Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nghĩa - người nỗ lực cống hiến cho ngành y
- Cập nhật: Thứ tư, 10/5/2017 | 10:52:19 AM
YBĐT - Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, bước chân vào ngành y với vai trò là bác sĩ điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn, hiện đang là Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), gần 20 năm gắn bó với nghề, tiến sĩ y học Nguyễn Ngọc Nghĩa luôn nỗ lực hết mình đóng góp cho công tác y tế.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nghĩa tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.
|
Say mê nghiên cứu khoa học
Hiểu được giá trị của việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong khám chữa, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, lại được Sở Y tế giao làm Thư ký Hội đồng Khoa học ngành nên Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nghĩa càng có nhiều cơ hội để tiếp cận với khoa học trong và ngoài nước, đã bồi đắp thêm sự yêu thích với khoa học trong anh.
Những năm qua, anh đã tham gia nhiều hoạt động liên quan đến công tác này và trực tiếp tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học, trong đó nhiều đề tài liên quan đến địa bàn vùng cao như: “Thực trạng và hiệu quả can thiệp dự phòng bệnh răng miệng ở học sinh tiểu học hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải”; “Thực trạng và hiệu quả can thiệp dự phòng thay đổi khúc xạ của học sinh trường trung học cơ sở tỉnh Yên Bái”; “Nghiên cứu mô hình truyền thông giảm sinh con thứ ba trở lên đối với đồng bào dân tộc thiểu số hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải”.
Các đề tài này đã được Hội đồng Khoa học tỉnh đánh giá cao về giá trị khoa học và thực tiễn lý luận, góp phần đưa ra các mô hình, giải pháp hữu hiệu để nâng cao sức khỏe cộng đồng.
“Là một cán bộ được đào tạo chuyên sâu về y tế dự phòng và quản lý y tế nên bản thân luôn hướng về cộng đồng để giúp đỡ, hỗ trợ và tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về y tế đến người dân và cộng đồng. Thực hiện các đề tài chính là nghiên cứu thực tế, các phong tục tập quán, thói quen, lối sống của người dân ảnh hưởng đến sức khỏe để đưa ra các giải pháp, đề xuất các chính sách tốt cho ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân” - đó là lý do cơ bản nhất để tiến sỹ Nguyễn Ngọc Nghĩa bỏ công sức, thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học.
Tính từ năm 2012 đến nay, anh đã tham gia thực hiện, sở hữu 6 đề tài nghiên cứu khoa học; trong đó, có 5 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài cấp nhà nước. Ngoài ra, anh còn tham mưu giúp lãnh đạo Sở Y tế tổ chức nhiều lớp tập huấn và hội thảo về phương pháp nghiên cứu khoa học, hỗ trợ và giúp đỡ các cá nhân, tập thể, đơn vị về kỹ năng nghiên cứu khoa học, cách thức tổ chức tiến hành nghiên cứu khoa học; xây dựng kế hoạch và tổ chức hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật chuyên môn cho các đơn vị y tế trong ngành...
Trăn trở với nghề
Năm 2009, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Nghĩa được phân công làm cán bộ điều phối Dự án “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh”. Đây là dự án hợp tác giữa Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Chính phủ Việt Nam.
Nhận thấy ý nghĩa của Dự án đối với việc nâng cao chất lượng hệ thống y tế tuyến tỉnh, tiến sỹ Nghĩa đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động của Dự án, đặc biệt là trong các hoạt động phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, tại các bệnh viện chuyên khoa sâu ở trung ương cho hàng nghìn lượt cán bộ y tế; tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp lập kế hoạch, quản lý các chương trình y tế...
“Hoạt động đào tạo cán bộ của Dự án rất đồng bộ và bài bản, là đào tạo từ cán bộ điều dưỡng đến lãnh đạo bệnh viện, từ chuyên môn đến quản lý, đào tạo từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, đào tạo từ mở rộng đến chuyên khoa sâu như đào tạo về phẫu thuật nội soi mà từ trước đến khi Dự án thực hiện chưa có cán bộ nào được đào tạo. Chính vì vậy, sau khi kết thúc Dự án, cái được lớn nhất của y tế là năng lực chuyên môn của cán bộ y tế ở các tuyến đã nâng lên rõ rệt, đó là kỹ năng chẩn đoán, xử trí và dự phòng bệnh tật, lập kế hoạch đã tạo nên chất lượng chẩn đoán, điều trị nâng cao, sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế được Dự án hỗ trợ” - Tiến sỹ Nghĩa tâm đắc.
Vừa tham gia nghiên cứu khoa học vừa nỗ lực trong công tác chuyên môn vừa khắc phục khó khăn, thu xếp thời gian, công việc để hoàn thành nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa vào năm 2015, chuyên ngành Vệ sinh xã hội học và Tổ chức y tế cũng không nằm ngoài mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để có thể đóng góp nhiều hơn cho công tác y tế của vị tiến sĩ này. Giờ đây, sau nhiều năm gắn bó với ngành y, Tiến sĩ Nghĩa còn đó nhiều trăn trở, nhiều mong muốn nghề nghiệp.
Anh chia sẻ: "Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm đã tạo ra sự thay đổi về mô hình bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, nội tiết, dịch bệnh gia tăng… mà nền y học chỉ có khả năng đáp ứng được phần nào thôi. Yên Bái cần phát triển hệ thống y tế dự phòng tốt đáp ứng yêu cầu thay đổi của môi trường và bệnh tật".
Vấn đề đào tạo cán bộ, có chính sách thu hút, hỗ trợ cho cán bộ có năng lực đến công tác tại Yên Bái, chính sách quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ có năng lực, đạo đức, chuyên môn vào các vị trí quan trọng của ngành để góp phần phát triển hệ thống y tế của tỉnh hay tăng cường hệ thống truyền thông nâng cao sự hiểu biết của người dân về chăm sóc sức khỏe... cũng là những điều mà vị tiến sỹ này mong muốn.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Ông Hoàng Văn Thành, dân tộc Dao ở thôn 2, xã Yên Thành, huyện Yên Bình được biết đến là người luôn mạnh dạn đi đầu trong việc học hỏi, chuyển đổi hướng phát triển các mô hình kinh tế mới mang lại thu nhập khá và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
YBĐT - Không chỉ là “hậu phương” vững chắc, là người giữ lửa cho mái ấm gia đình hạnh phúc, chị Nông Thị Quy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cây Luồng, xã Xuân Lai (Yên Bình) còn là người nhiệt tình với công việc, giúp đỡ nhiều chị em trong thôn vươn lên ổn định cuộc sống.
YBĐT - Không chỉ hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn, Bí thư Chi đoàn Văn phòng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) - Nguyễn Mạnh Cường còn luôn tiên phong trong mọi phong trào, hoạt động.
YBĐT - Từ một hộ nghèo trong thôn, gia đình anh Tạ Minh Duật giờ đã có 13 ha rừng, dây chuyền chế biến chè đen công suất 10 - 12 tấn búp tươi/ngày, tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động là con em địa phương.