Không nghèo ý chí
- Cập nhật: Thứ năm, 26/1/2017 | 8:16:01 AM
YBĐT - “Khi tôi còn đây thì bà hãy cứ cười dù rằng chúng ta đang đứng trước bất kỳ khó khăn nào” là cách ông động viên vợ mình. “Đơn giản vậy ư?” - tôi hỏi ông. Chắc nịch câu trả lời dứt khoát: “Thế thôi”. Phải trách nhiệm lắm, bản lĩnh lắm của một người giữ vai trò trụ cột gia đình, điều mà ông khẳng định tưởng nhẹ nhàng đến vậy nhưng chứa sức mạnh không tưởng. “Xê xế tuổi này, cũng may khi nhìn lại, không thẹn với vợ, với con, với chính mình” - ông nhủ.
|
Không bao giờ nghèo ý chí
Chuyện ông kể: “30 tuổi, Đỗ Đình Sắc là tôi đã đưa vợ, hai con trai từ gốc gác Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên đến Lục Yên này đây. Có hai sự lựa chọn dành cho tôi, nếu giỏi làm nông nghiệp thì thuận lợi về đất đai rộng lớn, nếu đi đào đá đỏ thì may mắn một viên cũng đổi đời”. “Thì cứ thử vận may của cuộc đời?” - tôi ngờ rằng ông cũng sẽ khó cưỡng lòng trước sức cám dỗ của lấp lánh hồng ngọc, ru - bi...
“Người ta đi đào đá thì tôi sẽ trồng rau bán cho họ. Tôi đã chọn “anh” nông nghiệp” - tỉnh queo ông đáp trong rành mạch chọn con đường mưu sinh cho cả gia đình. Kệ ai đào cứ đào, mặc người may cứ may, đồng đất nơi thị trấn Yên Thế đã tiếp “lửa” trong mỗi mạch máu của ông vốn ba đời nối nhau chuyên nghề trồng cây rau giống. Nửa này cùng ông, nửa kia cùng vợ ông - bà Hạnh - kéo tôi trở ngược thời gian: “Túp lều, cô biết không, cả nhà bốn con người sống trong một túp lều đích thực. Anh em nhà ông ấy lên chơi, kêu rầm rĩ, trách ông Sắc “hành” vợ con quá thể, bắt quay về quê.
Ông ấy lặng thinh, chỉ cười”. Tôi ướm lòng bà Hạnh: “Hẳn là cuộc sống gian khó hơn ở quê?”. “Thì rõ... nhưng vợ chồng sướng, khổ đã xác định rồi. Tính ông ấy đã quyết là làm bằng được, khó mấy cũng sẽ vượt lên” - bà Hạnh thấu hiểu chồng - “Họp thôn lúc ấy, mọi người đưa nhà tôi vào diện khó khăn cần hỗ trợ. Ông ấy đứng dậy, cảm ơn sự quan tâm và xin... từ chối nhận hộ nghèo”. “Cả thôn đều hết sức bất ngờ?” - tôi đoán chắc.
Ông Sắc bình thản: “Tôi giãi tuột lòng rằng hiện tại tôi nghèo tiền thật nhưng tôi không bao giờ nghèo ý chí. Tôi xin dành suất nghèo đó cho gia đình khác”. Không thể nghèo, nhất định sẽ phải khá giả, không còn đơn thuần chỉ là con đường mưu sinh nữa rồi, ông đã “đặt cược” thể diện với cuộc đời.
Luôn đi đầu, tự làm chủ
Khởi đầu với việc trồng rau cung cấp cho “đội quân đào đá đỏ” là tháng 8 năm 1991, ông nhớ vậy. Ăm ắp 8 xe công nông chở cải bắp, suýt soát 30 tấn tiêu thụ vèo vèo, vợ chồng ông đút túi “ngon ơ” gần 7 triệu đồng. Ông Sắc nói trồng rau lắt nhắt nên “Thắng liên tiếp 3 vụ, tôi bỏ hẳn luôn, quay sang làm 6 sào cà chua, bán cho dân buôn Vĩnh Tường đúng y giá dưới xuôi, thế là ẵm 20 triệu đồng”. Ngó nghển chưa thấy ai trồng dưa hấu, “chia tay” cà chua, ông quyết định “theo chân Mai An Tiêm”.
