Người “say” công tác dân số

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/12/2014 | 1:09:13 PM

YBĐT - “Những cán bộ chuyên trách làm công tác vận động, tuyên truyền như mình thì cho dù nhiệt tình, trách nhiệm vẫn chưa đủ, mà phải thật sự “say” với công việc thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ” - đó là những lời chia sẻ của chị Triệu Thị Chí - cán bộ chuyên trách công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) xã Xuân Lai (huyện Yên Bình). Chính cái “say” của chị đã góp phần không nhỏ để công tác DS - KHHGĐ của xã ngày càng ổn định.

Chị Triệu Thị Chí (người đứng) tranh thủ mọi thời điểm có thể để vận động, tuyên truyền người dân thực hiện sinh đẻ kế hoạch.
Chị Triệu Thị Chí (người đứng) tranh thủ mọi thời điểm có thể để vận động, tuyên truyền người dân thực hiện sinh đẻ kế hoạch.

Xuân Lai là xã vùng III của huyện Yên Bình, có 710 hộ dân với 3.127 nhân khẩu, 12 thôn bản và có 6 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 60%. Do địa hình đồi núi phức tạp, dân cư ở thưa thớt, phân bố không đồng đều nên việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác DS - KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong nhiều năm gần đây, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể của xã, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung tâm DS - KHHGĐ huyện và đặc biệt là cái “say” công việc của chị cán bộ chuyên trách dân số Triệu Thị Chí - người dân tộc Tày, đã làm cho công tác DS - KHHGĐ của xã ngày một ổn định, không có tảo hôn, thôn không có người sinh con thứ ba, góp phần vào thực hiện mục tiêu nhanh chóng đưa Xuân Lai thoát khỏi vùng 135.

Trước đây, đã học qua lớp trung cấp nông nghiệp và trung cấp lý luận chính trị - quản lý hành chính nhà nước, năm 2007, chị Chí được chính quyền xã giao làm cán bộ chuyên trách công tác DS - KHHGĐ và được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ Trạm y tế xã. Nhờ biết vận dụng kiến thức, kinh nghiệm qua các lớp tập huấn tại Trung tâm DS - KHHGĐ huyện, Chi cục DS -KHHGĐ tỉnh và Sở Y tế cùng cái duyên trong giao tiếp, biết nắm bắt những thời điểm thích hợp, cơ hội thuận lợi, chị Chí đã làm rất tốt và hiệu quả việc  tuyên truyền người dân thực hiện KHHGĐ. Chị vận động mọi người ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm thích hợp và nắm bắt tình hình tại các thôn thông qua đội ngũ cộng tác viên cũng như những người hàng xóm của đối tượng cần vận động.

Nhiều khi chị cũng gặp những khó khăn bởi rất khó tiếp cận đối tượng hay chỉ gặp được vợ hoặc chồng họ sẽ đổ lỗi cho người kia. Rồi những đối tượng ở cùng với ông bà, bố mẹ chịu nhiều áp lực có con trai để nối dõi tông đường cũng khó vận động. Có thôn ở vùng sâu thì bị ảnh hưởng bởi những hủ tục, phong tục, tập quán để làm trưởng tộc, trưởng dòng họ cũng rất khó để thuyết phục.

Chị kể: “Đã một lần tôi suýt bị sứt đầu mẻ trán khi đi vận động. Đó là năm 2012, tại thôn Cây Mơ, phải đi bộ hơn 3km để gặp một đối tượng, gia đình rất hoàn cảnh, chính quyền xã phải trợ cấp lương thực cứu đói thường xuyên. Tuy đã đẻ ba con nhưng chồng vẫn bắt vợ đẻ cho đông đàn dài lũ. Khi vừa tới đầu ngõ, ông chồng đã cầm dao, quát tháo, vừa đuổi, vừa giơ tay chỉ vào bao gạo vừa mới được trợ cấp hôm trước nói: “Tao thích thì cứ đẻ, con tao mà tao không nuôi được đã có Nhà nước nuôi, mày về ngay, không cần phải nhiều lời”. Sợ quá, tôi phải cầu cứu tới trưởng thôn và bí thư chi bộ thôn đến để trợ giúp. Sau khi nghe những lời giải thích thuyết phục của nhiều người, mãi cuối cùng đối tượng mới nghe ra và chấp nhận để vợ đi đình sản”.

