Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi thỏ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/9/2015 | 12:25:12 PM

YênBái - YBĐT - "Anh Phạm Đức Toàn, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của phường và thành phố Yên Bái. Nghề nuôi thỏ đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định và từng bước vươn lên làm giàu". Đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Luyến, Phó chủ tịch UBND phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái về anh Phạm Đức toàn một người năng động làm kinh tế giỏi trên địa bàn.

Gia đình anh Phạm Đức Toàn, ở tổ 30, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái được nhiều người trong và ngoài tỉnh tin tưởng tìm đến mua bán và trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi thỏ. Sau 8 năm, kiên trì thực hiện mô hình, anh đã có được rất nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi thỏ và chất lượng được khẳng

định bằng uy tín đối với khách hàng. Với tổng đàn luôn duy trì số lượng từ 500 con trở lên, trong đó có gần 90 con thỏ sinh sản. Mỗi năm, tiền bán con giống và thực phẩm ra thị trường cho gia đình anh Toàn thu lãi từ 150 - 180 triệu đồng/năm.

Sau khi trải qua nhiều nghề như là thợ mộc, thợ nề, làm bánh kẹo, cơ khí song cuộc sống gia đình anh Toàn vẫn chỉ ở mức tạm đủ ăn. Từ năm 2007, sau khi được tuyên truyền, vận động và tìm hiểu qua các kênh thông tin anh Toàn đã mạnh dạn về Trung tâm nghiên cứu Dê, Thỏ Sơn Tây mua con giống. Lúc đầu, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, anh chỉ mua được 5 thỏ cái và 2 con thỏ đực làm con giống, chuồng trại tạm bợ bằng tre nứa, diện tích nhỏ hẹp. Sau nhiều năm cần cù, chịu khó, học hỏi kinh nghiệm, có lúc tưởng chừng như thất bại, nhưng với nghị lực và quyết tâm phải làm bằng được nghề đã chọn, đến nay gia đình anh đã có hơn 200m2 diện tích dành riêng để nuôi thỏ, chuồng trại cũng được đầu tư xây dựng tốt hơn trước.

Để việc chăn nuôi được hiệu quả và ít tốn kém, anh Toàn đã học hỏi, nghiên cứu và tự chế tạo được máy băm cỏ, mua máy đùn thức ăn hỗn hợp dạng viên cho thỏ ăn, đồng thời lắp đặt bể Bioga để tận dụng chất đốt và xử lý chất thải hàng ngày. Công tác tiêm phòng các bệnh như viêm kết mạc, ghẻ, nấm, bại liệt, trướng bụng đầy hơi... được anh triển khai theo đúng định kỳ 6 tháng một lần.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của gia đình anh chủ yếu cung cấp thỏ thịt cho một số nhà hàng và người dân trên địa bàn thành phố Yên Bái và thị trấn Yên Bình. Sau khi nuôi thỏ thấy hiệu quả kinh tế phù hợp với điều kiện của hộ gia đình nông dân, thông qua tổ chức Hội Nông dân phường Yên Thịnh và thành phố anh Toàn đã giúp đỡ nhiều hộ cùng tham gia nuôi thỏ phát triển kinh tế. Từ năm 2009 đến nay, anh Toàn đã  phối hợp cùng Ban Xoá đói giảm nghèo phường Yên Thịnh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) giúp đỡ về con giống và kỹ thuật cho các hộ hội viên nông dân, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của phường. Ngoài ra, anh còn thường xuyên được các tổ chức, ngành chuyên môn mời cộng tác, giúp đỡ tổ chức nhiều các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi thỏ.

Năm 2010, được sự nhất trí của Ban thường vụ Hội Chăn nuôi Việt Nam và UBND thành phố Yên Bái, Hội chăn nuôi thỏ tự nguyện Yên Bái được thành lập với 12 hội viên do anh Toàn làm Hội trưởng. Cùng thời điểm, anh được bổ nhiệm vào Ban thường vụ và là thành viên trong Ban thị trường của Hội chăn nuôi thỏ Việt Nam. Anh tâm sự: "Sau gần 10 năm gắn bó với công việc chăn nuôi thỏ, đến giờ cuộc sống của gia đình tôi cũng đã khá hơn trước, công việc chăn nuôi thỏ không mấy vất vả, chi phí đầu tư không lớn, thức ăn cho thỏ dễ tìm, trung bình mỗi con thỏ tiêu thụ khoảng 0,3kg cỏ/ngày, thức ăn tinh bột thì chỉ là ngô, thóc, sắn, khoai có nhiều trên thị trường, điều quan trọng là thị trường tiêu thụ rất lớn, nhiều hôm khách hỏi mua thỏ thịt nhưng không đủ đáp ứng. Gia đình vẫn thường xuyên bao tiêu sản phẩm cho các hội viên trong hội từ huyện Yên Bình, Trấn Yên đến Văn Yên".

Từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình anh Toàn đã bán ra thị trường 7 tạ thỏ giống với giá từ 150 - 180 nghìn đồng/1kg; 1,2 tấn thỏ thịt từ 80 - 90 nghìn đồng/1kg. Anh cho biết kế hoạch trong năm nay tiếp tục nhân lên khoảng 200 con thỏ giống, phát triển tổng đàn thường xuyên có số lượng từ 700 đến 1000 con. Anh mong muốn đưa phong trào nuôi thỏ của thành phố Yên Bái thực sự trở thành một nghề đem lại thu nhập cho người dân.

Liên tục từ năm 2009 đến nay, anh đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ UBND phường Yên Thịnh, UBND thành phố Yên Bái, Hội nông dân và UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt trong kỳ Đại hội thi đua lần thứ IX của tỉnh tới đây, anh Phạm Đức Toàn là một trong số hơn 50 cá nhân được đề nghị khen thưởng.

Bài, ảnh: Vũ Đồng

Các tin khác
Chị Hà Thị Quê kiểm tra trứng trước khi cho vào lò ấp.

YBĐT - Đến xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, hỏi chị Hà Thị Quê, thôn Noong Tài ai cũng biết bởi dù tuổi còn trẻ song chị đã mạnh dạn phát triển kinh tế, là tấm gương đi đầu với những cách làm mới, cách làm hay trong phát triển mô hình nuôi vịt khép kín, cho thu nhập mỗi năm trên 2 tỷ đồng, trong đó lãi trên 300 triệu đồng.

YBĐT - Cứ đến trung tâm xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, hỏi anh Ngô Xuân Phương ở thôn 3B, không ai là không biết. Người đàn ông này được mọi người biết đến là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của xã, không những thế anh còn phổ biến mô hình vườn chanh bốn mùa của mình, giúp những hộ khác trên địa bàn vượt khó, vươn lên làm giàu.

Ông Vũ Hưu Lê vinh dự được gặp và bắt tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015.

YBĐT - Tuổi 80 - với nhiều người, đây là lúc để nghỉ ngơi, song ông Vũ Hữu Lê - khu dân cư Nam Thọ, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái vẫn ngày ngày miệt mài cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho xã hội với mong muốn giúp người nông dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập. Hiện, ông là Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà chuyên chế tạo máy, thiết bị, gia công các sản phẩm về cơ khí phục vụ nông, lâm nghiệp.

Anh Hứa Văn Thơm (áo kẻ) giới thiệu con đường mới rộng mở, trong đó có phần diện tích đất ao của gia đình.

YBĐT - Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn (GTNT) là một việc làm rất đẹp và có ý nghĩa, được nhiều gia đình ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên hưởng ứng tích cực. Trong đó gia đình anh Hứa Văn Thơm ở thôn Khuân Thếp là một điển hình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục