Nơi ấy có già làng Giàng A Thào
- Cập nhật: Thứ tư, 29/7/2015 | 10:10:07 AM
YênBái - YBĐT - Khi nói đến già làng Giàng A Thào ở thôn Kháo Chu, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) không ai là không biết. Với tính tình cởi mở, thân thiện, già làng Thào luôn giúp đỡ và hướng đồng bào nơi đây đến cuộc sống ấm no, đủ đầy. Bởi vậy, già làng Thào không chỉ là người ông, người cha đáng kính mà còn là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Già làng Giàng A Thào đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
|
Trong ngôi nhà gỗ lợp phibrô xi măng khang trang, những tải thóc, bao ngô được dựng tràn bên góc nhà; ngoài vườn, gà, lợn từng bầy... Một cuộc sống khá tươm tất với già làng Thào. Tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng ở ông vẫn toát lên dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát và nụ cười cởi mở với khách. Nhấp chén nước mát, già làng Thào chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở đây, những năm tháng khó khăn, vất vả, tôi đã trải qua nên giờ giúp được con cháu, đồng bào mình bao nhiêu thì phải cố gắng hết sức. Đồng bào mình có cuộc sống no ấm, hạnh phúc thì tôi mới an tâm được!”.
Là người đã kinh qua nhiều vị trí, công việc khác nhau như: Xã đội trưởng, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã Bản Công… Ở cương vị nào, ông Thào cũng đều hoàn thành xuất sắc công việc được Đảng, Nhà nước phân công. Chính điều đó đã giúp ông tích lũy được khá nhiều vốn kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống cho bản thân. Ông hiểu được nguồn cơn cái nghèo của đồng bào nơi đây là do: tập quán lạc hậu, chưa áp dụng được nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất, học hành ít, bệnh tật nhiều, vẫn còn tình trạng trồng cây thuốc phiện…
Với ông, việc đầu tiên là phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào cách tổ chức cuộc sống, tích cực đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi để đẩy lùi cái nghèo, cái lạc hậu. Nhưng muốn đồng bào “sáng cái đầu, nhanh cái tay” thì mình phải làm trước. Ngoài công việc của xã, về nhà, ông bắt tay vào việc sản xuất, chăn nuôi; giáo dục con cháu chịu khó học tập, lúc rảnh thì phụ giúp gia đình việc nhà, thả trâu, trồng lúa, ngô… Nhờ tận dụng tốt 8.000m2 ruộng nước để trồng lúa, năm nào, gia đình ông Thào cũng thu hoạch trên 7 tấn thóc. Ngoài ra, hiện, gia đình ông có 7 con trâu, bò và hơn 100 con gà, lợn… Hạnh phúc hơn, con cái ông đều trưởng thành và là cán bộ của huyện, xã.
Đồng bào thấy gia đình ông Thào mỗi năm một khá giả, con cháu học hành thành đạt, tìm đến học hỏi kinh nghiệm. “Khi được đồng bào tin tưởng, đó là lúc mình tuyên truyền hợp lý nhất. Đồng bào chỉ nghe khi họ thấy đúng” - ông Thào cho biết. Ban đầu, ông hướng dẫn đồng bào phải loại bỏ những tập quán lạc hậu như: Không tổ chức cưới xin linh đình; không để người chết lâu ngày mà phải cho vào quan tài, mai táng sớm; khi ốm đau, bệnh tật phải xuống trạm y tế xã để kiểm tra và điều trị chứ không mời thầy mo về cúng trừ tà; không sinh nhiều con để có thời gian giáo dục con cháu; tuyệt đối không trồng cây thuốc phiện, vận động người nghiện đi cai nghiện… Về phát triển sản xuất, chăn nuôi, ông mời cán bộ khuyến nông viên của xã về hướng dẫn, động viên đồng bào chuyển đổi trồng lúa từ một vụ sang 2 vụ, tích cực trồng thêm ngô, nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà…
“Giờ nghỉ hưu nhưng ngày nào, ông Thào cũng đến các gia đình trong thôn để giúp họ cách tổ chức cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, không sinh nhiều con, động viên gia đình cho con nhỏ ra lớp” - chị Hảng Thị Dông - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đi cùng chúng tôi chia sẻ. Anh Giàng A Tủa - người cùng thôn Kháo Chu cho biết: “Nhờ có già làng Thào khuyên bảo mà cuộc sống của mình đã đỡ vất vả hơn trước nhiều. Tuy chưa khá giả nhưng cũng đủ ăn, con cái được đến lớp”.
Đến nay, hầu hết đồng bào trong thôn đã chuyển sang trồng lúa 2 vụ, nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà, trồng ngô trên đất đồi dốc. Cuộc sống ấm no hơn, cái đói, cái nghèo, lạc hậu đã dần đẩy lùi. Đồng bào không còn thách cưới và tổ chức tốn kém như trước, tuyệt đối không trồng cây thuốc phiện; ký cam kết vào hương ước, quy ước về việc không sinh con đông, người chết không để lâu trong nhà, con em đến tuổi được ra lớp… Với những đóng góp của mình, già làng Giàng A Thào đã được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Trạm Tấu ghi nhận và tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen nhưng niềm vui lớn nhất với ông là đồng bào nơi đây đã có một cuộc sống tốt hơn, đủ đầy hơn.
Trần Ngọc
Các tin khác
YBĐT - Trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện có 1.189 đối tượng người có công đang hưởng chính sách của Nhà nước. Tuy vẫn còn thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tấm gương thương binh vượt lên thương tật, nắm lấy cơ hội nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương sáng làm kinh tế giỏi, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Đặng Văn Quang, người dân tộc Dao - thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (Yên Bình) là con trai út trong một gia đình có 8 anh chị em. Năm 2002, anh Quang xây dựng gia đình cùng chị Tướng Thị Lan, cũng là người Dao trong xã. Từ đó, đôi vợ chồng trẻ cùng nhau vun đắp xây dựng hạnh phúc, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình trên mảnh đất được thừa hưởng của cha mẹ để lại.
YBĐT - Tuổi cao và mái tóc bạc màu mưa nắng, nhưng khi chứng kiến ông lao động trong niềm say mê, nhiệt huyết, ai cũng cảm phục cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Văn Quyển ở thôn Khe Rịa 1, xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn). Cũng chính bởi tinh thần, nghị lực trong lao động, ông Quyển luôn biết vượt qua khó khăn, vất vả trong cuộc sống, lạc quan đúng với phẩm chất TNXP, người lính Cụ Hồ.
YBĐT - Dũng cảm trong chiến đấu, năng động trong phát triển kinh tế, nữ cựu thanh niên xung phong Trần Thị Hà đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất năm 1999, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Yên Bái tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên xung phong và nhiều giấy khen của UBND huyện Lục Yên, Hội Cựu thanh niên xung phong huyện...