Thoát nghèo nhờ chịu khó, siêng năng
- Cập nhật: Thứ hai, 7/9/2015 | 9:48:07 AM
YênBái - YBĐT - Đến xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải hỏi anh Vàng Khua Kỷ ở bản Tà Ghênh thì ai cũng biết: "Nhà nó có nhiều lúa lắm, mỗi vụ chất đầy nhà đấy. Cứ đi thẳng đường này đến cái nhà ở giữa đồng là nhà nó đấy". Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi theo con đường đá lởm chởm tìm đến nhà Vàng Khua Kỷ.
Ngô thu về được anh Vàng Khua Kỷ treo gọn gàng bên hiên nhà.
|
Trái ngược với suy nghĩ sẽ không gặp được khi chưa hẹn trước nhưng may mắn khi đến nơi, chúng tôi bắt gặp hình ảnh anh vừa bế cháu vừa tẽ bắp mới thu hoạch về. Trong ngôi nhà gỗ nhỏ ba gian nằm giữa cánh đồng Nậm Có, ngô vàng tràn ngập từ gác hiên cho đến khoảnh sân trước nhà. Sau những lời giới thiệu, anh Kỷ cho hay: "Ngô này mới bẻ trên nương về, giờ đang tẽ ra để phơi khô. Một nửa để cho lợn, gà, còn lại khi nào cần tiền thì mang bán".
Theo lời anh, việc trồng ngô đã được thực hiện từ thời ông bà. Mỗi năm tra 2 lần, giống thì Nhà nước cho nhưng khi nào thấy cây ngô không lên mấy phải mua phân đạm về tra nó mới cho bắp tốt như thế này đấy.
Không chỉ trồng bắp tốt, anh Vàng Khua Kỷ còn là một trong những người trồng được nhiều thóc lúa nhất, nhì ở xã vùng cao Nậm Có này. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, việc trồng lúa của anh đã phần nào tiến đến sản xuất hàng hóa khi đưa vào trồng giống lúa nếp chất lượng cao. Được thừa hưởng đất lúa do cha mẹ để lại, hàng năm, anh luôn bám sát sự chỉ đạo của xã, cán bộ nông nghiệp để làm đất, gieo mạ và cấy đúng khung thời vụ. Không những thế, anh cùng gia đình thường xuyên đi kiểm tra mực nước, tình hình sâu, bệnh rồi mua thuốc bảo vệ thực vật về phun để lúa không bị chết.
Nhờ đó, năng suất lúa của gia đình luôn cao hơn so với mức bình quân của xã. Bình quân mỗi vụ, gia đình anh Kỷ cũng thu về trên 60 bao lúa. Lúa nhiều, 5 khẩu trong gia đình không ăn hết, thế là phân nửa trong số thóc đó được bán đi để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình. Thế nhưng, thóc này nhà nào cũng có, bán thì chẳng được bao nhiều tiền. Và rồi anh Kỷ thấy giống nếp Tú Lệ được nhiều người hỏi mua, giá lại cao nên đã chủ động đi tìm mua giống rồi học hỏi kinh nghiệm để trồng giống mới này. Anh Vàng Khua Kỷ cho biết: "Thường thì đất lúa ở đây chỉ cấy được vụ mùa này thôi, do vậy, tôi cấy một nửa là giống Nhị ưu 838, còn lại cấy nếp Tú Lệ". Vậy là từ suy nghĩ và cách làm đúng hướng, cộng với bản tính chịu khó, siêng năng, anh Kỷ đã biến những thửa ruộng của mình cho thu nhập cao hơn nhiều hộ trong xã.
"Nếp Tú Lệ bán được nhiều tiền hơn so với Nhị ưu 838 không?" - tôi hỏi. Sau một hồi nhẩm tính, anh Kỷ nói vanh vách: "Thế này nhé, bình thường, 10 cân nếp Tú Lệ bán được 200 nghìn đồng, còn Nhị ưu 838 thì chỉ được 50 nghìn đồng thôi. Vậy là nếp Tú Lệ cho mình nhiều tiền hơn chứ". Ngoài ra, anh Kỷ còn nuôi thêm trâu và lợn. Theo anh, thức ăn một phần là cám ngô, còn lại là chuối, rau cỏ lấy ở rừng về. Việc nuôi lợn thường xuyên nhốt tại chuồng nên cũng không bị dịch bệnh. Bên cạnh đó, đàn trâu 4 con thường được chăn thả trên bãi. Khi nào trời lạnh thì đưa về nuôi nhốt tại chuồng và lấy rơm rạ dự trữ cho ăn.
Nhận xét về anh Vàng Khua Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có - Khang A Chua cho biết: "Vàng Khua Kỷ là một tấm gương nông dân tiêu biểu trong xã. Với sự chịu khó, siêng năng, Vàng Khua Kỷ đã đưa gia đình thoát nghèo, trở thành một trong những hộ có thu nhập khá từ nông nghiệp. Đây thực sự là tấm gương cho bà con nhân dân trong xã noi theo". Rời Nậm Có khi những sân nhà đang vàng óng ngô phơi và ngoài xa là một màu xanh bạt ngàn của lúa đang chuẩn bị tới kỳ thu hoạch, chúng tôi hy vọng rằng, một ngày nào đó, khi quay trở lại sẽ gặp nhiều hơn nữa những gương làm kinh tế giỏi như anh Vàng Khua Kỷ.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Ở Bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), tấm gương ông Lường Văn Lập người dân tộc Thái năng động, nhạy bén trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình luôn được nhiều người nhắc đến. Tới đây, trong kỳ Đại hội thi đua lần thứ IX của tỉnh, ông Lập là một trong số hơn 50 cá nhân được đề nghị khen thưởng.
YBĐT - Nói đến ông Đặng Văn Hiện người dân thôn Làng Còng, xã Tân Hợp (Văn Yên) chẳng ai không biết. Bởi ông là người đi đầu trong mọi hoạt động của thôn đặc biệt là người tiên phong trong việc trồng quế, hơn thế những kinh nghiệm của ông đã giúp bà con nơi đây từng bước vươn lên thoát nghèo.
YBĐT - Trở lại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tôi tìm về bản Háng Cháng Lừ thăm bí thư chi bộ tiêu biểu Mùa Chang Páo để tìm hiểu về công tác xây dựng Đảng, cách tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, xã hội, hiến đất làm đường.
YBĐT - Người phụ nữ ấy có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da rám nắng, vận trên mình bộ quần áo bảo hộ lao động và làm việc từ sáng đến chiều tối trong chuồng lợn như một người lao động thạo việc của trang trại. Vì vậy, nếu không được giới thiệu thì tôi không nghĩ đó chính là bà chủ của trang trại chăn nuôi lợn nái hậu bị công nghệ cao lớn nhất, nhì tỉnh với 1.200 con lợn/lứa. Bà là Vũ Thanh Lâm, 54 tuổi, ở tổ dân phố Nam Thọ, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái.