Nữ Trạm trưởng 20 năm gắn bó với người dân Việt Hồng
- Cập nhật: Thứ ba, 24/2/2015 | 2:47:31 PM
YBĐT - Đến xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) nhắc đến bác sĩ Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vương Thị Hải Anh ai cũng biết, vì đây là người đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn trong suốt 20 năm qua.
Bác sĩ Hải Anh thăm khám sức khoẻ trẻ em tại Trạm.
|
Từ một xã trắng về y tế, dịch bệnh hoành hành, môi trường ô nhiễm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trạm còn nhiều thiếu thốn… đến nay cơ sở Trạm đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp với các trang thiết bị và đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tình hình dịch bệnh ổn định, người dân đã và đang được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Sinh ra và lớn lên ở xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên), năm 1993 sau khi tốt nghiệp y sĩ đa khoa, chị Hải Anh về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Việt Hồng. Ngày đó, nới đây rất lạc hậu, không hộ dân nào trong xã có nhà vệ sinh. Với chiếc xe đạp thô sơ và đôi chân thoăn thoắt, chị đã cùng các đồng nghiệp thường xuyên đến các thôn, bản để truyên truyền vận động bà con cách ăn ở, sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh theo mùa... Chị kể: “Ngày trước, đường đi vào đây rất gập ghềnh, lầy trơn, con dốc vào trạm nứa trùm kín mít dưới chân, chúng tôi được bà con ví như những viên ngọc bởi ở đây là xã trắng về y tế”. Ông Chủ tịch xã Việt Hồng người dân tộc Tày ngày đó cũng nói: "Chị về đây lâu dài chúng tôi mới thích. Chứ đến đây một thời gian lại đi ngay thì chúng tôi không thích đâu”.
Một thời gian sau, chị trở thành con dâu của ông và cũng từ đó, mảnh đất Chiến khu Việt Hồng đã thành quê hương thứ hai. Trong 20 năm qua, có nhiều cơ hội chuyển ra thành phố công tác nhưng chị đều từ chối vì thấy mình hợp với vùng đất lịch sử này, ở đây chị có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân xã nhà. Năm 2001, chị thi đỗ và đi học bác sĩ tại Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp, chị tiếp tục về công tác tại Trạm Y tế xã Việt Hồng.
Từ một xã trắng về y tế, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đến nay, Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân xã đã được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trạm hiện có 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 kỹ thuật viên xét nghiệm, 2 nữ hộ sinh trung học, 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, tình hình dịch bệnh ổn định, người dân đã và đang được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đặc biệt năm 2014, Trạm đã khám và điều trị cho 6.452 lượt người; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 100%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm xuống còn 21%, 100% phụ nữ có thai được quản lý thai sản và sinh tại cơ sở y tế. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả như: lao, da liễu, sốt rét, tăng huyết áp, bảo vệ sức khỏe tâm thần…
Công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe đã có sự phối hợp và vào cuộc tích cực của các thành viên Ban chăm sóc sức khỏe bằng nhiều hình thức khác nhau. Chị Hải Anh cho biết: “Để truyền thông cho người dân thay đổi hành vi có hại cho sức khỏe thành những hành vi có lợi cho sức khỏe, ngoài kiến thức ra cần phải có những lời nói đơn giản, dễ hiểu như tuyên truyền cho học sinh: "Các con có biết tại sao người ta lại gọi đây là mặt đất không?”- "Là vì chúng ta phải giữ gìn nó sạch như cái mặt của mình”. "Các con có biết đây được gọi là trái đất không?”- "Là vì nó quý như trái cây các con vẫn được ăn hàng ngày. Không nên vứt rác bừa bãi làm hỏng nó”… Với người già cũng vậy, chị thỉnh cầu các cụ: "Ngày trước nhờ các cụ chiến đấu đánh giặc mà chúng con có ngày hôm nay. Bây giờ con mong các cụ động viên con cháu giữa gìn sức khỏe để làm nương, làm rẫy, góp phần bảo vệ quê hương”. Với thanh niên nam nữ, chị động viên: “Đừng lấy chồng lấy vợ quá sớm, đừng lấy nhau trong cùng huyết thống, bớt hủ tục trọng nam khinh nữ để duy trì cân bằng giới tính khi sinh”…
Ngày nay, giao thông đi lại đã thuận lợi hơn trước, chỉ cần vài chục phút xe máy là người dân ở đây có thể đi chữa bệnh tuyến trên. Nhưng với các bệnh thông thường, hầu hết người dân vẫn đến đây nhờ cậy, vì họ đã tin tưởng ở chị và các đồng nghiệp trong suốt thời gian qua.
20 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân xã Việt Hồng, bác sĩ Vương Thị Hải Anh đã được Sở Y tế tặng nhiều giấy khen, đặc biệt năm 2010 chị vinh dự được UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen; năm 2014 được Bộ Y tế tặng bằng khen. Những phần thưởng đó sẽ là động lực động viên chị tiếp tục học tập, phấn đấu, tu dưỡng cống hiến để những năm tiếp theo người dân Việt Hồng sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
T.T
Các tin khác
YBĐT - Trong cái nắng hanh hao của những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp lên với xã vùng cao Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu). Hai bên đường ngập tràn những sắc màu rực rỡ của hoa tớ dày cùng hoa đào, hoa mận đua nhau bung nở tạo nên khung cảnh đặc trưng của miền sơn cước.
YBĐT - Tôi biết bác sỹ Giàng A Sình - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đã khá lâu. Anh sinh năm 1978 và là bác sỹ người dân tộc Mông duy nhất tại một trạm y tế xã của huyện vùng cao này.
YBĐT - Đã hơn bảy mươi tuổi nhưng tiếng đàn, tiếng hát của nghệ nhân Hoàng Kế Quang vẫn khỏe khoắn như thời trai trẻ. Có lẽ bởi tiếng tính mượt mà, sâu lắng và giàu chất trữ tình đã nuôi dưỡng tâm hồn ông luôn tươi trẻ.
YBĐT - Khi những vạt tớ dảy bung thắm núi đồi cũng là lúc Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải xâm xấp nước nguồn để chuẩn bị bước vào vụ mới. Đường tôi đang đi dẫn đến nhà bí thư chi bộ Hảng Tồng Chư ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn...