Người phụ nữ năng động, sáng tạo
- Cập nhật: Thứ tư, 23/3/2016 | 1:04:00 PM
YBĐT - Thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, cộng với ý chí và nghị lực, người phụ nữ năng động này giờ đã là chủ của một xưởng chế biến gỗ lớn trong vùng, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Đồng chí Đặng Kim Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đưa chúng tôi đến thăm gia đình hội viên Ngô Thị Bảy ở thôn 8 - một tấm gương về phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ở địa phương.
Nhấp ngụm nước chè còn nghi ngút khói, chị Bảy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cái nghiệp của mình. Chị vẫn nhớ như in những tháng ngày khởi nghiệp: “Trước kia, gia đình tôi chỉ quanh năm gắn bó với đồng ruộng. Tuy nhiên, ruộng đất ít, thu nhập từ nông nghiệp không đủ trang trải cuộc sống thường ngày nên đói nghèo vẫn đeo bám. Năm 2005, khi mà ở đất Quy Mông này chưa có cái máy xẻ gỗ nào trong khi gỗ rừng trồng từ Đại Sơn và Viễn Sơn của huyện Văn Yên khá dồi dào nên sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, tôi đã quyết định tiên phong làm xưởng chế biến gỗ. Vẫn biết đi đầu sẽ rất mạo hiểm nhưng tôi nghĩ nếu quyết tâm và cố gắng là sẽ làm được và thành công”.
Để bắt đầu, vợ chồng chị xuống các mô hình nhà xưởng quanh vùng để học hỏi kinh nghiệm. Cùng với đó, chị tích cực tham gia sinh hoạt tại Chi hội Nông dân thôn 8 của xã, được tập huấn về khoa học kỹ thuật. Qua chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, chị đã quyết định thế chấp sổ đỏ vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp để mở xưởng chế biến gỗ tại gia đình. Cùng với số tiền tích cóp từ khi lấy nhau, anh chị mua 2 máy xẻ gỗ, mỗi máy trị giá gần 22 triệu đồng.
Khi nhắc đến khó khăn trong thời gian lập nghiệp, anh Hường – chồng chị kể ngay cho chúng tôi nghe những bôn ba, vất vả trong chuyến đi tìm thị trường tiêu thụ: “Ngày đó, tôi phải đi xuống tận Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình để tìm mối bán hàng. Có những chuyến đi kéo dài cả tuần trời mà chẳng đạt kết quả”.
Chị Bảy tiếp lời: “Khó khăn đến mấy tôi cũng không ngại đâu. Gia đình tôi đã “bơi” qua trận lũ lịch sử năm 2008 rồi”. Đúng vậy, trận lũ năm 2008 đã gây thiệt hại nặng nề cho vùng quê ven sông Hồng này và gia đình chị Bảy cũng không ngoại lệ. Máy móc ngập trong nước nhưng trận lũ đó không nhấn chìm được ý chí của chị.
Sau khi nước lũ rút, chị cùng gia đình lau rửa, sửa chữa những cái máy còn làm được và mạnh dạn vay thêm 200 triệu đồng để mở rộng quy mô xưởng, mua mới 2 máy xẻ gỗ, 1 máy bóc gỗ và 2 máy cắt. Với giàn máy móc này, mỗi ngày, xưởng của anh chị chế biến khoảng 9 - 10 m3 gỗ.
Theo tính toán, khi chế biến một mét khối gỗ mua vào khoảng 1 triệu đồng thì sẽ thu về khoảng 1,4 triệu đồng từ sản phẩm thu được là ván bóc và hàng tận dụng (lõi cây, củi, mùn cưa...). Sau khi trừ tiền điện, tiền công cho thợ, anh chị thu được 100.000 đồng đến 150.000 đồng/m3 gỗ. Trên kinh nghiệm đã có, anh chị còn chủ động tìm thêm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của anh chị, năm 2009, sau khi trừ mọi chi phí, anh chị thu về 90 triệu đồng và con số này tiếp tục tăng lên 109 triệu đồng trong năm 2010, năm 2014 là gần 200 triệu đồng. Không chỉ tạo thu nhập cao cho gia đình, xưởng gỗ của chị còn là nơi làm việc của 15 nhân lực trong vùng với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh việc không ngừng đẩy mạnh quy mô sản xuất, kinh doanh, gia đình chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Là hội viên nông dân gương mẫu, chị luôn tích cực tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế hàng năm. Không giấu nghề, chị đã chia sẻ kinh nghiệm cho 10 hộ khác trong xã, giúp đỡ 7 hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh từ 10 - 30 triệu đồng không lấy lãi.
Năm 2014, chị Ngô Thị Bảy tự hào là một trong 18 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2009 - 2014. Đây chính là động lực cho chị tiếp tục niềm đam mê với sự lựa chọn của mình. Chia sẻ về hướng đi trong tương lai, chị Bảy khoe ngay đang thử nghiệm sản xuất sản phẩm mới. Vừa nói chị vừa dẫn chúng tôi ra xem 2 cỗ máy trị giá hơn 120 triệu đồng chị mới đầu tư.
Chị chia sẻ thêm rằng, cuối năm 2015, do trì trệ về nguồn hàng và thị trường, chị đã tìm hiểu và quyết tâm đổi mới cách thức chế biến gỗ. Sản phẩm thu được sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng lớn. Anh chị khẳng định sẽ mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới nếu đạt hiệu quả cao trong thời gian thử nghiệm.
Lê Nguyệt
Các tin khác
YBĐT - Chỉ bằng những biện pháp giáo dục nhẹ nhàng nhưng thuyết phục, tác động trúng tâm lý của người nghe mà nhiều năm qua, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng ban Công an xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã cảm hóa thành công nhiều đối tượng lầm lỗi trên địa bàn, giúp họ hướng thiện, trở thành công dân có ích cho xã hội.
YBĐT - “Muốn anh em bám địa phương và đồng ý với những lời chia sẻ, tư vấn về cách phát triển các mô hình kinh tế thì trước tiên mình phải làm gương!” - câu nói chân thành, mộc mạc của Tiến đã thể hiện rõ vai trò của một người thủ lĩnh đoàn và hơn hết là “nói đi đôi với làm” của anh.
YBĐT - Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo nhất, nhì trong thôn, đến nay, gia đình ông Đỗ Văn Cẩn, thôn Hoàn Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên đã trở thành hộ khá giả với mô hình nuôi ba ba thương phẩm cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, ai cũng biết đến người phụ nữ đã 25 năm nay gắn bó với công tác Hội Phụ nữ cơ sở trong vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trấn Ninh 1. Đó là chị Lê Thị Lương - một người cán bộ hội tiêu biểu, thể hiện ở lòng nhiệt tình và tận tâm với các hoạt động của hội phụ nữ cơ sở và các hội đoàn thể khác mà chị tham gia.