Được tiếp xúc và chứng kiến gia đình làm nghề mộc từ lúc nhỏ nên anh Huynh sớm có những kiến thức cơ bản về nghề mộc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi học hết phổ thông, anh đã nghỉ học và bắt tay vào nghề mộc. Bước vào nghề với biết bao khó khăn thử thách, kinh tế gia đình khó khăn, đồng vốn hầu như không có.
Không nản lòng, anh chăm chỉ học tốt nghề rồi đi làm thuê cho nhiều xưởng mộc lớn trong huyện để học hỏi thêm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường cho đầu ra sản phẩm. Khi đã có kỹ thuật, tay nghề cao, lại được sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2008 anh mạnh dạn mở xưởng sản xuất.
Với số vốn ít ỏi tích lũy được và vay vốn từ ngân hàng 300 triệu đồng, anh Huynh bắt đầu xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc và nguyên vật liệu. Nhà xưởng của anh Huynh được thành lập với quy mô nhỏ, diện tích khoảng 300 m2, chỉ sản xuất hàng mộc dân dụng như: bàn, ghế, đồ thờ, cửa, tủ… Thời gian đầu, xưởng sản xuất của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Anh Huynh cho biết: "Ban đầu, chưa có khách hàng, tôi đem sản phẩm mình làm ra giới thiệu cho những người quen và đem sản phẩm đi bán tại các xã trên địa bàn huyện. Cứ như vậy, sau 3 năm (kể từ khi mở xưởng mộc), tôi đã tạo được lòng tin và có nhiều khách hàng trên khắp các xã, thị trấn trong tỉnh và trả hết nợ vay ban đầu, có vốn để quay vòng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình”.
Bên cạnh đó, anh Huynh không ngừng tìm tòi, học hỏi để tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp thị yếu của người tiêu dùng. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2014, anh đầu tư thêm 20 triệu đồng để mua máy xẻ gỗ.
Năm 2018, anh vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình "Hỗ trợ giải quyết tạo việc làm” của xã để mở rộng quy mô xưởng thêm 80 m2.
Nhờ dám nghĩ, dám làm, chịu khó tìm tòi học hỏi, sau 5 năm, gia đình anh Huynh không chỉ thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương mà còn có thu nhập bình quân mỗi năm đạt từ 100 - 150 triệu đồng khi trừ hết chi phí; giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên, lương 3 triệu đồng/ người/ tháng.
Tâm sự về nghề, anh Huynh cho biết thêm, để có được thành công trong sản xuất, người làm mộc phải giữ được niềm tin vào nghề của mình. Muốn sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường phải lấy được lòng tin của đối tác và khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất là luôn đề cao chữ "tín” và đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy thì mới sống được với nghề.
Đồng chí Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: "Với sự quyết tâm và nỗ lực vượt khó, anh Lê Văn Huynh không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn. Không chỉ năng động phát triển kinh tế, anh Huynh còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người muốn học hỏi nghề làm mộc truyền thống”.
Hải Hà