Làm lợi cho đơn vị từ sáng kiến cải tiến kỹ thuật
- Cập nhật: Thứ hai, 17/8/2015 | 2:45:44 PM
YênBái - YBĐT - Tranh thủ những phút nghỉ giữa ca, anh Nguyễn Ngọc Tuyến - Tổ trưởng Tổ Cơ điện, Nhà máy Giấy Yên Bình (Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái) dẫn tôi thăm hệ thống máy móc trong các dây chuyền sản xuất. Dừng lại ở thiết bị mà anh đã có sáng kiến cải tiến kỹ thuật thay khớp nối cứng bằng khớp nối mềm cao su thuộc bộ phận nghiền đĩa.
Anh Nguyễn Ngọc Tuyến.
|
Anh cho biết: “Trong quá trình làm việc, năm 2012 tôi và anh em trong tổ đã nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện cải tiến thiết bị này. Đến nay, sáng kiến của tôi đã được áp dụng trong các dây chuyền sản xuất của 3 nhà máy là Nhà máy Giấy Yên Bình, Nhà máy Giấy Minh Quân và Nhà máy Giấy Văn Chấn”.
Sinh năm 1983 tại huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), học xong chuyên ngành điện công nghiệp tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật kỹ nghệ thực hành Phú Thọ, năm 2004 Nguyễn Ngọc Tuyến vào làm việc tại Nhà máy Giấy Yên Bình. Là cán bộ trẻ, làm việc đúng theo chuyên ngành được học, Tuyến đã luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Những năm gần đây, do thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giá cả vật tư đầu vào và nhân công ngày càng tăng trong khi giá bán sản phẩm tăng không là bao, đòi hỏi mỗi cán bộ trong từng khâu sản xuất phải tìm tòi, đưa ra những giải pháp hợp lý hóa sản xuất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trên cương vị Bí thư Đoàn thanh niên, tổ trưởng một tổ sản xuất của nhà máy, Nguyễn Ngọc Tuyến đã quan sát, nghiên cứu và thống kê ra hàng loạt các hạn chế của khớp nối cứng của bộ phận nghiền đĩa.
Anh giải thích: “Khớp nối cứng của thiết bị này được Nhà máy Giấy Yên Bình sử dụng từ những ngày đầu thành lập nhà máy. Trong quá trình vận hành, nó đã bộc lộ những bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến thiết bị và cho công nhân sử dụng máy nghiền. Khi gia công khớp nối yêu cầu phải chính xác nên giá thành cho một bộ khớp nối rất cao trong khi tuổi thọ của thiết bị thay thế chỉ được một năm... Vì vậy, nhất thiết phải nghiên cứu, tìm cách cải tiến thiết bị này”.
Theo anh Tuyến, khớp nối cứng không chỉ có giá thành cao, độ bền thấp mà trong tháo lắp khớp nối cứng mất rất nhiều thời gian do phải căn chỉnh giữa động cơ và hộp số. Trong quá trình sử dụng, khớp nối cứng gây tiếng ồn lớn làm ảnh hưởng đến khu vực sản xuất và môi trường xung quanh. Đặc biệt, khớp nối cứng còn tác động làm hỏng bộ phận khác của thiết bị như vòng bi của động cơ nghiền và vòng bi hộp số nghiền...
Được Ban giám đốc và anh em ủng hộ, Nguyễn Ngọc Tuyến bắt tay vào thực hiện sáng kiến của mình là thay thế khớp nối cứng bằng khớp nối mềm cao su ở bộ phận nghiền đĩa. Sau thời gian thực hiện với nhiều lần tháo ra, lắp vào, căn chỉnh, chạy thử... khớp nối mềm bằng cao su đã chứng minh hiệu quả về kinh tế so với khớp nối cứng đang sử dụng. Sáng kiến này có nhiều ưu điểm như: gia công đơn giản, giá thành thấp, dễ tháo lắp, thời gian sử dụng thiết bị dài, giảm tiếng ồn, khu vực khớp nghiền ít dầu mỡ. Từ cải tiến thiết bị này, trong một năm đã giảm hại 2 vòng bi động cơ và 3 vòng bi của hộp số nghiền đĩa. Theo tính toán, sáng kiến của anh Tuyến đã làm lợi trên 20 triệu đồng/dây chuyền/năm cho Công ty, góp phần để nhà máy hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất do Công ty giao.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Nhà máy Giấy Yên Bình cho biết: “Nguyễn Ngọc Tuyến là cán bộ trẻ, chịu khó, nhanh nhẹn. Anh có trách nhiệm cao với nhiệm vụ được giao. Với cương vị Bí thư chi đoàn nhà máy, anh Tuyến đã tổ chức nhiều phong trào và luôn đi đầu, gương mẫu thực hiện. Với sáng kiến thay thế khớp nối cứng bằng khớp nối mềm cao su, anh không chỉ làm lợi cho riêng Nhà máy Giấy Yên Bình mà còn làm lợi cho cả các nhà máy khác trong Công ty khi họ áp dụng sáng kiến này. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, anh Tuyến cùng anh em trong tổ Cơ điện còn thường xuyên đề xuất, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tận dụng hết nguyên liệu, tiết kiệm điện, góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho lao động nhà máy...”.
Nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, Nguyễn Ngọc Tuyến đã có sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho đơn vị mình công tác. Không chỉ vậy, sáng kiến của anh còn là động lực khích lệ cán bộ, công nhân của nhà máy và toàn công ty tích cực hưởng ứng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất, xây dựng công ty ngày càng vững mạnh trong sản xuất, kinh doanh.
Thành Trung
Các tin khác
YBĐT - Tại thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu ai cũng biết đến chị Mùa Thị Dùa - một phụ nữ người Mông vượt khó vươn lên đưa gia đình mình trở thành hộ có kinh tế khá trên địa bàn xã Trạm Tấu.
YBĐT - Ông Phạm Thanh Xuân rất khiêm tốn khi nói về chuyện phát triển kinh tế của mình nhưng cái cơ ngơi nhà cửa và cơ sở sản xuất bề thế giữa thôn Tân Hà, xã Tân Hương (huyện Yên Bình) đã cho thấy đầu óc làm ăn của người nông dân này.
YBĐT - Những năm qua, nhiều phong trào thi đua tiêu biểu của thôn Minh Long đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thực sự là điểm nhấn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Trải qua nhiều thăng trầm và những sóng gió trong cuộc đời nhưng chính cái duyên với đá quý đã giúp chị Nguyễn Thị Nguyệt - chủ cửa hàng tranh đá quý Giếng Ngọc (tổ 11, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) vượt qua tất cả. Giờ đây, chị đã là chủ một xưởng sản xuất tranh đá quý với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, chị còn có cửa hàng chuyên buôn bán các loại đá quý, mặt đá trang sức phục vụ du khách trong và ngoài nước.