YênBái - Khởi nghiệp từ đất, ở tuổi 26, Hờ A Dì trên bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã sớm định hướng cho mình tương lai cuộc sống vững vàng hơn rất nhiều so với các bạn trẻ trong vùng khi năng động, tìm tòi gây dựng thành công mô hình kinh tế mà thế mạnh là từ đất và chăn nuôi.
|
Hờ A Dì (giữa) chia sẻ kỹ thuật trồng chanh không hạt với cán bộ Đoàn xã.
|
Trò chuyện với Dì, em bảo: "Em chưa lấy vợ, còn lo làm kinh tế đã. Có kinh tế vững rồi lấy vợ sinh con mới đỡ khổ. Em đã được kết nạp Đảng năm ngoái và năm nay học chính trị để chuyển Đảng chính thức. Em cũng còn phải dành nhiều thời gian tìm tòi học hỏi thêm để có kinh tế vững vàng hơn nữa”.
Tốt nghiệp Học viện Quản lý giáo dục, xin việc khó khăn, Dì trở về bản học cách làm kinh tế. Em tự mình đi tìm hiểu rất nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ trong vùng, rồi lên mạng tìm hiểu kỹ thuật trồng cây chanh không hạt. Năm 2017, Dì chuyển đổi gần 1 ha đất trồng ngô sang trồng chanh không hạt. Nhìn những nụ chanh nở trắng cành, Dì vui vì cây chanh hợp đất lại thuận tiện về nguồn nước tưới nên chi phí đầu tư bớt đi nhiều.
Dì chia sẻ: "Cũng còn vất vả lắm, nhưng trồng chanh không hạt ở huyện Mù Cang Chải mới chỉ có mô hình của em nên cũng hy vọng sản phẩm sẽ có đầu ra tốt”.
Trước khi chọn cây chanh không hạt để thực hiện ý tưởng kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, Dì đã dày công vận động, thuyết phục gia đình vay mượn thêm anh em, đầu tư vốn để nuôi dê.
Dì bảo: người Mông vẫn chưa quen với chăn nuôi hàng hóa. Nuôi lợn, nuôi dê chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt nên ít đầu tư. Mình có điều kiện về đất đai, phát triển chăn nuôi bằng con giống bản địa vừa có giá trị hàng hóa cao, khả năng thích nghi và kháng chịu các loại bệnh dịch lại tốt hơn.
Hiện, nguồn thu nhập chính của Dì là đàn dê 40 con. Mỗi năm từ bán dê thịt, Dì thu về trên 100 triệu đồng; riêng năm 2018, tiền bán dê đã có thêm 110 triệu đồng để đầu tư gia trại. Theo Dì, trồng trọt muốn có hiệu quả cao phải đầu tư phân bón và kỹ thuật. Ý tưởng nuôi dê, trồng chanh sẽ tận dụng triệt để nguồn phân chuồng, chi phí đầu tư hàng năm vì thế cũng giảm bớt.
Đàn dê được phòng bệnh hàng năm nên phát triển tốt. Thêm vào đó, năm đầu, cây chanh không hạt sai hoa đã cho Dì thêm tin tưởng, quyết tâm phát triển kinh tế theo mô hình tiểu trang trại.
Chia sẻ những suy nghĩ của mình, Dì cho rằng: học đại học không khi nào là vô ích. Dẫu không được làm việc theo ngành nghề đào tạo nhưng những kiến thức có được rất cần thiết và nó còn bổ trợ cho mình suốt cả cuộc đời. Chẳng thế, Dì luôn tự hào là người con tiến bộ của bản. Còn một điều mà Hờ A Dì luôn khát khao, ấp ủ, ấy là khi mô hình thử nghiệm cây chanh không hạt của mình thành công, cho hiệu quả kinh tế ổn định, em sẽ vận động dân bản cùng làm theo.
Mong muốn xây dựng được vùng chuyên trồng chanh không hạt như đúng nghĩa cái tên của bản Tà Chí Lừ theo tiếng Mông tức là cây chanh. Nỗ lực học tập và khởi nghiệp của Dì tiêu biểu cho tinh thần thanh niên học và làm theo Bác ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Minh Thúy
Tags
Hờ A Dì
Tà Chí Lừ
La Pán Tẩn
Mù Cang Chải
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của đoàn viên Nguyễn Văn Được, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Rời bỏ công việc giám đốc một công ty xây dựng có tiếng tại thành phố Yên Bái khi bước sang tuổi 60, ông Phạm Văn Quảng quyết định trở về quê hương Lục Yên để trở thành ông chủ vườn cam V2 đạt tiêu chuẩn VietGAP thứ 2 của huyện.
Không chỉ là một giáo viên tâm huyết với nghề, giỏi chuyên môn, được học sinh và đồng nghiệp yêu mến, thầy giáo Trịnh Xuân Biên - Trường THPT Văn Chấn, huyện Văn Chấn còn là Phó Bí thư Đoàn trường năng động, luôn tìm tòi, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đẩy mạnh công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học ngày càng vững mạnh.
Đến xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, du khách dễ dàng bắt gặp một homestay nằm ngay giữa trung tâm xã - vị trí tiện lợi nhất có thể để chiêm ngưỡng cảnh sắc núi non hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp được xếp hạng danh thắng quốc gia. Chủ nhân của homestay này là anh Hảng A Dò.