Làm giàu từ cây chè
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/8/2015 | 9:57:31 AM
YênBái - YBĐT - Ông Phạm Thanh Xuân rất khiêm tốn khi nói về chuyện phát triển kinh tế của mình nhưng cái cơ ngơi nhà cửa và cơ sở sản xuất bề thế giữa thôn Tân Hà, xã Tân Hương (huyện Yên Bình) đã cho thấy đầu óc làm ăn của người nông dân này.
Ông Phạm Thanh Xuân giới thiệu sản phẩm chè.
|
Ông Xuân vẫn còn nhớ lắm những ngày mới lên đất Tân Hương xây dựng cuộc sống mới. Từ miền quê Hà Nam lên đất rừng này lập nghiệp nhưng khi đó, đất sản xuất của gia đình ông chẳng có được bao nhiêu. Những ngày tháng đó, vợ chồng ông Xuân phải xoay đủ nghề, buôn bán đủ nơi để duy trì cuộc sống và tích góp từng đồng vốn.
Qua nhiều năm làm ăn, ông dần dà mở rộng được diện tích sản xuất của gia đình, đầu tư vào phát triển chăn nuôi lợn, gà và trồng trọt. Ông Xuân không ngừng học hỏi, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất và bắt đầu có thu nhập tương đối. Đến năm 2009, thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt của gia đình ông khoảng 80 triệu đồng và tăng dần lên trong những năm sau đó. Đặc biệt, khai thác lợi thế cây chè trên địa bàn, ông Xuân đã đầu tư vào sản xuất và chế biến chè.
Năm 2009, thu nhập từ chế biến chè của gia đình ông khoảng 200 triệu đồng. Có thêm vốn, ông lại đầu tư vào mua sắm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất mỗi năm một ít và có được cơ sở sản xuất rộng lớn như hiện nay. Để nâng cao chất lượng sản phẩm từ đầu vào, cơ sở sản xuất của ông Xuân còn phối hợp với cán bộ khuyến nông địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con về kỹ thuật chăm sóc và thu hái chè, qua đó, giúp bà con ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng chè.
Nhờ tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phù hợp với công nghệ chế biến chè các loại, mở rộng quy mô sản xuất, bình quân mỗi năm, gia đình ông Phạm Thanh Xuân chế biến từ 1.470 - 1.750 tấn chè búp tươi, trừ chi phí, thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Mới đây, ông Xuân đã mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh từ hộ gia đình lên thành hợp tác xã. Hợp tác xã Chè Trường Xuân do ông làm Chủ nhiệm không những giúp tiêu thụ sản phẩm cho nhiều hộ trồng chè trên địa bàn mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho từ 20 - 25 lao động địa phương với mức thu nhập từ trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chè, điều ông Xuân muốn thực hiện nhất hiện nay là xây dựng thương hiệu chè sạch cho sản phẩm. Để làm điều này, ông đã và đang tham gia dự án phát triển chè bền vững ở Việt Nam của Tập đoàn Unilever. Tham gia Dự án, ông Xuân và những hộ dân trồng chè phải tuân theo một quy trình chăm sóc, phát triển, thu hái, chế biến chè một cách rất chặt chẽ nhằm bảo đảm sạch từ nguyên liệu đến thành phẩm. Mặc dù sẽ phải thay đổi khá nhiều so với quy trình sản xuất truyền thống nhưng ông Xuân cho rằng, đây là điều rất cần thiết để phát triển bền vững, dài lâu trong sản xuất, kinh doanh chè.
Từ sản xuất, kinh doanh, ngoài việc nộp hàng trăm triệu đồng cho ngân sách Nhà nước, ông Xuân còn có điều kiện và tích cực đóng góp xây dựng thôn xóm. 5 năm qua, trung bình mỗi năm, gia đình ông Xuân đã đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng cho việc tu sửa nâng cấp đường giao thông nông thôn với chiều dài 1,7km và ủng hộ quỹ các loại từ 8 - 10 triệu đồng. Với bà con trong thôn, khi gặp khó khăn và đột xuất cần sử dụng tiền hoặc cần nguồn vốn nhất định, gia đình ông Xuân luôn tạo tạo điều kiện cho vay không lấy lãi. Cũng nhờ đó, một số hộ trong thôn đã vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên.
Mặc dù năm nay đã ở tuổi 63 nhưng ông Xuân không nghĩ sẽ dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở quy mô như hiện nay mà ấp ủ mở rộng mô hình sản xuất, tăng sản lượng hàng hóa từ 1.800 - 20.000 tấn chè búp tươi/năm đi đôi với giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, nhiều phong trào thi đua tiêu biểu của thôn Minh Long đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thực sự là điểm nhấn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Trải qua nhiều thăng trầm và những sóng gió trong cuộc đời nhưng chính cái duyên với đá quý đã giúp chị Nguyễn Thị Nguyệt - chủ cửa hàng tranh đá quý Giếng Ngọc (tổ 11, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) vượt qua tất cả. Giờ đây, chị đã là chủ một xưởng sản xuất tranh đá quý với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, chị còn có cửa hàng chuyên buôn bán các loại đá quý, mặt đá trang sức phục vụ du khách trong và ngoài nước.
YBĐT - Cô giáo Trương Thị Nụ - nguyên hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Quang Bích, thị xã Nghĩa Lộ khi còn công tác, cô luôn được đồng nghiệp và ngành giáo dục thị xã, lãnh đạo thị xã đánh giá là người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc.
YBĐT - Là người con của xã Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn), trải qua 40 năm công tác trong ngành y tế tỉnh Yên Bái, nhưng dù ở cương vị công tác nào, bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lường Văn Hom cũng luôn phát huy vai trò của một người đảng viên, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.