Tấm lòng của người thầy thuốc cựu chiến binh

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2020 | 8:42:28 AM

YênBái - Người thầy thuốc cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị, mùa Hè 1972 nay lại nỗ lực đóng góp trí tuệ và cả vật chất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.Ông là Đỗ Quang Bình

Cựu chiến binh Đỗ Quang Bình (bên phải) ôn lại những kỷ vật của đời lính.
Cựu chiến binh Đỗ Quang Bình (bên phải) ôn lại những kỷ vật của đời lính.

Chúng tôi được đồng chí Đặng Minh Nhàn - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Trấn Yên đưa đến thăm ông Đỗ Quang Bình, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hiện đang sinh sống tại thôn 4, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên để hiểu hơn những việc làm nghĩa tình, đầy trách nhiệm của một CCB, bệnh binh, người thầy thuốc vẫn sáng mãi phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”.

Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, chàng thanh niên 20 tuổi Đỗ Quang Bình đang là học viên Trường Y tế Yên Bái đã xung phong lên đường nhập ngũ, tình nguyện vào Nam chiến đấu. Tháng 6/1968 ông nhập ngũ và được đào tạo tiếp tại Trường Y Quân khu Việt Bắc. 

Sau đào tạo, với chức danh y sĩ tiểu đoàn ông được biên chế về Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 và cùng đơn vị vào Nam chiến đấu. Từ những trận chiến đấu đầu tiên vào tháng 3/1971, ông tham gia trận đánh Lữ đoàn 3 Nguỵ tại Bản Đông (Đông Hà - Quảng Trị), đơn vị ông đã giành được chiến công vang dội tiêu diệt và bắt sống hơn 700 tên địch. 

Tiếp đến là chiến dịch giải phóng Quảng Trị, mùa Hè 1972 mà nổi bật nhất là trận đánh từ ngày 31/3 đến ngày 2/4/1972 tại cao điểm 241 (Cam Lộ - Quảng Trị) đơn vị ông bao vây, tiến công Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 bộ binh Nguỵ; buộc Trung tá Phạm Văn Đính cùng toàn bộ Trung đoàn phải đầu hàng Quân giải phóng. Trong suốt thời gian giành giật giữa ta và địch tại mặt trận Quảng Trị, ông Bình vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, đồng thời thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ quân y, nhanh chóng tiếp cận sơ cứu, bảo vệ tính mạng cho đồng đội bị thương ngay tại trận địa. 

Cũng chính với nhiệm vụ đó, ông đã bị thương do đạn pháo của địch trong khi đang băng bó, che trở cho đồng đội bị thương ngay trong chiến hào tại cao điểm 235 phía Tây, thị xã Quảng Trị. Với hành động dũng cảm cứu chữa và bảo vệ thương binh, ông Đỗ Quang Bình đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay sau chiến dịch.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông tiếp tục cùng đội hình Sư đoàn 304 cánh quân phía Đông Nam vượt qua Đồng Nai, tiến công vào giải phóng Sài Gòn trong ngày 30/4 lịch sử. Sau ngày giải phóng, ông được chuyển về Sư đoàn 306, Quân đoàn 2 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, hướng Lạng Sơn, đến năm 1984 do vết thương tỷ lệ 16% thương tật và sức khỏe yếu, là bệnh binh với 61% hạng 2/3 ông được xuất ngũ trở về địa phương. 

Với thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu 14 năm trong quân ngũ ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba.

Trở về quê hương, ông được chính quyền địa phương động viên tham gia công tác làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Việt Cường, đây cũng là nhiệm vụ phù hợp với chuyên ngành y mà ông đã có rất nhiều kinh nghiệm từ những năm trong quân ngũ và cũng là nguyện vọng được chăm sóc sức khỏe nhân dân quê nhà bằng chính tinh thần lương y mà ông đã lựa chọn ngay từ khi còn đi học. Rồi với năng lực chuyên môn, ông đã cùng anh em toàn trạm thăm khám và cứu chữa kịp thời hàng chục nghìn lượt bệnh nhân, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã. 

Đến năm 1999, ông được nhân dân thôn 4, xã Việt Cường tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, từ năm 2006 đến 2008 ông giữ chức Bí thư Chi bộ thôn. Trong thời gian công tác tại địa phương, ông đã cùng Chi ủy thôn thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhất là trong Phong trào "Yên Bái chung tay xây dựng nông thôn mới” ông đã vận động bà con trong thôn hiến hàng nghìn mét vuông đất ruộng, vườn để làm giao thông nông thôn, riêng gia đình ông đã hiến 150 m2

Đặc biệt, thời gian vừa qua trong thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc”, cựu chiến binh Đỗ Quang Bình dù tuổi cao, sức khỏe yếu vẫn phát huy tốt vai trò của người đảng viên và lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, ông tìm tòi, cập nhật thông tin về dịch bệnh để tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, bằng 31 bài thơ do ông sáng tác hết sức mộc mạc, thiết thực đã góp phần động viên nhân dân trong thôn cùng tham gia các hoạt động ủng hộ và phòng, chống dịch hiệu quả. 

Hơn thế, ông đã dành một tháng trợ cấp bệnh binh của mình là 3 triệu đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch. Số tiền tuy không lớn, song hơn cả ý nghĩa về vật chất, đó là tấm lòng của một bệnh binh nặng đầy trách nhiệm, nghĩa tình, đau đáu sẻ chia khó khăn, vì cộng đồng, vì việc lớn. 

Những việc làm của người cựu chiến binh ấy khiến nhân dân kính trọng, nể phục, đúng như đánh giá của Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Việt Cường - Phạm Kim Văn: "Ông Bình luôn là một đảng viên mẫu mực, một cựu chiến binh gương mẫu và cũng là một người thầy thuốc tâm huyết, hết lòng chăm lo cho sức khỏe của cả cộng đồng”. 

Lại Tấn

Tags Đỗ Quang Bình người thầy thuốc cựu chiến binh Trấn Yên

Các tin khác
Công tác phối hợp tuyên truyền lồng ghép công tác DS-KHHGĐ ở Xuân Long được chị Hướng tham mưu và thực hiện tốt trong nhiều năm qua.

"Bí quyết” để chị Hứa Thị Hướng, cán bộ phụ trách công tác dân số xã Xuân Long, huyện Yên Bình làm tốt vai trò của một cán bộ phụ trách công tác dân số trong 10 năm qua là phải "gần dân, bám địa bàn”, thường xuyên đến các thôn, nắm rõ từng đối tượng và có cách tiếp cận phù hợp.

Gia đình anh Lò Văn Toàn được chị Đinh Thị Điệp kết nối hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới và trao tặng vật nuôi có giá trị.

Với mong muốn giúp đỡ những người hay những gia đình khó khăn, gặp rủi ro, hoạn nạn..., nữ cán bộ trẻ công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Chấn Đinh Thị Điệp đã bỏ nhiều công sức kêu gọi, kết nối nguồn lực hỗ trợ và thực hiện được nhiều hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa.

Nhờ nuôi cá, mỗi năm ông Lan thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Ở thôn Thác Cái, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông Trần Xuân Lan được đánh giá là mô hình hiệu quả với tổng mức thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Chị Lê Kim Anh, thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cùng số tiền 7 triệu đồng nhặt được đã trả lại cho người đánh mất.

Khoảng 16 giờ ngày 14/4, trên đường đi làm về, chị Lê Kim Anh người dân ở thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã nhặt được 7 triệu đồng tại chốt kiểm dịch y tế của thôn và tìm cách trả lại cho người đánh mất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục