Duyên đá
- Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2015 | 9:57:32 AM
YBĐT - Trải qua nhiều thăng trầm và những sóng gió trong cuộc đời nhưng chính cái duyên với đá quý đã giúp chị Nguyễn Thị Nguyệt - chủ cửa hàng tranh đá quý Giếng Ngọc (tổ 11, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) vượt qua tất cả. Giờ đây, chị đã là chủ một xưởng sản xuất tranh đá quý với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, chị còn có cửa hàng chuyên buôn bán các loại đá quý, mặt đá trang sức phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt cùng các thợ trong xưởng chế tác tranh đá quý.
|
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Lục Yên được biết đến là một trong những mỏ khai thác đá quý lớn của Việt Nam. Khi ấy, dòng người từ khắp nơi đổ về để tìm kiếm vận may mang tên “đá đỏ”. Hòa cùng dòng người ấy có cô gái mang một cái tên rất đẹp - Nguyễn Thị Nguyệt. Khi đó, Nguyệt mới 14 tuổi cùng gia đình từ quê hương đất Tổ lên với vùng đất ngọc mong tìm được sự đổi đời. Trong quãng thời gian “sôi động” ấy, không như những người khác đi tìm vận may bằng cách khai thác, Nguyệt cùng các cô, các chú lên các bãi đá tìm mua “hàng” sau đó về bán lại cho các thương lái từ dưới xuôi, lấy tiền chênh lệch.
Chị tâm sự: “Đó là những năm tháng không thể quên trong ký ức”. Tuổi còn trẻ nhưng chị đã dám lên rừng, vào các bãi đá trực tiếp mua hàng của những phu khai thác. Thời kỳ đá quý sôi động nhất Lục Yên cũng là lúc chị len lỏi khắp các bãi đá. Hầu như bãi đá quý nào trong huyện chị đều đã đặt chân tới. 20 năm trong nghề, đối với chị có lẽ kỷ niệm khó quên nhất là những lần gặp cướp trong rừng sâu. Ngày ấy, có thể nói, trong những cánh rừng huyện Lục Yên là thời kỳ loạn lạc, cướp bóc, ma túy cùng các loại tệ nạn xã hội bùng phát.
Nhớ lời bố dặn, khi đi vào các bãi tìm mua đá quý chị luôn cầm theo trong người một con dao nhỏ để phòng thân. Vì thế, cùng với bản lĩnh mạnh mẽ vốn có, 3 lần gặp cướp chị đều thoát được. Năm 1998, khi cơn sốt đá quý bắt đầu lắng xuống, cũng là lúc chị xây dựng gia đình. Lấy chồng xong, chị không theo nghề buôn bán đá quý. Suốt một thời gian dài, chị chuyển nhiều nghề khác nhau, từ buôn bán quần áo, bán thịt lợn rồi đi các chợ xã.
Đến năm 2009, khi Lục Yên có nghề làm tranh đá quý, cái duyên với đá trở lại, chị mở xưởng sản xuất tranh. Tưởng rằng, cuộc sống cứ vậy êm đềm trôi qua nhưng cuộc đời lại không như mong muốn. Gặp quá nhiều rắc rối trong cuộc sống, chồng không hiểu và thông cảm cho công việc, anh chị chia tay. Một mình bươn trải, vay vốn ngân hàng để duy trì xưởng tranh, mở thêm cửa hàng buôn bán đồ trang sức đá quý.
Cuối năm 2010, chị đi bước nữa nhưng vì đặc thù công việc, anh thường xuyên phải đi làm xa nhà, một năm có khi chỉ về được 2 lần nên chồng cũng không giúp được gì nhiều trong công việc buôn bán. Nhưng một biến cố nữa lại đến với người phụ nữ vốn đã gặp nhiều bất trắc trong cuộc sống. Năm 2011, cửa hàng của chị bị trộm lấy hết toàn bộ mặt đá quý, trị giá trên 200 triệu đồng.
Không nản chí, chị tiếp tục vay vốn làm lại từ đầu, khôi phục dần. Đến nay, xưởng tranh đá quý của chị đã đi vào hoạt động hiệu quả, các đơn đặt hàng ngày càng nhiều, thậm chí là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Hiện nay, xưởng luôn có từ 4 - 5 công nhân làm việc với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, trong đó, có những công nhân đã được chị dìu dắt từ ngày mới chập chững vào nghề nay đã trở thành thợ có tay nghề cao, tiếp tục làm cho chị Nguyệt.
Trải qua nhiều biến cố, cùng những sóng gió trong cuộc đời, một mình chị cố gắng vượt qua. Xây dựng thương hiệu tranh đá quý Giếng Ngọc như ngày hôm nay là một tình yêu lớn chị dành cho đá quý, là tất cả tâm huyết dành cho công việc của mình. Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyệt cho biết: “Đến với đá quý và giờ đây sống được cùng với đá quý với tôi là cái duyên và có lẽ cái duyên này sẽ theo suốt cuộc đời”.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Cô giáo Trương Thị Nụ - nguyên hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Quang Bích, thị xã Nghĩa Lộ khi còn công tác, cô luôn được đồng nghiệp và ngành giáo dục thị xã, lãnh đạo thị xã đánh giá là người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc.
YBĐT - Là người con của xã Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn), trải qua 40 năm công tác trong ngành y tế tỉnh Yên Bái, nhưng dù ở cương vị công tác nào, bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lường Văn Hom cũng luôn phát huy vai trò của một người đảng viên, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
YBĐT - Ông Hoàng Đình Thìn, người Mường ở thôn Ao Luông I, xã Sơn A (huyện Văn Chấn) năm nay bước sang tuổi 63, gần 40 năm tuổi Đảng. Quá trình công tác của ông, hầu như không ngơi nghỉ.
YBĐT - Trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, nông dân người dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải là những điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc đã được UBND tỉnh khen thưởng.