Thu nhập cao từ trồng ổi

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/7/2016 | 10:02:57 AM

YBĐT - Đến thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, nhắc đến ông Bùi Đức Hiền ai cũng biết, vì mặc dù tư liệu sản xuất là đất đai không nhiều, nhưng gia đình ông đã biết lựa chọn cây trồng phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bùi Đức Hiền chăm sóc vườn ổi.
Ông Bùi Đức Hiền chăm sóc vườn ổi.

Trong ngôi nhà hai tầng khang trang trên đường Yên Bái - Khe Sang, lúc chúng tôi đến vợ chồng ông Hiền đang cùng nhau lồng những túi xốp và nilon để bọc quả. Theo ông Hiền, đây là bước đột phá để mình thành công trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của trái ổi.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn ổi diện tích khoảng 8 sào, với tổng số gần 300 cây ổi giống Đài Loan, Đài Loan lõi đỏ, lõi đỏ Bến Cát…, trong đó hầu hết là ổi mới trồng được 1, 2 năm, chỉ cho tôi gần hai chục cây ổi Đài Loan xum xuê đã cho thu hoạch trên 10 năm nay, ông Hiền cho biết: “Từ gần hai chục cây ổi này đã cho chúng tôi thu nhập khá. Vì vậy, khi tích cóp được ít vốn xây nhà, tôi đã mua thêm ít ruộng để mở rộng vườn cây”.

Là cựu chiến binh tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, sau khi xuất ngũ về địa phương, như nhiều người lính đã “vào sinh ra tử”, ông Hiền rất khát khao làm ăn để nâng cao đời sống. Tuy nhiên, mưu sinh trên mảnh đất thuần nông, trải qua nhiều tìm tòi, thử nghiệm như: trồng dâu nuôi tằm, mộc nhĩ, làm miến đao… đều không thành công, tình cờ cách đây trên chục năm, cơ duyên đã đưa ông đến với cây ổi. “Đó là những năm đi buôn chuối xanh sang Trung Quốc, tình cờ gặp một số vườn ổi bên nước bạn. Thấy ổi cho trái sai mình đã nảy ý định trồng loại cây này tại gia đình” - ông tâm sự.

Với diện tích đất ít ỏi sau nhà, ông Hiền trồng thử vài chục cây ổi giống Đài Loan, tuy nhiên thời gian đầu ổi cho trái nhưng thất thường, năm sai, năm được, mẫu mã cũng không đều, đẹp và hay bị sâu trái. Bước ngoặt là một dịp sang thăm người bạn ở Hội Làm vườn xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, thấy vườn ổi của bạn quả ra quanh năm, chất lượng và mẫu mã đẹp, đầu ra thuận lợi, ông lần hỏi bí quyết để về áp dụng tại vườn ổi của gia đình.

“Thứ nhất, để cho cây ra trái quanh năm cùng chăm sóc cây theo đúng kỹ thuật phải thường xuyên bấm ngọn, khi cây có lộc mới, mới cho ra nhiều hoa. Thứ hai, khi cây ra trái rồi, phải bọc túi xốp bên trong và túi nilon bên ngoài quả, như vậy mới tránh được sâu bệnh và giữ cho trái có màu sắc đẹp”. Ông Hiền tiết lộ.

Nói thì dễ nhưng để có thành công ông Hiền cũng phải trăn trở tự mày mò vì không phải ai cũng truyền kinh nghiệm làm ăn cho. Chỉ riêng việc tìm mua túi xốp bọc trái cũng là cả vấn đề vì trong nước loại này ít sản xuất, phải mua bên Trung Quốc. Tuy nhiên, công sức của ông cũng được đền đáp vì từ khi áp dụng cách làm mới, ổi của gia đình đã cho trái bốn mùa, quả đều, hình thức đẹp mắt. Thị trường, nhất là khách quen biết ở Trấn Yên, thành phố Yên Bái ưa chuộng vì sản phẩm không sử dụng thuốc hóa học để kích thích hay bảo quản. Chỉ gần hai chục cây ổi trưởng thành, mỗi cây một năm cho thu khoảng 2,5 - 3 tạ quả, như vậy một năm cả vườn cho thu 4 - 5 tấn quả.

Với giá bán từ 20 đến 25 nghìn đồng/kg, khi cao bán trên 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí nhân công, nguyên vật liệu… mỗi ki-lô-gam ổi cho lãi từ 10 - 15 nghìn đồng, như vậy vườn ổi của ông Hiền đã cho thu trên trăm triệu đồng/ năm. Ông Hiền cho biết, một vài năm nữa, khi cả vườn cây đã trưởng thành thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn.

Không chỉ giữ bí quyết cho riêng mình, mà kinh nghiệm sản xuất đã được ông Hiền truyền đạt cho nhiều người trong thôn, trong xã, nhất là những hội viên trong Câu lạc bộ Khuyến học phát triển ngành nghề của xã do ông làm Phó chủ nhiệm. Ông tâm sự: “Để làm ăn, cùng kinh nghiệm phải có vốn và có đất đai. Hiện nay cái khó nhất là tích tụ ruộng đất để mở rộng đầu tư, vì vậy cần có cơ chế để chuyển những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Có như vậy, thu nhập của người nông dân mới được nâng lên, việc xây dựng nông thôn mới thành công”.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Ông Trường cần mẫn tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lợn.

YBĐT - “Đã là người lính, thì mặt trận nào cũng phải luôn hướng về phía trước. Chỉ có vậy mới chinh phục được mục tiêu mà mình đặt ra” - đó là chia sẻ của ông Trương Văn Trường 54 tuổi - thương binh 4/4, ở thôn 1, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.

Ông Trần Đình Vụ thu hái chè.

YBĐT - Một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, khi đất nước hòa bình, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Anh Bùi Xuân Lâm (người đứng) cùng cán bộ Văn phòng 
Xổ số huyện Trấn Yên nhập số liệu bán vé của đại lý trên địa bàn gửi về Công ty theo quy định.

YBĐT - Năm 1995, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, song anh Bùi Xuân Lâm ở khu phố 2, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) đã quyết tâm vừa đi làm thêm kiếm tiền đi học để có nghề nghiệp ổn định.

Chị Hoàng Thị Phượng là người đầu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa An.

YBĐT - Tôi gặp chị - người phụ nữ đằm thắm có đôi mắt hút hồn, duyên dáng trong chiếc áo cỏm ôm sát eo thon. Bên ngôi nhà sàn truyền thống ấm cúng có 3 thế hệ trong gia đình cùng chung sống, cũng là cơ sở nghỉ dưỡng của khách du lịch cộng đồng, chị khiêm tốn khi nói về mình trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã song lại rất hào hứng khi chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục