Đầu năm gặp “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014”
- Cập nhật: Thứ năm, 1/1/2015 | 7:48:21 PM
YBĐT - Là đại biểu duy nhất của tỉnh Yên Bái trở về sau Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014”, anh nông dân Nguyễn Quang Trung ở thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi, xúc động.
Anh Nguyễn Quang Trung nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014” tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu này tổ chức tại Hà Nội ngày 11/10/2014.
|
Anh bộc bạch: “Vợ chồng tôi từng là hộ nghèo, rất nghèo của địa phương; đi lên từ hai bàn tay trắng nên tôi thực sự vui vì có một ngày mình đã nhận được danh hiệu vinh dự này. Chẳng biết có phải vì duyên nợ với cây quế không nhưng cuộc sống hôm nay khấm khá cũng nhờ ân tình thủy chung, ngọt bùi, cay đắng của thứ cây đặc sản ấy”.
Thứ cây mà anh Trung muốn nói đến chính là cây quế. Với tổng thu nhập từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, đảm nhận đầu ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm quế cho nông dân địa phương và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 30 lao động trong vùng, danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014” được trao cho anh Trung hoàn toàn xứng đáng. Vợ chồng anh vốn khởi nghiệp từ làm đậu, nấu rượu, nuôi lợn, đi từng ngõ ngách thu mua quế của bà con đem bán cho thương lái kiếm chút lãi lờ. Thấy cây quế có giá trị thương lái miền xuôi lên thu mua rất đắt, có được chút ít hiểu biết về cây quế, đến đâu thu mua, vợ chồng anh Trung cũng hướng dẫn bà con cách trồng và thu hoạch quế sao cho chất lượng.
Khi phong trào trồng quế phát triển, anh nhận đấu thầu 5ha đất đồi để trồng. Năm 2007, tìm được cơ sở thu mua quế khô lớn là Công ty TNHH Lê Hào, anh chị cắm “sổ đỏ”, vay mượn anh em mua chiếc ô tô tải 3 tấn và mua thêm 1ha đất để trồng quế. Hiểu rất rõ chất lượng các mặt hàng quế, lại là người luôn giữ chữ tín nên vợ chồng anh được nhiều cơ sở hợp đồng đặt hàng.
Được biết, hiện nay, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Trung đang trực tiếp sản xuất 5 loại sản phẩm xuất khẩu gồm: quế chẻ thanh, quế băm vuông, quế thuốc lá, quế cành; mỗi năm, xuất xưởng từ 500 - 700 tấn sản phẩm, thu gần 1 tỷ đồng. Phương châm hàng đầu trong kinh doanh là trung thực, trọng chữ “tín” nên trong khi không ít cơ sở sản xuất mặt hàng quế còn đang lúng túng, không tìm được thị trường tiêu thụ, vợ chồng anh lại được bạn hàng tin tưởng, ủy thác sản xuất trọn vẹn các công đoạn sản phẩm của nhiều mặt hàng xuất khẩu trực tiếp.
Anh Trung chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng quế, điều khiến tôi lo lắng nhất đó là làm sao tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, vấn đề này hiện nay đã không còn là trở ngại. Thực tế, mấy năm nay, thị trường tiêu thụ mặt hàng quế khá thuận lợi. Tôi nhận thấy, sản phẩm quế của Việt Nam đến với những thị trường “khó tính” nhất như: Ấn Độ, Pakistan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã được đánh giá cao về chất lượng”. Cũng theo anh Trung, hiện tại, nhu cầu đặt hàng của của các đối tác rất lớn lượng hàng của gia đình không đủ bán. Nhưng “cái khó bó cái khôn”, hiện, gia đình anh không có đất để mở rộng nhà xưởng, sân phơi, kho bãi chứa hàng.
Anh Trung nhận định, với tiềm năng rất lớn về vùng nguyên liệu, đặc biệt chất lượng quế của Yên Bái hơn hẳn nhiều nơi, bằng uy tín trong kinh doanh với các bạn hàng truyền thống, cơ sở sản xuất của gia đình hoàn toàn có thể đem lại nguồn thu nhập lớn hơn, tạo được việc làm nhiều hơn cho lao động địa phương nếu được các cấp chính quyền quan tâm, có những cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cho thuê mặt bằng sản xuất, mở rộng nhà xưởng, kho bãi...
Chia sẻ về dự định tới đây, anh Trung cho biết, sẽ tập trung đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất lên quy mô hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nhỏ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quế của cơ sở, tạo thêm việc làm cho từ 40 - 50 lao động địa phương.
Rời Đào Thịnh trong nồng nàn hương quế, tôi mang theo về suy nghĩ mộc mạc: “Làm giàu cho mình là làm giàu cho quê hương” của vợ chồng nông dân Nguyễn Quang Trung và câu nói đau đáu của anh: “Chỉ mong có sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, những nông dân dám nghĩ, dám làm như chúng tôi mới mong có cơ hội được cống hiến, đóng góp sức mình làm giàu cho quê hương”…
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Nậm Khắt là xã vùng cao, nằm cách trung tâm huyện Mù Cang Chải gần 50km, khí hậu khắt nghiệt, dân trí hạn chế, những tập quán lạc hậu còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Bằng những cố gắng đầy trách nhiệm của mình, anh Thào A Giống - Bí thư Đoàn xã Nậm Khắt đã góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên nói riêng và bà con người Mông ở xã Nậm Khắt nói chung.
YBĐT - “Những cán bộ chuyên trách làm công tác vận động, tuyên truyền như mình thì cho dù nhiệt tình, trách nhiệm vẫn chưa đủ, mà phải thật sự “say” với công việc thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ” - đó là những lời chia sẻ của chị Triệu Thị Chí - cán bộ chuyên trách công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) xã Xuân Lai (huyện Yên Bình). Chính cái “say” của chị đã góp phần không nhỏ để công tác DS - KHHGĐ của xã ngày càng ổn định.
YBĐT - Chỉ khi tận mắt chứng kiến những đồi quả vàng rực bạt ngàn cam, quýt ước chừng gần chục héc-ta, tôi mới thực sự tin những gì mà người dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn kể về đồi cam bạc tỷ của gia đình ông Trần Ngọc Bích ở thôn Thiên Tuế là hoàn toàn có thật và cả cái biệt danh “vua cam” mà người ta ngưỡng mộ đặt cho ông cũng không hề sai.
YBĐT - Trở lại với cuộc sống đời thường, mang theo nhiều thương tật của chiến tranh, nhờ ý chí và nghị lực vươn lên của “người lính Cụ Hồ”, ông Lê Xuân Lộc, thương binh hạng 2/4 tại thôn 5, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình đã vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình.