Hoa Tớ dày cuả bản
- Cập nhật: Thứ ba, 24/2/2015 | 8:51:40 AM
YBĐT - Trong cái nắng hanh hao của những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp lên với xã vùng cao Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu). Hai bên đường ngập tràn những sắc màu rực rỡ của hoa tớ dày cùng hoa đào, hoa mận đua nhau bung nở tạo nên khung cảnh đặc trưng của miền sơn cước.
Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu Giàng A Hành (bên phải) kiểm tra giống ngô cho năng suất cao trồng thử nghiệm tại địa phương. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Gần 2 năm trước, năm 2013, Trạm Tấu là một trong số ít xã của cả nước được Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trực tiếp gửi thư khen ngợi những thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc địa phương. Vinh dự này, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải kể đến những đóng góp không nhỏ của đồng chí Giàng A Hành, Bí thư Đảng ủy xã.
Dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến thì bí thư Hành đã xuống cơ sở “có việc gấp”. Cán bộ xã Giàng A Páo nhanh nhảu: “Các anh đợi tí. Chắc bố Hành xuống bản dưới để kiểm tra việc giữ ấm cho mạ đấy mà”. Một anh cán bộ khác vội xen vào: “Bố chắc cũng sắp về rồi đấy, mời các anh vào phòng uống nước đợi nhé”.
Bước vào hội trường, cũng là nơi tiếp khách của xã, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là bốn bức tường treo rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tặng cho các tập thể và nhân dân. Bên chén chè thân tình, qua tâm sự mới rõ, ở đây các cán bộ trẻ đều gọi bí thư Đảng ủy xã là “bố”, còn bà con người Mông các thôn đều ví ông bằng hình ảnh thân thuộc “hoa tớ dày của bản” vì ông rất quan tâm đến cán bộ, luôn tận tình dạy bảo nhưng cũng rất nghiêm khắc trong quản lý, lãnh đạo. Với người dân, ông luôn quan tâm động viên, thường xuyên thăm hỏi như anh em ruột thịt trong nhà…
Dáng người thấp nhỏ nhanh nhẹn, nụ cười hiền và ánh mắt sáng toát lên vẻ kiên nghị là ấn tượng đầu tiên khi gặp bí thư Hành. Sau cái bắt tay chắc nịch, ấm áp, ông Hành cười: “Xin lỗi vì để các anh đợi lâu. Tôi và đồng chí phụ trách nông nghiệp đi xuống bản kiểm tra việc che chắn cho mạ, để ra giêng đồng bào mình còn cấy”. Ông là người thường xuyên đi cơ sở bởi như ông chia sẻ: “Có đi mới biết, có biết mới điều hành, lãnh đạo được. Khi đó mình nói thì mới thuyết phục, dân mới nghe, mới tin và làm theo”.
Năm 1981, khi vừa tròn 21 tuổi, chàng thanh niên Giàng A Hành vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam và được tín nhiệm bầu làm bí thư Đoàn xã. 10 năm sau, ông được bầu làm Trưởng ban thống kê của xã kiêm Trưởng bản Tấu Dưới – nơi ông sinh ra. Sau 5 năm làm Trưởng Ban Tài chính (1994- 1999), ông được bầu giữ chức chủ tịch UBND xã, đến năm 2009 và được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu từ đó đến nay. Dù ở vị trí công tác nào, ông cũng luôn tận tâm với công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, nhân dân yêu mến.
Ông tâm sự: “Tôi rất tâm đắc với lời dạy của Bác Hồ: "Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Có lẽ đó là lí do mà cả 405 hộ dân trong xã hộ nào ông cũng đã đến ít nhất một lần để thăm hỏi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó đưa những quyết định hợp tình, hợp lý trong xử lý công việc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Chính sự gần gũi, tôn trọng dân, lắng nghe dân mà các phong trào, các cuộc vận động ở xã đều giành được kết quả rất đáng khen ngợi.
Một trong những cuộc vận động được coi như kỳ tích ở đây là việc san sẻ đất nông nghiệp giữa các hộ nhiều đất cho các hộ ít hoặc không có đất sản xuất. Vận dụng sáng tạo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Yên Bái về “Quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai vùng cao”, sau khi rà soát, xã xác định được có 63 hộ có nhiều đất và 86 hộ thiếu đất cần được san sẻ. Tuy nhiên, đối với người dân vùng cao, đặc biệt là đồng bào Mông thì đất sản xuất nông nghiệp được coi như “vàng”. Thế nên, chuyện san sẻ đất từ trước đến nay chưa từng diễn ra, ngay kể cả là người trong dòng họ.
Là người luôn học tập và làm theo lời Bác dạy: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, gia đình Bí thư là hộ đầu tiên trong xã đứng lên san sẻ hơn 1,7 ha ruộng lúa nước và nương đồi cho hai gia đình cùng thôn là gia đình ông Sùng A Dơ, và Giàng A Thái ở bản Tấu Dưới. Theo đó, Bí thư Hành đã vận động các đảng viên trong xã và người trong dòng họ mình cùng gương mẫu thực hiện. Từ đây, cuộc vận động san sẻ đất đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với 40 ha đất sản xuất nông nghiệp đã được san sẻ giữa các hộ trong xã. Là người san sẻ nhiều đất nhất với hơn 5 ha cho 4 hộ, ông Lầu Nhà Lâu ở bản Tấu Dưới tươi cười: “Ban đầu gia đình không đồng ý san sẻ đất vì để có được nó thì mất nhiều công sức khai hoang, cải tạo lắm. Nhưng khi bí thư Hành đến tận nhà vận động và nhượng đất trước thì gia đình mình cũng vui vẻ làm theo thôi”.
