Từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, sau khi xuất ngũ, ông Nhận tham gia công tác ở xã với cương vị Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca. Đến năm 2015, ông nghỉ chế độ nhưng lại tiếp tục được các đảng viên trong Chi bộ thôn Bản Cọ tín nhiệm bầu Bí thư Chi bộ thôn. Không những làm tốt công tác xã hội mà ông còn mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình.
Khi còn đương chức, đi nhiều nơi, tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm nên ông đã chọn hướng phát triển kinh tế bằng cách làm mô hình tổng hợp (trồng rừng, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả và ươm quế giống). Sau nhiều năm phấn đấu, gia đình ông đã có 2 ha quế, 1 ha bồ đề, mỡ. Bên cạnh đó, ông còn có 2 ao cá, 2 sào vườn trồng bưởi da xanh.
Với mô hình kinh tế này, mỗi năm ông có nguồn thu nhập từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Ông Nhận bày tỏ: "Muốn được cán bộ, đảng viên, nhân dân làm theo mình thì bản thân phải là người nói đi đôi với làm. Do đó, tôi đã cùng vợ con xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp này để tăng thu nhập, ổn định đời sống”.
Là người nhạy bén trong phát triển kinh tế, ngay sau khi xã Hồng Ca triển khai thực hiện việc chuyển đổi đất sản kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, ông Nhận là một trong những người đầu tiên tích cực thực hiện. Năm 2018, ông đã chuyển toàn bộ 11 sào đất ruộng canh tác lúa của mình sang trồng cây dâu, rồi bỏ ra 100 triệu đồng xây dựng nhà xưởng nuôi tằm và 3 lứa tằm đầu tiên đã mang lại hiệu quả cao.
Đồng thời, là người có chí, nhiều kinh nghiệm làm ăn, ông Nhận được bầu là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dâu tằm Hồng Ca. Để không ngừng mở rộng diện tích trồng dâu, ông cùng các thành viên của HTX tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng dâu. Đến nay, HTX Dâu tằm Hồng Ca có 7 thành viên trong Hội đồng Quản trị và 39 gia đình xã viên với 8,5 ha dâu tằm.
Để bảo đảm có đủ giống cây dâu chất lượng phục vụ bà con sản xuất, HTX Dâu tằm Hồng Ca đã phối hợp với Công ty Dâu tằm tơ miền Bắc thực hiện ươm giống cây dâu với diện tích trên 3.600 m2 ngay tại xã Hồng Ca để cung ứng giống phục vụ bà con. Cùng đó, HTX còn phối hợp với ngành chuyên môn mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng dâu, chăm sóc tằm và thu kén cho bà con.
Ông Hà Đức Nhận cho biết: "Để việc trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả cao, chúng tôi đi tham quan các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở các địa phương khác như Tân Đồng, Báo Đáp... Qua đó, giúp chúng tôi tích lũy được nhiều kiến thức và thấy việc trồng dâu nuôi tằm không quá vất vả mà có thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Hiện nay, nhiều hộ đã chuyển đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm”.
Ngoài việc trồng dâu nuôi tằm, ông Nhận còn vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có giá trị kinh tế, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; đồng thời, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào ứng dụng thực tiễn trong sản xuất. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của thôn Bản Cọ trong những năm gần đây đạt 35 triệu đồng/người/năm và là một trong hai thôn có thu nhập bình quân đầu người cao nhất của xã Hồng Ca. Hiện nay, thôn chỉ còn 11% hộ nghèo.
Ông Hà Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho hay: ông Hà Đức Nhận là tấm gương điển hình của xã trong chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, ông đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng dâu nuôi tằm và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ. Cùng đó, ông còn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con trong thôn để cùng nhau thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Chí Sinh