Lại thắng lớn nhưng ông cũng chỉ theo một năm. Ngôi nhà xây cấp bốn năm 1997, bà Hạnh dường như vẫn có thể “rơi nước mắt vì hạnh phúc” dẫu ngày về nhà mới lùi xa tròn 20 năm. Tấm giấy khen của UBND huyện Lục Yên ghi tên ông đạt danh hiệu hộ gia đình sản xuất nông, lâm nghiệp giỏi 5 năm (1992 - 1996), ông Sắc luôn trân trọng. Niềm vui không hề nhỏ, đương nhiên thế.
“Thắng cược”, niềm tin vào sức lao động chân chính, sức mạnh của ý chí càng cháy mãnh liệt nơi ông. Ấy nhưng cuộc đời này khôn lường, cây tinh dầu bạc hà đã lần đầu cho ông “nếm mùi vị của thất bại”. Cây rau giống được ông chọn ngay khi tìm ngả rẽ và sau 3 năm đã phần nào vực dậy kinh tế gia đình. 500 con vịt đẻ trứng tiếp đó lần lượt “kéo hết tủ chè lẫn sập gụ ra đường”, ông Sắc nhớ không sai lúc tháng 1 năm 2003 là “nhà còn đúng 500.000 đồng”.
May mắn được “bảo lãnh” mua nợ một chiếc máy cày để cày thuê 22 mẫu ruộng, tiền lại về. Tiền này ông thuê 4 mẫu ruộng, cấy giống lúa Chiêm Hương, sản lượng hơn 8 tấn, được 56 triệu đồng để trả gần hết nợ nần. Năm 2005, ông dừng lúa để đi “buôn” quả phật thủ và hơn bốn năm sau chuyển hẳn sang trồng phật thủ cho đến nay. Cả chục công việc khác nhau ông Sắc từng lăn lộn để vợ con có cuộc sống sung túc.
Ngoảnh trông, bao nhiêu công việc từng làm là bấy nhiêu công việc ông Sắc đi đầu trong thôn Đồng Phú. Hơn nhau ở ý chí, đâu phải ai cũng mạnh dạn đi trước, làm trước bởi ranh giới của sự thành, bại chẳng thể nói chắc. Với ông, quan điểm luôn thích tiên phong, tự làm chủ bản thân, giúp đỡ mọi người sẽ có nhiều trải nghiệm mới mẻ, đáng quý trong cuộc sống. Gắn bó, nắng mưa cùng đồng đất, ông nhận về niềm vui. Hạnh phúc giản dị thường ngày, ông sớm chiều chăm vườn cây, vui vầy cùng con cháu, đong đầy nghĩa vợ chồng.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Nếu ai đã từng đến với bản làng người Xa Phó ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên vào những ngày hội xuân thì hẳn là sẽ không thể nào quên tiếng sáo cúc kẹ mời gọi bạn tình trong những đêm trăng của gái trai các bản làng nơi đây - một thứ âm thanh vừa êm ái, trong trẻo vừa dặt dìu, bay bổng khiến người nghe không khỏi xao xuyến.
YBĐT - Các bức tranh được tạo ra từ đá của chị Hằng trở nên sống động hơn, những thảm cỏ như được trải thêm một màu xanh mượt mà, óng ánh, những con suối như róc rách reo vang, những tà áo trở nên mềm mại, lụa là... đầy cuốn hút.
YBĐT - Hỏi chuyện mấy đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Trạm Tấu, mọi người bảo: “Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương chứ gì? Cả huyện đều biết!”. Lý do mọi người đều biết, bởi “kỷ lục” mà ông bà đã tạo nên khi sinh tới 18 người con và bây giờ có cả “đại đội” cháu, chắt. Nhưng sự “nổi tiếng” này càng đặc biệt hơn là, các con cháu của ông bà đều phương trưởng, trở thành công dân tiêu biểu.
YBĐT - Trân trọng và luôn ý thức gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, ở cái tuổi ngoài 70, ông Lạc Văn Sinh đã nỗ lực rất nhiều để phục dựng thành công lễ cấp sắc; các điệu múa chim gâu, múa xúc tép...