Không cam chịu đói nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 19/7/2016 | 3:22:17 PM
YBĐT - “Đã là người lính, thì mặt trận nào cũng phải luôn hướng về phía trước. Chỉ có vậy mới chinh phục được mục tiêu mà mình đặt ra” - đó là chia sẻ của ông Trương Văn Trường 54 tuổi - thương binh 4/4, ở thôn 1, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.
Ông Trường cần mẫn tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lợn.
|
Bên mảnh vườn vừa được san ủi bằng phẳng, ông Trường vẫn đang miệt mài xây dựng thêm khu chuồng trại mới để tới đây mở rộng quy mô chăn nuôi lợn của gia đình. “Sao ông không để lúc râm mát rồi làm, chứ nắng thế này ốm mất!" - tôi nói. “Đánh gần nửa quả đồi còn chẳng sao nữa là cái chuồng cỏn con này. Nắng thế đã thấm vào đâu, tôi phải tranh thủ để sớm hoàn thành đưa lợn vào chăn nuôi” - ông Trường cười sau câu trả lời. Dừng tay, gạt những giọt mồ hôi ướt đầm trên khuôn mặt, ông mời chúng tôi vào nhà. Bên tách trà thơm, được nghe những câu chuyện về đời lính, về cuộc sống thời bình của ông đã cho chúng tôi hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh và càng cảm phục, trân trọng ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo người lính ấy.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh, chị, em ở thôn 1, xã Thịnh Hưng, cũng như bao đứa trẻ vùng nông thôn khác, cuộc sống vất vả, khó khăn từ nhỏ đã sớm hun đúc ý chí người thanh niên trẻ tuổi Trương Văn Trường. Để rồi sau khi học xong phổ thông, năm 1983, ông đã xung phong đi lính, đóng quân tại Trung đoàn 780 - Bộ Tư lệnh Đặc công và tham gia huấn luyện một năm rưỡi tại Vĩnh Phú.
“Các đơn vị khác, người lính chỉ cần huấn luyện 3 đến 6 tháng là được tung ra tiền tuyến, nhưng với lính đặc công, đòi hỏi huấn luyện bài bản và chuyên nghiệp hơn. Có như vậy mới đảm bảo những kỹ năng tốt nhất khi ra trận” - ông Trường chia sẻ. Sau khi huấn luyện xong, ông Trường được điều sang Cam-pu-chia là chiến sỹ thuộc Đại đội Trinh sát Đoàn A5. Trong một chuyến hành quân, do vướng phải mìn của địch ông đã bị thương ở đùi và chân. Đến năm 1987, rời chiến trường, ông trở về quê hương. Cũng chính năm đó, ông cưới vợ và cùng gia đình bắt tay vào lao động, sản xuất.
“Trước đây, phía sau nhà chủ yếu là đồi núi, tôi đã cùng vợ phát quang, làm đất để trồng chè. Có ít vốn tích lũy, tôi tiếp tục phát triển chăn nuôi, gieo cấy lúa... cơ bản đảm bảo cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học” - ông Trường cho chia sẻ.
Như bao người lính khác, bom mìn, súng đạn và cái chết luôn cận kề còn không làm họ sợ hãi thì thời bình, chỉ tập trung phát triển kinh tế, chăm lo gia đình con cái thì đâu có làm khó ông. Mặc dù bị thương, đặc biệt những khi thời tiết thay đổi, khiến cho việc di chuyển khó khăn hơn, nhưng không vì thế mà làm ông nhụt chí. Vợ chồng ông đã trồng chè, xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi lợn, chủ động gieo cấy lúa đảm bảo đủ thóc gạo ăn. Khi những công việc chăn nuôi, đồng áng đã ổn định, ông tiếp tục tranh thủ thời gian đào hơn 1 sào ao để thả cá... Nhờ lao động chăm chỉ và được sự giúp đỡ của người thân, vài năm sau đó, ông Trường đã xây dựng được nhà cửa khang trang. Ông trở thành tấm gương không cam chịu đói nghèo, cần cù vươn lên khiến người dân trong vùng nể phục, noi theo.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Trường còn nhiệt tình tham gia vào các tổ chức đoàn thể của thôn, của xã để cùng nhau chia sẻ, động viên các hội viên phát triển kinh tế và chăm lo con cái học hành thật tốt. Ai khó khăn, cần giúp đỡ ông đều sẵn sàng làm hết khả năng mình có thể. Niềm vui lớn nhất với ông, không phải là những tấm giấy khen mà là hạnh phúc bên người vợ hiền chịu thương, chịu khó và hai cô con gái đã trưởng thành có công việc ổn định.
Trần Ngọc
Các tin khác
YBĐT - Một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, khi đất nước hòa bình, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
YBĐT - Năm 1995, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, song anh Bùi Xuân Lâm ở khu phố 2, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) đã quyết tâm vừa đi làm thêm kiếm tiền đi học để có nghề nghiệp ổn định.
YBĐT - Tôi gặp chị - người phụ nữ đằm thắm có đôi mắt hút hồn, duyên dáng trong chiếc áo cỏm ôm sát eo thon. Bên ngôi nhà sàn truyền thống ấm cúng có 3 thế hệ trong gia đình cùng chung sống, cũng là cơ sở nghỉ dưỡng của khách du lịch cộng đồng, chị khiêm tốn khi nói về mình trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã song lại rất hào hứng khi chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở địa phương.
YBĐT -Chị Phượng kể, đến nay chị không nhớ rõ mình đã cứu giúp được bao nhiêu người, nhưng với trẻ em rơi xuống suối có nguy cơ bị đuối nước thì chị đã cứu được 4 em.