Những năm gần đây, nói đến phong trào khuyến học, kho thóc khuyến học ở Yên Bái mọi người đều nhắc đến xã Trạm Tấu. Vì đây là địa phương đầu tiên của tỉnh đứng ra xây dựng kho thóc khuyến học. Mô hình này đã được chọn nhân rộng trong toàn tỉnh. Người có công đầu trong phong trào này không ai khác chính là bí thư Đảng bộ xã Giàng A Hành. Ngay từ năm 2000, ông Hành đã đứng ra vận động những người trong dòng họ Giàng lập quỹ khuyến học. Ai có tiền thì ủng hộ tiền, không có tiền thì ủng hộ bằng thóc tùy theo điều kiện mỗi gia đình.
Tính từ năm 2009 đến nay, Ban Khuyến học của dòng họ Giàng đã xây dựng quỹ khuyến học với tổng số tiền trên 12 triệu đồng và nhiều tấn thóc. Từ nguồn quỹ này, mỗi năm học, dòng họ đã khen thưởng cho 30 cháu có thành tích tốt trong học tập ở cấp phổ thông, khen thưởng cho hàng chục cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Đến nay, ở huyện Trạm Tấu đã có rất nhiều dòng họ và các xã xây dựng được kho thóc khuyến học như xã Trạm Tấu. Nhờ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài của các dòng họ người Mông trong huyện ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc số lượng và chất lượng học sinh giỏi của xã, huyện cũng tăng cao.
Riêng bí thư Hành có 4 người con thì hiện nay con cả công tác tại Công an huyện, con thứ hai đang học Trường Đại học Thủy lợi, con thứ ba đang học Trường Cao đẳng Lao động, Thương binh và Xã hội, con thứ tư đang học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Miền Tây. Ngoài nuôi các con ăn học đầy đủ, gia đình ông Hành còn có một người con nuôi đang học tại Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp tỉnh. Hàng ngày, ngoài thời gian làm việc ở trụ sở, người dân trong xã vẫn thấy ông xắn quần móng lợn xuống đồng cày ruộng, trồng ngô. Ông Hành quan niệm, muốn để mọi người nghe theo mình, làm theo mình thì trước hết mình phải gương mẫu làm trước, đặc biệt trong lao động sản xuất phải có đầu óc làm kinh tế, mình có làm được thì nói người khác mới nghe. Vì vậy, ông cùng gia đình tích cực khai hoang gần 5 ha đồi rừng trồng quế và thông, nuôi 12 con bò, 2 con trâu và đàn lợn hàng chục con. Vợ của ông là bà Sùng Thị Lia cũng được UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh giỏi…
Nhận xét về Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu, Bí thư huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh khẳng định: “Đồng chí Hành là người gần gũi nhân dân, được nhân dân tin tưởng yêu mến. Ở lĩnh vực nào đồng chí cũng nhiệt tình tham gia và đi đầu trong mọi phong trào và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu Giàng A Hành là tấm gương sáng cho đảng viên toàn huyện học tập và noi theo”.
Quả thật, có đến tận nơi, chứng kiến những việc ông làm, nghe người dân nói về ông tôi mới hiểu và cảm phục bí thư người Mông này hơn. Ông đã vinh dự được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng. Đặc biệt, tại Lễ kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Yên Bái cách đây hơn 1 năm (25/9/1958 – 25/9/2013) và tuyên dương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác, ông là người duy nhất hai lần được xướng tên lên sân khấu đón nhận bằng khen của tỉnh, một cho cá nhân ông và một cho Đảng bộ xã.
Một mùa xuân mới đã đến, thầm chúc ông – người “thuyền trưởng” chèo lái “con thuyền” mang tên Trạm Tấu, cùng đồng bào trong xã sức khỏe, niềm vui, và ông mãi vững vàng “tay lái, tay chèo” để lập lên những kỳ tích mới.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Tôi biết bác sỹ Giàng A Sình - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đã khá lâu. Anh sinh năm 1978 và là bác sỹ người dân tộc Mông duy nhất tại một trạm y tế xã của huyện vùng cao này.
YBĐT - Đã hơn bảy mươi tuổi nhưng tiếng đàn, tiếng hát của nghệ nhân Hoàng Kế Quang vẫn khỏe khoắn như thời trai trẻ. Có lẽ bởi tiếng tính mượt mà, sâu lắng và giàu chất trữ tình đã nuôi dưỡng tâm hồn ông luôn tươi trẻ.
YBĐT - Khi những vạt tớ dảy bung thắm núi đồi cũng là lúc Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải xâm xấp nước nguồn để chuẩn bị bước vào vụ mới. Đường tôi đang đi dẫn đến nhà bí thư chi bộ Hảng Tồng Chư ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn...
YBĐT – Có những điều bình dị trở thành cổ tích giữa đời thường. Và câu chuyện về nghị lực thoát nghèo, trở thành tỷ phú nông dân của gia đình anh Nguyễn Quang Trung ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên – nông dân duy nhất của tỉnh Yên Bái vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014 là câu chuyện cổ tích có thật như thế.