Gây dựng cơ đồ tiền tỷ từ hai bàn tay trắng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/5/2015 | 12:46:48 PM

YênBái -

YBĐT - Từ một hộ gia đình nông dân nghèo khó, bằng trí óc và nghị lực vượt khó vươn lên, hai vợ chồng anh chị Hoàng Văn Doanh và Hoàng Thị Hòa ở Minh Xuân (Lục Yên) đang sở hữu khối tài sản hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Anh chị Doanh - Hòa (giữa) tại xưởng mộc của gia đình.
Anh chị Doanh - Hòa (giữa) tại xưởng mộc của gia đình.

Anh chị tâm sự, cả hai đều sinh ra trong gia đình đông anh em, gia cảnh nghèo khó, không có điều kiện học lên cao. Sau khi lập gia đình, anh chị ra ở riêng và được bố mẹ dựng cho một ngôi nhà nhỏ lợp cọ, giường đóng bằng 4 cọc tre. Ruộng nương ít, 2 đứa con lần lượt chào đời khiến cho hai vợ chồng trẻ nhiều năm rơi vào túng thiếu, nghèo đói. Để có cái ăn, anh chị phải làm đủ nghề. Dù cật lực lao động nhưng cuộc sống nghèo đói vẫn cứ đeo bám gia đình chị.

Đến năm 2000, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị được vay 3 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Yên. “Chưa bao giờ cầm đến tiền triệu, lấy tiền về đến nhà lo quá, đêm ngủ, hai vợ chồng phải giấu tiền vào dưới chiếu” - anh chị nhớ lại. Có tiền, anh Doanh đã mua một chiếc máy bào để làm mộc, chị Hòa mua một máy làm đậu kết hợp nuôi thêm 8 con lợn thịt. Với quyết tâm thoát cảnh đói nghèo, anh chị hăng say lao động. Anh Doanh nhận đóng mọi thứ đồ gỗ từ cái bàn, cái ghế nhỏ. Chị dậy từ 3 giờ sáng để làm đậu đem bán, tận dụng bã đậu để chăn nuôi lợn. Nhờ chăm chỉ lao động và biết tằn tiện, chắt chiu, anh chị đã có thêm vốn để đầu tư mua máy móc hiện đại phát triển thành xưởng mộc, với giá trị máy móc trên 200 triệu đồng, thu hút 3 lao động tham gia với mức lương khoảng 5 triệu đồng/người/tháng đồng thời tăng số lượng lợn thịt, có những lúc chuồng lợn lên đến 20 con.

Để tăng thu nhập, anh chị tiếp tục mua máy xay xát phục vụ bà con trong thôn, kết hợp buôn hàng sáo. “Máy xay xát ngày càng xuất hiện nhiều, nhiều hộ mua máy do không có khách đành đóng cửa nhưng do có thái độ niềm nở nên khách nhà tôi lúc nào cũng đông. Nhiều lúc vợ tôi phải đứng máy từ sáng đến tối nên thương vợ làm việc cực nhọc tôi đã bán máy đi. Ngày khách đến chở máy đi vợ tôi còn khóc vì tiếc” - anh Doanh tâm sự. Sau đó, năm 2006, anh chị lại đầu tư mua máy ấp trứng. Đến nay, gia đình anh chị đã có 3 máy ấp trứng gia cầm. Trung bình mỗi tháng gia đình anh chị cũng thu lãi khoảng 5 triệu đồng từ ấp trứng. Chị Hòa cho biết: “Trứng gia đình tôi ấp ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, hầu như các máy làm việc không nghỉ dù chỉ một ngày”. Theo chị, khi khách hàng đến mua gà, vịt con, phải biết cách tư vấn về phương pháp chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, như vậy mới thu hút được khách hàng.

