo Kim Yến mới có nhiều thời gian và điều kiện để chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi.
YBĐT - Theo chủ trương của Đảng, ông Lương Minh Các ở thôn Nhầy, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) đã cùng đồng bào Xa Phó từ trên các đỉnh núi, đầu nguồn các khe suối trong rừng sâu, từ bỏ cuộc sống du canh du cư về định cư tập trung thành thôn bản và học tập cách khai hoang ruộng nước, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng đời sống mới.
YBĐT - Từ khi triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô Sơn là một trong những người đi đầu trong tự học và sáng tạo. Khi còn giảng dạy trên lớp, cô chịu khó trau dồi, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để khắc phục những thiếu sót của mình.
YBĐT - Tìm hiểu về gạch không nung từ đầu năm 2010, đúng thời điểm Chính phủ ra Quyết định số 567 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 nhưng phải đến tháng 7/2014, anh Trần Văn Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Phát mới thực hiện được ước mơ của mình.