Lần đó, đích thân chị phải đưa đối tượng lên Bệnh viện Đa khoa thị trấn Thác Bà để thực hiện. Chị nói: “Có cơ hội, phải biết tận dụng ngay, không những thế mà còn ứng tiền cho đối tượng làm mọi thủ tục cho nhanh gọn, có như thế mới được việc”. Sự nhiệt tình, trách nhiệm và cái “say” với công việc của chị Chí đã tạo lòng tin cho người dân xã Xuân Lai, góp phần thực hiện hiệu quả công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn. Nhiều thôn đã 5 - 6 năm nay không có người sinh con thứ 3 như: Làng Chang, Cây Luồng, Yên Mỹ, Yên Phú…

Năm 2014, xã đã có 4 trường hợp đi đình sản, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra; tư vấn trực tiếp 26 nhóm cho 400 lượt người nghe; nói chuyện chuyên đề 24 buổi với 350 lượt người nghe; thực hiện đặt vòng cho 38 ca, uống thuốc 165 người, số phụ nữ khám và điều trị phụ khoa gần 400 người, 74 bà mẹ có thai được tiêm phòng uốn ván… Những số liệu thống kê không thể nói hết công sức, đóng góp của chị cán bộ dân số. Còn những cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ đã tập trung phát triển kinh tế và chăm sóc gia đình.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa 37 tuổi, chị Triệu Thị Chì 27 tuổi, ở thôn Trung Tâm quyết tâm không đẻ thêm, tập trung làm kinh tế và nuôi dạy con cái học tập tốt. Hai cô con gái của chị Hoa đã liên tục đạt học sinh giỏi mỗi bậc học. Đặc biệt, cháu Phạm Bích Phương, học sinh lớp 12, trường THCS Cảm Nhân đã hai năm (2013, 2014) thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý, đều đạt giải khuyến khích. Đây là món quà to lớn và ý nghĩa đối với bậc làm cha mẹ.

Kết quả trong công tác DS - KHHGĐ đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân xã Xuân Lai. Với cái “say” và những kinh nghiệm, tin rằng chị Triệu Thị Chí tiếp tục gắn bó với công tác này để giúp người dân địa phương thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

 Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Yên Bình: “Công tác DS - KHHGĐ của xã Xuân Lai năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan. Nếu không có những cán bộ chuyên trách hết lòng vì công việc như chị Chí thì những chỉ tiêu, kế hoạch khó thực hiện được. Để những cán bộ như thế yên tâm công tác và đạt được những kết quả tốt nhất trong thực hiện công tác DS - KHHGĐ, đề nghị cấp trên quan tâm đến việc giải quyết chế độ cho cán bộ làm chuyên trách cấp xã, phường theo đúng Thông tư số 05 của Bộ Y tế”.

Vũ Đồng

Các tin khác
Ông Trần Ngọc Bích (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cam Đường Canh với cán bộ Hội Nông dân huyện Văn Chấn.

YBĐT - Chỉ khi tận mắt chứng kiến những đồi quả vàng rực bạt ngàn cam, quýt ước chừng gần chục héc-ta, tôi mới thực sự tin những gì mà người dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn kể về đồi cam bạc tỷ của gia đình ông Trần Ngọc Bích ở thôn Thiên Tuế là hoàn toàn có thật và cả cái biệt danh “vua cam” mà người ta ngưỡng mộ đặt cho ông cũng không hề sai.

Mỗi năm, vợ chồng ông Lộc thu trên 40 triệu đồng từ vườn chè.

YBĐT - Trở lại với cuộc sống đời thường, mang theo nhiều thương tật của chiến tranh, nhờ ý chí và nghị lực vươn lên của “người lính Cụ Hồ”, ông Lê Xuân Lộc, thương binh hạng 2/4 tại thôn 5, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình đã vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nam chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Ngòi Kè, xã Bảo Ái (Yên Bình) đã 10 năm nay, ông Đặng Văn Nam không chỉ biết làm kinh tế giỏi mà còn được tôn vinh, bầu chọn là người có uy tín trong cộng đồng. Đó thực sự là một người Dao mang tư tưởng tiến bộ và làm kinh tế giỏi, có ảnh hưởng tích cực đến đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cựu chiến binh Hoàng Giang Nam giới thiệu kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ ong.

YBĐT - Ông Hoàng Giang Nam ở thôn 5, xã Minh Quán (huyện Trấn Yên) được nhiều người biết tiếng bởi giỏi nghề nuôi ong lấy mật. Kinh nghiệm lửa đạn nhũng năm tháng chiến trường, nay người cự binh lại cần mẫn góp sức gây dựng nên cơ sở bán mật ong và con giống Nam Lan thu hút khách gần xa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục