Ông Lập làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/9/2015 | 3:00:17 PM
YênBái - YBĐT - Ở Bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), tấm gương ông Lường Văn Lập người dân tộc Thái năng động, nhạy bén trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình luôn được nhiều người nhắc đến. Tới đây, trong kỳ Đại hội thi đua lần thứ IX của tỉnh, ông Lập là một trong số hơn 50 cá nhân được đề nghị khen thưởng.
Vườn thanh long ruột tím mới được đầu tư của gia đình ông Lập, hiện đang phát triển tốt.
|
Năm 2002, sau khi nghỉ làm kế toán tại HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nghĩa Lợi, bằng ý chí vươn lên cộng thêm sự cần cù, chịu khó ông Lập quyết tâm phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương mình. Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức ông Lập đã vận dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2005, được sự ủng hộ của gia đình và người thân, ông đã chuyển một phần diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang đào ao thả cá. Hơn 1.500m2 đất được ông cho đào làm 2 ao nuôi cá giống và cá thịt, các giống được ông chọn nuôi chủ yếu là loại truyền thống, dễ nuôi, cho hiệu quả cao như cá trắm, chép, rô phi đơn tính…
Từ bán cá giống và cá thịt gia đình ông thu về từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Trong diện tích vườn nhà, ông Lập bố trí nuôi gà thả vườn và nuôi ong lấy mật. Công việc nuôi ong cũng rất tỷ mỷ từ việc đóng thùng, các khung cầu di động đến kỹ thuật chăm sóc, tạo chúa, chia đàn và khai thác… ông đều phải tìm tòi học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ nhiều nơi và chọn đặt đõ ong ở những nơi có nguồn hoa tự nhiên phong phú. Từ nuôi ong, mỗi năm gia đình ông khai thác được 50 đến 80 lít mật bán ra thị trường, ở thời điểm hiện tại với giá là 200 nghìn đồng/lít cũng thêm một nguồn thu đáng kể.
Ông Lập tâm sự: “Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay bản thân phải có quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi, học hỏi, nắm vững các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tiếp thu những kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất đã thành công trên địa bàn cũng như ở các tỉnh lân cận, rút ra những kinh nghiệm áp dụng vào mô hình của gia đình mình để đạt hiệu quả cao nhất”.
Không ngừng học hỏi, nghiên cứu nắm bắt nhu cầu thị trường cần loại sản phẩm gì để quyết định đầu tư nuôi trồng bảo đảm đem lại giá trị thu nhập cao giữa năm 2014, sau khi đi tham quan mô hình và được nghe tư vấn về cây thanh long ruột tím, ông Lập đã mua hơn 1.000 hom giống và giành hơn 2.000m2 đất, đổ 400 trụ bê tông để trồng. Đến nay, diện tích trồng cây thanh long ruột tím của gia đình ông đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ lại mang đến niềm vui mới sau vụ thu hoạch đầu tiên.
Với ý chí vươn lên, cùng sự năng động trong cách làm, với mô hình nuôi, trồng tổng hợp gia đình ông Lập thu nhập bình quân đạt trên 150 triệu đồng/năm. Ông Hoàng Văn Hóa - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: “Ông Lường Văn Lập là tấm gương điển hình nhiều năm trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của xã, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bà con cùng học tập, làm theo, đoàn kết giúp nhau vươn lên làm giàu và xoá nghèo bền vững”. Tháng 5/2015, ông Lường Văn Lập vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.
Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Nói đến ông Đặng Văn Hiện người dân thôn Làng Còng, xã Tân Hợp (Văn Yên) chẳng ai không biết. Bởi ông là người đi đầu trong mọi hoạt động của thôn đặc biệt là người tiên phong trong việc trồng quế, hơn thế những kinh nghiệm của ông đã giúp bà con nơi đây từng bước vươn lên thoát nghèo.
YBĐT - Trở lại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tôi tìm về bản Háng Cháng Lừ thăm bí thư chi bộ tiêu biểu Mùa Chang Páo để tìm hiểu về công tác xây dựng Đảng, cách tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, xã hội, hiến đất làm đường.
YBĐT - Người phụ nữ ấy có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da rám nắng, vận trên mình bộ quần áo bảo hộ lao động và làm việc từ sáng đến chiều tối trong chuồng lợn như một người lao động thạo việc của trang trại. Vì vậy, nếu không được giới thiệu thì tôi không nghĩ đó chính là bà chủ của trang trại chăn nuôi lợn nái hậu bị công nghệ cao lớn nhất, nhì tỉnh với 1.200 con lợn/lứa. Bà là Vũ Thanh Lâm, 54 tuổi, ở tổ dân phố Nam Thọ, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê, sưu tầm lưu giữ, sau gần 20 năm ông Nguyễn Văn Quy - thị trấn Yên thế (Lục Yên) đã có một kho tàng đồ sộ, các loại hình văn hóa dân gian của người Tày, Nùng, Dao. Năm 2013, ông quyết định bàn giao lại toàn bộ những tài sản vô giá đó cho Ban quản lý Di tích và Danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Yên Bái quản lý, khai thác, nghiên cứu khoa học và phổ biến văn hóa tới nhân dân trong và ngoài tỉnh.