Làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/10/2017 | 1:47:14 PM

YBĐT - Sau nhiều năm trồng lúa không mang lại hiệu quả, từ năm 2014, ông Lường Văn Lập, người dân tộc Thái ở bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đã quyết định chuyển đổi hơn 4.000m2 đất ruộng sang trồng cây thanh long ruột đỏ.

Sau 3 năm trồng và chăm sóc theo đúng quy trình, hơn 600 trụ thanh long của ông Lập lúc nào cũng xanh tốt, ít sâu bệnh thu hoạch đạt năng suất, chất lượng cao. Từ đầu vụ thu hoạch năm 2017 đến nay, gia đình ông Lập đã thu về trên 100 triệu đồng từ cây thanh long ruột đỏ.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn thanh long đang vụ thu hoạch của gia đình, ông Lường Văn Lập chia sẻ: "Sau khi đọc sách, báo, xem truyền hình và cả tìm hiểu trên mạng xã hội về giống cây trồng thanh long ruột đỏ, tôi đã tìm đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội tham quan vườn cây giống. Ở đây tôi được tư vấn, tiếp nhận thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ từ các kỹ sư của Học viện và tôi đã quyết định mua giống về trồng. Ngày đó, Học viện không chỉ giúp gia đình công vận chuyển, mà còn cử một cán bộ kỹ thuật lên gia đình tôi hướng dẫn từ cách làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Tôi cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào cây thanh long ruột đỏ này”.

Cuối năm 2014, ông Lập đầu tư mua 3.000 cây giống, đổ cột trụ bê tông làm giá đỡ cho cây và chuyển đổi hơn 4.000m2 đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Đến nay, gia đình ông đã có vườn thanh long với số lượng trên 600 trụ, đều đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng ổn định. Cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch từ tháng 6 đến cuối tháng 11, trung bình cứ 15 ngày lại được thu hái một lần, mỗi trụ thanh long cho thu hoạch từ 8 - 10 đợt quả. Năm 2016, vụ thu hoạch thứ hai của gia đình ông Lập đã thu về trên 60 triệu đồng.
 
Trao đổi về cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, ông Lập vui vẻ cho biết: "Khi trồng, phải đổ cột trụ bê tông cao từ 1m8 đến 2m, cạnh vuông 13x13cm, trụ được chôn sâu 30cm, khoảng cách giữa các trụ cột là 3m và mỗi trụ trồng từ 5 - 6 cây giống. Thanh long là loại cây chịu hạn tốt, thích nghi với đất pha cát, ít sâu bệnh mà không mất nhiều công chăm sóc. Với kinh nghiệm được học, tôi sử dụng phân hỗn hợp từ rơm rạ, trấu lúa, phân trâu rồi ủ với vôi làm nguồn phân bón chủ yếu cho cây. Để cây mau lớn và đạt sản lượng cao, sau khi trồng cần giữ độ ẩm vừa đủ không để rễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và hệ thống tiêu thoát nước trong vườn trồng cần phải được xử lý tốt, tránh để rễ cây bị ngập úng nước. Ngoài ra, cần phải thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc thì cây mới phát triển tốt”.

Thực tế cho thấy, so với cây lúa, cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lập cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Hơn nữa, thanh long ruột đỏ là loại cây trồng có tuổi đời cao, trung bình từ 20 - 25 năm sau đó mới phải trồng lại. Sau khi trồng một năm, thanh long đã cho quả với nhiều đợt trên năm và từ năm thứ 2 trở đi năng suất quả cao gấp hai lần năm thứ nhất. Điều quan trọng là sản phẩm quả thanh long ruột đỏ hiện nay đang được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
 
Ông Lập cho biết thêm: "Giống cây này sinh trưởng khá mạnh, quả to, vỏ bóng đẹp, ruột màu đỏ tím, ít nước, khi chín bảo quản được lâu và đặc biệt vị ngọt chua thanh được người tiêu dùng hài lòng. Trung bình 1 trụ thanh long cho thu hoạch từ 30 - 35kg quả, với giá bán như hiện nay từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, dự kiến năm nay, gia đình thu về trên 100 triệu đồng từ vườn thanh long, gấp đôi vụ thu hoạch năm trước”.

Điều phấn khởi là đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi, tới vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn đặt mua hàng, người dân cũng đến mua rất nhiều. Một số hộ quanh vùng đã đến đặt mua cây giống và nhờ ông Lập hướng dẫn cách trồng, chăm sóc loại cây trồng này.
 
Với quyết tâm thoát nghèo, không ngại khó, ngại khổ và hơn hết là dám nghĩ, dám làm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lập ngày càng phát triển, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân quanh vùng. Với thành quả đã đạt được, năm 2015 ông Lường Văn Lập vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.

Vũ Đồng

Các tin khác
Không chỉ hết lòng vì dân bản, anh Giàng Nủ Chống còn là điển hình làm kinh tế giỏi.

YBĐT - Là một trong những thôn cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại không thuận lợi, nhưng thôn Chống Tầu, xã Làng Nhì (Trạm Tấu) những năm gần đây luôn duy trì là thôn đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, dân bản luôn đoàn kết, một lòng theo Đảng, tích cực phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc. Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của anh Giàng Nủ Chống - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn - người "cầm lái” giữ cho thôn bản luôn đoàn kết, thuận hòa.

Thầy giáo Nguyễn Thành Kiên, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thảo luận, góp ý hoàn thiện sản phẩm cho đôi bạn Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai.

YBĐT- Người khuyết tật cả hai tay có thể trở thành thợ may được không? Tôi mang hoài nghi ấy hỏi rất nhiều người nhưng đều nhận được câu trả lời là "không thể”. Ấy thế mà đôi bạn Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai (thành phố Yên Bái) đã cùng nhau tạo ra một chiếc máy may đặc biệt biến điều đó trở thành hiện thực khiến tôi bị chinh phục.

YBĐT - Phần tham luận tại Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Trạm Tấu của lão nông Thào A Sinh, người thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu gây ấn tượng mạnh cho các đại biểu tham dự Hội nghị.

Em Nguyễn Tuấn Huy trong quá trình chế tạo chiếc nồi bảo quản rau, củ, quả trong sinh hoạt.

YBĐT - Để bảo quản các loại thực phẩm, tủ lạnh là giải pháp tối ưu. Nhưng nếu ở những nơi không có điện hoặc không có điều kiện kinh tế để mua được tủ lạnh thì "Nồi bảo quản rau, củ, quả” là một giải pháp đơn giản và hiệu quả. Đó là sáng chế của em học sinh lớp 11A6, Trường THPT Thác Bà (huyện Yên Bình) – Nguyễn Tuấn Huy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục