YênBái - Từ nguồn măng tươi sẵn có của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lục Yên, chị Vũ Thị Hồng Duyên ở thôn Cửa Hốc, xã An Lạc, huyện Lục Yên đã mạnh dạn thu mua về chế biến măng khô. Đồng thời, chị cũng tích cực tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm.
|
Chị Vũ Thị Hồng Duyên (bên trái) giới thiệu sản phẩm măng khô cho khách hàng.
|
Sinh ra tại xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, từ nhỏ, chị Vũ Thị Hồng Duyên đã gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Năm 2003, về làm dâu ở xã An Lạc, chị Duyên thấy nhiều người dân phải mang măng tươi đi bán xa, giá cả không ổn định nên chị mua gom và sơ chế thành sản phẩm măng khô.
Vào mùa măng từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, gia đình chị lại thu mua và sơ chế theo nhu cầu của thị trường. Các bước sơ chế gồm: luộc chín, bổ, phơi khô, đóng gói. Bình quân mỗi ngày, gia đình chị sơ chế từ 4 đến 5 tạ măng tươi với tỷ lệ 15 kg măng tươi sẽ cho khoảng 1 kg khô.
Học hỏi kỹ thuật cũng như tìm hiểu thị trường tiêu thụ, chị đã sơ chế măng thành các sản phẩm như: măng củ, măng lưỡi lợn, măng lá, măng xé, măng mầm, măng nứa với giá bán từ 100 - 150 nghìn đồng/kg khô.
Chị Duyên chia sẻ: "Để có sản phẩm chất lượng, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu phải tươi, ngon, măng phải được phơi khô tự nhiên, không chất bảo quản, đóng gói kín hút chân không”.
Ngoài đảm bảo chất lượng, chị còn tích cực tìm kiếm thị trường trong và ngoài tỉnh để đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình chị sơ chế và cung ứng cho đầu mối các chợ Đồng Xuân và các chợ tỉnh lẻ từ 5 đến 10 tấn măng khô, đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn luôn tích cực tham gia công tác xã hội. Với vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị đã giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế gia đình từ trồng tre măng Bát độ và tre mai. Năm 2019, có 3 hộ hội viên tại thôn Hàm Rồng đã được hướng dẫn sơ chế măng khô, tăng thu nhập.
Chị Vũ Thị Hòa chia sẻ: "Nhờ được chị Duyên hướng dẫn kỹ thuật sơ chế măng khô, hướng dẫn cách ghi chép và hạch toán kinh tế, năm 2019, gia đình tôi thu được 55 triệu đồng từ măng khô, tăng thêm 20 triệu đồng so với bán tươi”. Hiệu quả thu được từ chế biến măng khô, năm 2019, chị Duyên cùng chị Nguyễn Thị Đào và chị Vũ Thị Hương thành lập tổ hợp tác sơ chế măng mai, măng Bát độ nhằm tăng thu nhập cho các hộ.
Minh Huyền
Tags
Làm giàu
chế biến
măng khô
Lục Yên
An Lạc
Năm 2019, chị được Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tặng Bằng khen tại Chương trình "Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2019”. Đó là chị Đinh Diệu Thúy - Trưởng phòng Điều dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.
Đến thăm mô hình VAC của ông Nguyễn Khánh Toàn, tổ trưởng tổ dân phố 3, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình là một trong những mô hình kinh tế của đảng viên có hiệu quả và tạo được sức lan tỏa trong nhân dân.
Yêu trẻ con từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, ra trường lại công tác tại Khoa Nhi. "Lúc nào chị cũng vui tươi, trách nhiệm, thấu hiểu, cảm thông và tinh tế". Đo là lời nhận xét của đồng nghiệp dành cho nữ bác sĩ Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Yên Bái.
Hơn chục năm trước, vùng núi ở bản Tu San, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải chưa ai biết trồng thảo quả dưới tán rừng thì ông Hờ A Nhà tình cờ được người dân xã Nậm Xay, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai mách cho cách trồng loại cây này.