"Gặt hái" từ nuôi ba ba gai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/8/2017 | 6:51:29 AM

YBĐT - Ông Nguyễn Hoàng Quyết ở tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn đã khởi nghiệp làm giàu từ nuôi con đặc sản là ba ba gai, mỗi năm thu về trên 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Quyết ở tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng từ nuôi ba ba gai.
Ông Nguyễn Hoàng Quyết ở tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng từ nuôi ba ba gai.

Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ nuôi ba ba gai, năm 2005, ông Quyết đã tận dụng 400 m2 mặt nước ao của gia đình đầu tư nuôi 200 con ba ba sinh sản. Để có tiền mua con giống, thức ăn, cải tạo lại ao nuôi… ông Quyết đã phải đi vay mượn tiền từ người thân, bạn bè. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông gặp rất nhiều khó khăn trong cách chăm sóc: thả chìm thức ăn xuống ao gây ô nhiễm nguồn nước, thiếu ô xy, ba ba bị bệnh, chậm lớn.
 
Tuy vậy, với tinh thần quyết tâm làm giàu từ nuôi ba ba, ông đã tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi ba ba từ những mô hình nuôi hiệu quả cao. Sau đó, ông chuyển sang cho ba ba ăn trên cạn; đồng thời, kết hợp thả cá mè, rô phi, ốc để tận dụng sự tương trợ giữa các loài với nhau, vừa đảm bảo nguồn thức ăn, vừa cải thiện nguồn nước. Nhờ đó, mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Quyết đã thành công, cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Năm 2008, ông Quyết đã mở rộng diện tích và phát triển trang trại lên đến 5000 m2, nhằm cung cấp ba ba thương phẩm cũng như con giống tới nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh.
 
Ông Nguyễn Hoàng Quyết chia sẻ: "Ba ba là giống bản địa ở nên tốc độ sinh trưởng của nó rất nhanh. Nuôi 3 năm có thể đạt trọng lượng từ 3 - 4kg; trong khi đó, các loại ba ba khác chỉ đạt từ 1 - 1,5kg. Trước đây, ba ba được bắt từ các con sông, suối, hồ… ở những địa bàn xung quanh đây, nên nguồn gốc của con giống rất đảm bảo”.

Ông cho biết thêm, ba ba gai là một loài tương đối dễ nuôi, ít khi bị bệnh dịch. Tùy theo từng loại mà ba ba có giá trị khác nhau. Thời gian đầu, giá bán con giống chỉ đạt từ 30.000 - 50.000 đồng/con, sau tăng dần. Hiện tại, trung bình 1 con ba ba giống bán ra với giá 150.000 đồng/con.
 
Đối với ba ba thương phẩm thì chỉ cần 3 năm là xuất bán được, thời điểm đó mỗi con cũng nặng tầm 3 - 4kg/con, giá bán được khoảng 500.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với các loại ba ba thông thường khác, đem lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, ông Quyết thường xuất bán ba ba gai thương phẩm đến các nhà hàng, khách sạn… trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
 
Hiện tại, gia đình ông Quyết đã có khoảng 8.000 con ba ba giống, thương phẩm và bố mẹ, trung bình một năm cung ứng ra thị trường  600 con ba ba thịt và 7.000 con giống, thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm.

Ba ba gai to hơn các loại ba ba bình thường khác. Thịt của chúng khi chế biến rất thơm và ngọt, tuổi đời của chúng có khi lên tới 2 chục năm, có những con ba ba sinh sản lên tới 30 kg. 

Với kinh nghiệm hơn chục năm nuôi ba ba gai, ông Quyết cho biết: "Nuôi ba ba không phức tạp, dễ nuôi chỉ cần chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chú ý cho ăn đúng, đủ chất và vệ sinh môi trường nước sạch, tránh gây ô nhiễm, như vậy sẽ đạt hiệu quả cao”.
 
Nói về kỹ thuật nuôi ba ba gai, ông Quyết nhấn mạnh phải thường xuyên theo dõi nắm bắt các giai đoạn phát triển của ba ba gai cái. Khi chúng đến giai đoạn đẻ phải tách riêng con đực và con cái theo tỷ lệ 1 đực và 5 cái hoặc 1 đực và 4 cái. Bởi vì, nếu số lượng con đực nhiều thì nó sẽ xảy ra hiện tượng con đực cắn chết con cái.
 
Khi con cái đẻ thì chuồng ấp trứng phải được đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ từ 30 đến 32 độ thì mới đảm bảo trứng không bị hỏng. Bên cạnh đó, nuôi ba ba cần đặc biệt chú ý quan tâm đến môi trường nước ao vì bệnh chủ yếu ở ba ba là do thức ăn dư thừa gây ra.
 
Vì vậy, trong quá trình nuôi cần cho ba ba ăn một chỗ, thường xuyên kiểm tra khử nước theo định kỳ bằng vôi bột, muối, thuốc tím trộn lẫn, cứ 100 m3 ao thì rắc 1 kg. Sau 20 - 30 ngày tiến hành một lần để tạo môi trường nước ao bảo đảm vệ sinh; hoặc có thể thả một ít bèo xuống ao cũng giúp cải tạo nguồn nước. Đồng thời, khâu chọn giống cũng rất quan trọng và không nên chọn giống ba ba đồng huyết sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của ba ba.
 
Tuy nhiên, khi đề cập đến việc muốn mở rộng quy mô nuôi ba ba, ông Quyết vẫn còn khá nhiều trăn trở. Theo ông, khó khăn nhất là do địa hình địa phương đồi, núi khá nhiều, ao, hồ lại ít nên việc phát triển thêm diện tích là rất khó. Cho nên, hiện tại ông vẫn chỉ tập trung chăm sóc quy mô ba ba hiện có của gia đình.
 
Có thể thấy, nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định nên mô hình nuôi ba ba gai của ông Quyết đã được nhiều hộ trong họ hàng, khu dân cư và thị trấn tham quan học tập. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong xã, góp phần cùng nhau phát triển và giảm nghèo bền vững.

Hải Hà

Các tin khác
Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục