Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ hai, 29/5/2017 | 7:57:23 AM
YBĐT - Không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Định ở tổ 7, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, có thu nhập bình quân một năm lên đến hơn 300 triệu đồng.
Cựu chiến binh Bùi Văn Định (bên phải) chia sẻ cách chăm sóc giống gà lai chọi với cán bộ Hội Cựu chiến binh phường Hợp Minh.
|
Ông Bùi Văn Định, sinh năm 1964 trong một gia đình nghèo, đông anh chị em. Năm 1985, ông nhập ngũ đóng quân tại Đồn Biên phòng 208 thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Năm 1989, ông rời quân ngũ về địa phương và lao động sản xuất tại Nông trường Việt Hưng rồi xây dựng gia đình năm 1991. Gia đình nghèo lại đông anh em, nên khi cưới vợ, bố mẹ ông chỉ giúp làm được túp lều tranh để hai vợ chồng sinh sống.
Cuộc sống cơ cực, chạy ăn từng bữa không phải là thách thức lớn đối với một người lính đã qua tôi luyện trong quân ngũ, nhưng nhìn vợ con phải chịu khổ thì ông không đành lòng. Quyết tâm không cam chịu đói nghèo, ban ngày làm việc tại Nông trường, tối về ông tranh thủ san gạt soi bãi làm ruộng, gieo cấy lúa và đào ao thả cá. Năm 1992, Nông trường Việt Hưng giải thể, ông bàn với vợ làm đơn nhận 3 ha đất đồi rừng để trồng chè và keo.
Từ gieo cấy lúa, nuôi cá đến trồng chè, trồng keo đã từng bước giúp cuộc sống gia đình ông vơi bớt khó khăn và năm 1994 ông đã xây dựng ngôi nhà cấp 4 khang trang cho gia đình.
Ông Định quả quyết: “Nếu lúc bấy giờ chỉ dừng lại và bằng lòng với những gì mình có thì còn gì là người lính Cụ Hồ nữa chứ! Phải luôn cố gắng vươn lên, hướng về phía trước, chinh phục thử thách để gia đình và con cái sau này có cuộc sống tốt hơn”.
Từ quyết tâm ấy, ông chủ động xin chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình chuyển đổi hơn 16 ha đất đồi rừng bỏ trống để trồng quế, bồ đề. Thấy được quyết tâm cũng như cách thức phát triển mô hình kinh đồi rừng rất phù hợp với địa phương nên chính quyền địa phương đã quyết định tạo điều kiện để ông thực hiện ước mơ.
Với gần 20 ha đất đồi rừng, khi cây chè không đem lại lợi nhuận kinh tế cao, ông chuyển sang trồng quế, bồ đề. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa từ 2 sào lên 6 sào và tự tay xây dựng chuồng trại để nuôi lợn, gà. Những lúc nông nhàn và sẵn có vốn, ông chủ động liên hệ với các chủ trang trại trồng rừng để đấu thầu khai thác, bao tiêu sản phẩm từ gỗ. “Những năm đó, bình quân thu nhập một năm của gia đình tôi phải lên đến hơn 300 triệu đồng rồi đấy” - ông Định cho biết.
Nắm bắt được xu thế thị trường, năm 2009 khi gỗ ván ép đang được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng, ông Định mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng. Giai đoạn 2009 - 2011, là thời kỳ hoàng kim cho những người làm xưởng chế biến gỗ rừng trồng và ông Định một lần nữa “thắng đậm”.
Tuy nhiên, khi mà các thương lái Trung Quốc quay lưng lại với gỗ ván ép thì nhiều chủ xưởng chế biến gỗ vẫn cố gắng bám víu để rồi phá sản. Song, với ông Định lại khác, ông chuyển ngay sang chăm nom đồi rừng và phát triển nuôi lợn, gà. “Làm kinh doanh phải biết thời thế, biết nhu cầu của thị trường”- ông Định bày tỏ.
Lời ông Định được minh chứng bằng việc cuối năm 2016, khi giá lợn thịt giảm mạnh, ông đã chuyển sang nuôi chó thịt để cung cấp cho các quán ăn. Với gần 40 con chó thịt, sau 4 tháng nuôi, ông đã xuất bán và trừ mọi chi phí còn thu về gần 150 triệu đồng. Hiện nay, ngoài việc mở rộng mô hình nuôi chó thịt, ông Định còn tham gia vào Dự án nuôi 500 con gà lai chọi được Hội CCB phường Hợp Minh hỗ trợ vốn. Với số tiền tích cóp được sau nhiều năm miệt mài lao động, năm 2015, ông đã xây dựng một ngôi nhà khang trang trị giá gần một tỷ đồng cùng với nhiều tiện nghi sinh họat đắt tiền.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội CCB phường Hợp Minh cho biết: “Không chỉ là hội viên làm kinh tế giỏi, ông Định còn là CCB luôn được các hội viên, cũng như nhân dân tổ 7 yêu quý bởi đức tính cần cù và luôn sống hết mình vì người khác”.
Được biết, năm 2002, thấy người thân trong gia đình và gần 20 hộ sinh sống giáp với địa bàn huyện Trấn Yên đi lại khó khăn, ông Định không ngần ngại bỏ ra 40 triệu đồng thuê máy xúc, máy ủi mở mới tuyến đường dài 1.700 m để giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Năm 2009, ông tiếp tục bỏ ra 140 triệu đồng để nâng cấp và mở rộng tuyến đường này. Từ khi giao thông thuận tiện, chẳng những xe máy, mà ô tô có thể đến tận bìa rừng vận chuyển gỗ nguyên liệu, giúp người dân có điều kiện hơn trong kinh doanh, buôn bán.
Đặc biệt, thời gian vừa rồi, khi giá lợn tụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều hội viên, cũng như người dân tổ 7 lo lắng, ông Định đã đến từng nhà động viên mọi người chủ động giữ đàn, không tăng đàn và hướng dẫn từng bước chuyển đổi sang mô hình mới phù hợp với nhu cầu thị trường như trồng cam; tham gia Dự án nuôi gà lai chọi được hỗ trợ 5 triệu đồng của Hội CCB phường; nuôi chó thịt và được ông hướng dẫn cách chăn nuôi, phòng dịch…
Cần cù, năng động, sáng tạo, CCB Bùi Văn Định đã xây dựng được một cuộc sống bền vững với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Và càng ý nghĩa hơn, khi ông được hội viên tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB tổ 7, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn là đặc điểm chung của những “ông chủ” trẻ người Mông tại xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải. Đây là bước khởi đầu vững chắc để tuổi trẻ xã Púng Luông phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
YBĐT - Người dân trong thôn ai cũng mến phục anh Sổng A Chư - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca (Trấn Yên), bởi anh luôn là “đầu tầu” trong công tác hội, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống để xóa đói giảm nghèo.
YBĐT - Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, bước chân vào ngành y với vai trò là bác sĩ điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn, hiện đang là Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), gần 20 năm gắn bó với nghề, tiến sĩ y học Nguyễn Ngọc Nghĩa luôn nỗ lực hết mình đóng góp cho công tác y tế.
YBĐT - Ông Hoàng Văn Thành, dân tộc Dao ở thôn 2, xã Yên Thành, huyện Yên Bình được biết đến là người luôn mạnh dạn đi đầu trong việc học hỏi, chuyển đổi hướng phát triển các mô hình kinh tế mới mang lại thu nhập khá và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.