Nhận thấy nhu cầu sử dụng gạch không nung của người dân ngày càng cao, anh chị tiếp tục đầu tư mua máy đóng gạch, mỗi tháng sản xuất khoảng 25 nghìn viên, trung bình thu lãi khoảng 5 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, năm 2014, anh chị mua thêm 2 xe ô tô tải chuyên chở hàng hóa, vật liệu cho khách hàng với số vốn đầu tư gần 700 triệu đồng. Một chiếc anh Doanh tự lái, chiếc còn lại anh chị thuê người lái, trung bình mỗi tháng cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh chị còn tiếp tục đầu tư vốn để buôn bán vật liệu xây dựng với mức đầu tư ngày càng cao, lượng khách hàng vì thế cũng ngày càng đông hơn và đây cũng sẽ là một hướng đi cơ bản của gia đình chị trong những năm tiếp theo.

Mặc dù công việc kinh doanh, buôn bán ngày càng thuận lợi nhưng anh chị vẫn chú trọng phát triển chăn nuôi với 100 con gà đẻ, 50 con vịt thịt. Từ chăn nuôi, mỗi năm cũng cho gia đình chị 20 - 30 triệu đồng tiền lãi.
Năm 2014, số lãi anh chị thu về từ các hoạt động kinh doanh, buôn bán và chăn nuôi là trên 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Ông Phạm Ngọc Quảng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: “Gia đình anh chị Doanh - Hòa là một hộ làm kinh tế tiêu biểu của xã Minh Xuân, không chỉ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn tích cực tham gia các khoản đóng góp cho làng, cho xã, rất được người dân trong thôn và trong xã nể phục, quý mến”.

Hầu như toàn bộ diện tích xung quanh nhà đều được anh chị quy hoạch rất cụ thể, sử dụng triệt để và hợp lý phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất. Và kinh nghiệm thành công của anh chị là không ngừng học hỏi, nhanh nhạy với thị trường, chịu khó lao động, biết chi tiêu hợp lý đồng thời nghiên cứu kỹ hướng đi cho mỗi ngành nghề trước khi đầu tư sản xuất.

Bài, ảnh: Triệu Huấn

Các tin khác
Anh Xứng chăm sóc vườn cam

YBĐT - Anh Hoàng Văn Xứng - người Tày, ở thôn 3 - Khe Báng, xã Đại Lịch (Văn Chấn), được biết đến là một điển hình trong phát triển kinh tế trên đất Đại Lịch. Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khó, ngày anh ra ở riêng, bố mẹ nghèo chẳng có gì cho ngoài mảnh đất và chỉ lên quả đồi bảo ra đấy mà khai phá làm ăn. Vợ chồng anh ra sức phát rừng, vỡ ruộng mà làm mãi cũng chẳng đủ ăn. Khi đó, ở ngay các xã lân cận trong vùng, người ta làm ăn rất khấm khá, thấy vậy anh Xứng quyết tâm ra ngoài học hỏi.

Thượng sỹ Nguyễn Ngọc Khôi.

YBĐT - Tận tụy với công việc, cương quyết, khôn khéo trước các loại hình tội phạm, biết dựa vào dân để xây dựng thế trận an ninh nhân dân, người cảnh sát khu vực Nguyễn Ngọc Khôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở một địa bàn từng là điểm “nóng” về tội phạm ma túy với nhiều điểm mua bán ma túy của TP Yên Bái...

YBĐT - Bằng ý chí và nghị lực không cam chịu đói nghèo, nhờ chăm chỉ làm ăn, quay vòng đồng vốn trong phát triển kinh tế gia đình, chị Bàn Thị Nhâm ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên đã trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, với mô hình kinh tế vườn rừng, thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Ban đầu, thư viện chỉ có 2 cái bàn và mấy cái ghế nhựa cùng 500 cuốn sách, đến nay đã đầy lên khoảng 13.000 cuốn sách với đầy đủ các đầu sách như: pháp luật, văn học, truyện cho thiếu nhi.

YBĐT - Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo viên Văn, yêu sách và ham mê đọc sách, rời bục giảng trở về với cuộc sống đời thường, niềm đam mê đọc sách của cô giáo Lưu Thị Nguyệt Minh ngày nào càng lớn dần lên theo năm tháng, theo số lượng đầu sách mà cô và chồng sưu tầm. Chính từ tình yêu và đam mê sách, cô và gia đình đã lập nên thư viện sách miễn phí mang tên Minh Ân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục