Nằm ở độ cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, bà con đồng bào Mông xã Suối Giàng chủ yếu sống dựa vào cây chè Shan tuyết và chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Nhận thức được điều này, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, anh Thào đã cùng Ban công tác Mặt trận xã và các thôn cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng bộ, MTTQ huyện và xã thành các chỉ tiêu, nội dung phù hợp với tình hình thực tế để tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực mở rộng diện tích đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; chăm sóc và bảo tồn giống chè Shan tuyết cổ thụ; đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại, xã Suối Giàng đã quy hoạch và phân vùng sản xuất, trong đó, cây chè Shan tuyết được sản xuất tập trung tại các thôn: Pang Cáng, Bản Mới, Giàng A; cây ngô trồng tập trung ở các thôn Giàng B, Kang Kỷ; cây quế trồng tại các thôn Tập Lăng 1, Tập Lăng 2 và Suối Lóp. Chè Shan tuyết Suối Giàng đã xây dựng và đăng ký được nhãn hiệu nên thương hiệu không chỉ lan tỏa trong nước mà còn có mặt ở các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức...
Năm 2006, chè Shan tuyết Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam vinh danh "Thương hiệu chè Việt”; năm 2016 được bình chọn là "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; năm 2017 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố là một trong 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam... Giá trị và vị thế của chè Shan tuyết Suối Giàng được khẳng định, đây chính là thành quả cố gắng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và nhân dân xã Suối Giàng.
Không chỉ giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, anh Thào còn dành nhiều tâm huyết trong việc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn, dòng họ; góp công sức tham gia mở mới, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn; vệ sinh nhà cửa, sân vườn "sáng - xanh - sạch - đẹp”…
Hiện tại, người Mông Suối Giàng đã không còn tục cướp dâu, thách cưới cao, không hôn nhân cận huyết thống; 100% trẻ em trong xã được tới lớp, tới trường; 70% số hộ có xe máy, ti vi và các thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt; 95% hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”. Từ những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc.
Đồng chí Sùng A Thào cho biết: "Để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, hoạt động tại địa phương, là cán bộ mặt trận, tôi luôn "gần dân, sát dân”, thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để khéo léo tuyên truyền, vận động. Thời gian tới, tôi sẽ nỗ lực hơn trong công việc để MTTQ thực sự trở thành nòng cốt tập hợp, đoàn kết các lực lượng, tạo ra sức mạnh to lớn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và tỉnh đề ra”.
Với những đóng góp của mình, anh Thào đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban MTTQ các cấp, UBND huyện Văn Chấn và được bà con nhân dân trong xã tín nhiệm, tin yêu.
Hồng Oanh