Anh Xuân thành công từ kinh nghiệm thực tế
- Cập nhật: Thứ năm, 24/12/2015 | 2:58:49 PM
YBĐT - Mô hình nuôi vịt giống của gia đình anh Bùi Đức Xuân ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên có cho thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng một năm.
Mô hình chăn nuôi vịt giống của gia đình anh Xuân.
|
Đến gia đình anh một buổi sáng mùa đông, bắt gặp anh đang cặm cụi bên chiếc máy thái chuối với hàng chục cây chuối to nằm ngổn ngang. Đây chính là nguồn thức ăn cho hàng ngàn con vịt đẻ. Sinh ra ở Tuyên Quang, không có nghề ổn định nên anh đã đi buôn bán khắp nơi để kiếm sống. Bén duyên với người con gái tại xã Yên Thắng này, anh đã quyết định lập nghiệp tại nơi đây.
Lập gia đình rồi ra ở riêng với hai bàn tay trắng, không cam chịu đói nghèo, anh chị cật lực lao động. Mùa thóc buôn thóc, mùa cam buôn cam, buôn sắt vụn... hai vợ chồng bươn bải đạp xe tới mọi ngõ ngách. Chịu khó làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, anh chị đã tích lũy được ít vốn, mua đất, dựng căn nhà tạm để ở. Việc buôn bán ngày càng trở nên khó khăn, hai vợ chồng cũng để tâm tìm kiếm nghề khác để sinh sống.
Anh Xuân đã tìm hiểu kỹ về điều kiện tự nhiên, đồng đất của thôn và kiến thức về chăn nuôi vịt. Anh đã mua rồi cải tạo bãi sình lầy ngay trước nhà thành ao, chuồng nuôi nhốt, đẻ trứng của vịt với diện tích 2 ha, tách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Ngay lứa đầu tiên, anh chị nuôi trên 1.000 con vịt bầu ta đẻ trứng, đồng thời đầu tư thêm hệ thống lò ấp để ấp trứng và bán vịt giống. Đàn vịt ấy đang đẻ trứng bỗng dưng chết hàng loạt, anh chị lỗ rất lớn. Không nản chí, hai vợ chồng quyết tâm đầu tư tái đàn.
Có thêm kinh nghiệm và làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên đàn vịt phát triển tốt, đẻ trứng nhiều. Lò ấp hoạt động 24/24 giờ, vịt nở đến đâu là có người về tận nơi thu mua hết. Hàng nghìn con vịt đẻ, mỗi tháng, cơ sở cho ra lò khoảng 1 vạn con vịt giống, thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định đã giúp gia đình không những nhanh chóng thu lại gốc mà còn dư giả.
Năm năm nuôi vịt, trừ năm đầu tiên thua lỗ, bình quân mỗi năm anh thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Cơ sở nuôi vịt của anh Xuân đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở vịt giống của gia đình anh Xuân lớn nhất xã, đặc chủng giống vịt bầu ta địa phương, chân ngắn, cổ ngắn, thịt dày, thơm, xương bé và lòng đỏ của trứng to, thơm, ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chia sẻ kinh nghiệm, anh Xuân cho biết: “Tôi xác định làm kinh tế là không ngại thua lỗ và không nản chí, đã theo phải theo đến cùng, tất nhiên trước đó phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Muốn chăn nuôi hiệu quả là phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh như phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi chuồng trại, toàn bộ khu vực chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ. Quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm mình tích lũy được trong quá trình chăn nuôi, muốn thành công phải có kinh nghiệm thực tế”.
Làm giàu chính đáng, vợ chồng anh Xuân cũng luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với mọi người. Ai mua vịt giống đều được anh chị tư vấn về kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Thu, người dân thôn Thâm Pồng bày tỏ: “Người dân trong thôn thật khâm phục về tài, về chí làm giàu của gia đình anh Xuân. Vợ chồng anh luôn cởi mở, gần gũi với xóm giềng và sẵn lòng giúp các hộ khó khăn về con giống, kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT- Với đồng phụ cấp ít ỏi nhưng đồng chí Sầm Thanh Sức - Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên luôn nỗ lực hết mình, nhiệt tình, tâm huyết trong công việc chuyên môn, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, được mọi người quý mến.
YBĐT - Thượng úy Kiều Đức Soái - nhân viên thống kê dân quân của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Văn Chấn luôn được đồng đội và cấp trên tin yêu, quý mến bởi bên cạnh lối sống trung thực, giản dị, gần gũi với đồng đội anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho bộ phận tác chiến của đơn vị bằng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiết kiệm, hiệu quả.
YBĐT - Trong chuyến công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, gặp những thầy cô giáo tình nguyện cắm bản bám trường, bám lớp vì những em nhỏ vùng cao, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí, nghị lực của họ. Không ít thầy cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình mang con chữ đến với đồng bào, trong số đó có cô giáo Nguyễn Thị Phương, người đã có 14 năm cắm bản ở xã vùng cao này.
YBĐT - Phong trào đó như một “trận tuyến mới” đang được các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân CCB huyện Văn Yên (Yên Bái) khẳng định, góp phần tích cực cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội bền vững.