Bà Phượng tâm huyết với cây chè

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/5/2016 | 9:53:44 AM

YBĐT - Cùng cảnh ngộ với các hộ trồng chè, bà Phương Thị Phượng ở thôn 8, xã Khánh Hòa (Lục Yên) đã quyết định vay mượn đầu tư hệ thống máy móc phục vụ cho gia đình và tiêu thụ chè tươi cho người dân nơi đây.

Bà Phương Thị Phượng kiểm tra chất lượng chè búp tươi.
Bà Phương Thị Phượng kiểm tra chất lượng chè búp tươi.

Khi Lâm trường Lục Yên dừng sản xuất chè, người trồng chè ở xã Khánh Hòa (Lục Yên) và các xã lân cận bị đẩy vào “ngõ cụt” vì chè tươi hái về không biết bán cho ai, nhiều người đã có ý định chặt phá chè để thay thế bằng cây trồng khác.

Cùng cảnh ngộ với các hộ trồng chè, bà Phương Thị Phượng ở thôn 8, xã Khánh Hòa đã quyết định vay mượn đầu tư hệ thống máy móc phục vụ cho gia đình và tiêu thụ chè tươi cho người dân nơi đây.

Năm 2005, sau khi trồng thử nghiệm chè trên đất Khánh Hòa thấy có hiệu quả, Lâm trường Lục Yên quyết định nhân rộng dự án trồng chè trên địa bàn xã. Cả xã được hỗ trợ trồng 25 ha, nhiều nhất là thôn 7 với 20 ha.

Là một trong những hộ đi tiên phong, gia đình bà Phượng mạnh dạn trồng 7 sào chè. Hợp với chất đất và khí hậu, cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Bà và nhiều gia đình trồng chè khác có khoản thu ổn định nhờ bán chè tươi cho Lâm trường Lục Yên.

Tuy nhiên, đến khi Lâm trường dừng sản xuất chè tươi làm ra không có nơi tiêu thụ, nhiều hộ dân chán nản, bắt đầu chặt phá chè để trồng rừng kinh tế. Tiếc cho diện tích chè của gia đình và những hộ trong xã đang độ cho sản lượng cao, bà quyết tâm đi học hỏi nhiều nơi và vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua 3 máy sao chè.

Mới bắt tay vào làm, gia đình bà gặp không ít khó khăn bởi nguồn vốn ít, kinh nghiệm chế biến chè chưa nhiều. “Khoảng một năm đầu, tôi phải mua chịu chè tươi của bà con, có lúc nợ tiền lên đến vài chục triệu đồng, chè khô làm ra không có nơi tiêu thụ” - bà Phượng cho biết.

“Cái khó ló cái khôn”, vợ chồng bà càng quyết tâm vượt qua. Vợ ở nhà sao chè, chồng chở chè đi dọc quốc lộ 70, các xã trong huyện và các huyện lân cận để giới thiệu và bán từng lạng, từng cân chè, gây dựng các mối giao chè.

Nhờ chất lượng chè thơm ngon, giá cả hợp lý nên sản phẩm dần được người tiêu dùng biết đến. Khi sản phẩm đầu ra bảo đảm, bà đã thu gom mua toàn bộ chè tươi của người dân trong xã, không để chè tươi của người dân bị tồn đọng, không ép giá hay gây khó khăn cho người dân.

Ông Đàm Văn Lơ - Bí thư Chi bộ thôn 7 cho biết: “Những năm trước, khi Dự án trồng chè của Lâm trường Lục Yên phát động, trong thôn có 40/50 hộ trồng chè với diện tích 20 ha. Trong lúc chè bắt đầu cho thu rộ thì Lâm trường ngừng thu mua, con đường tiêu thụ của bà con bị cắt đứt. Người dân không hái, không chăm sóc. Chè mọc lên như cây dại trong rừng, cây cỏ mọc um tùm, sâu, bệnh bắt đầu phá hại, không còn hiệu quả kinh tế nữa, một số hộ chặt chè để trồng keo, bồ đề...  Đúng lúc đó, gia đình bà Phượng đầu tư mua máy sao chè và đứng ra tiêu thụ chè tươi cho bà con”.

Gia đình bà Hoàng Thị Thời ở thôn 7 có 7 sào chè, mỗi tháng, cho thu hái 3 lần, bán được gần 1 triệu đồng. Bà Thời tâm sự: “Nếu không có bà Phượng thu mua chè cho chúng tôi thì nhiều người dân đã chặt phá hết rồi”.

Đồng chí Nguyễn Kim Ba - Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: “Kinh tế của nhân dân trong xã chủ yếu dựa vào trồng rừng và cây chè. Sau bao thăng trầm, đến nay, toàn xã đã duy trì 25 ha chè. Nhờ gia đình bà Phượng mạnh dạn đầu tư máy móc và thu mua nên bà con vùng chè đã có thu nhập ổn định, giúp cho người dân giữ lại được cây chè như hôm nay”.

Bà Phương Thị Phượng thực sự trở thành chỗ dựa trong việc bao tiêu sản phẩm cho người dân nơi đây. Đến nay, bình quân mỗi ngày, gia đình bà thu mua trên 6 tạ chè tươi, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hà Tĩnh

Các tin khác
Anh Hà Văn Năm chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Tìm cho mình hướng đi riêng trong chăn nuôi, anh Hà Văn Năm ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi 100 con lợn thịt với phương châm “Nói không với việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi”.

Ông Lý Kim Tiến (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm bảo quản ngô giống cùng lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Văn Chấn và bà con trong thôn.

YBĐT - Đến thôn Bản Khinh, xã Thanh Lương (Văn Chấn) ai cũng nhắc tới ông Lý Kim Tiến, người dân tộc Tày, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, thành viên tổ hòa giải ở thôn Bản Khinh. Đã ở tuổi 80 nhưng ông Tiến vẫn minh mẫn, sống gương mẫu trong gia đình, dòng họ và được cộng đồng nể trọng. Từ năm 2011 đến nay, ông Lý Kim Tiến liên tục được tôn vinh và được cấp có thẩm quyền công nhận là người có uy tín.

Nghệ nhân Hoàng Tương Lai truyền dạy hát dân ca cho thế hệ trẻ.

YBĐT - Trong số 600 nghệ nhân dân gian trên khắp cả nước được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" vào cuối năm 2015, tỉnh Yên Bái vinh dự có 10 nghệ nhân dân gian được phong tặng danh hiệu cao quý này. Nghệ nhân Hoàng Tương Lai - người giữ hồn văn hóa Tày vùng Đông Hồ (Yên Bình) là một trong số đó.

YBĐT - Vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh, em Nguyễn Hoàng Trang, học sinh lớp 9A, Trường THCS Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn luôn là tấm gương sáng cho bạn bè noi theo bởi thành tích học tập xuất sắc và sự năng nổ, nhiệt tình trong vai trò Liên đội trưởng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục