Đã từng trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con bởi ông cho rằng phải luôn nắm bắt được nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng là cần gì, muốn gì. Nắm bắt thị trường để mình là người đi trước, làm trước.
Đã lựa chọn được hướng đi, bản thân mình lại phải yêu nghề, dành trọn công sức và tâm huyết với nghề thì mới có thể thành công khi sản xuất ra sản phẩm tốt, chất lượng cao.
Sau một lần đi ăn nhà hàng cùng bạn bè, ông Cầu tình cờ biết đến món ốc. Ông Cầu nhận thấy có tiềm năng phát triển nên ngay sau đó đã đi tham quan các mô hình nuôi ốc, tìm hiểu thêm nhu cầu thị trường ở Yên Bái, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn.
Ốc bươu đen, ở Yên Bái gọi ốc nhồi, là lựa chọn cuối cùng của ông với các ưu điểm: phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; khỏe mạnh, ít bệnh; ăn tạp; thịt giòn, ngọt vị, lượng protein cao.
Tháng 3 năm 2016, ông Cầu mua 3 triệu đồng tiền ốc bố mẹ, 3 triệu đồng tiền ốc con nuôi thử nghiệm. Ốc bố mẹ ông nuôi ở ao rộng 200 m vuông, nuôi ốc con thương phẩm ở ao rộng 1.300 m vuông phía trước cửa nhà.
Tùy mùa, nuôi ốc thương phẩm khoảng 3 - 4 tháng là được xuất bán, nuôi ốc bố mẹ 6 tháng là đẻ.
Nuôi ốc con thương phẩm, ông phải chú ý chăm ăn cẩn thận. Ốc con ăn cám gạo quãi sống, lá sắn thái nhỏ và quả bầu, quả bí, quả mướp thái vát nhỏ, đặc biệt là phải có bèo tấm. Nuôi ốc bố mẹ, thức ăn cũng không khác nhưng không cần thái nhỏ và có thể ăn thêm rau muống, lá mon, củ khoai, củ sắn tươi…
Với cả ốc bố mẹ và ốc thương phẩm, lượng thức ăn không ít quá vì không đủ dinh dưỡng nhưng cũng không nhiều quá vì nếu dư thừa sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, sinh bệnh cho ốc. Lượng nước bảo đảm vừa đủ nhưng hàng tháng phải tiến hành thay nước cho ao nuôi.
Tháng 7 năm 2016, ông Cầu thu lứa ốc thương phẩm đầu tiên, còn ốc bố mẹ sau đó vừa bán giống vừa để nuôi tiếp tại gia đình. Ốc thương phẩm lúc đó, ông bán ngay thị trường Yên Bái, giá 100.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí nuôi thử năm đầu tiên cho ông Cầu lãi 50 triệu đồng.
Đã từng nuôi trâu, bò, lợn, cá giống, ông Cầu cho biết nuôi ốc thương phẩm, ốc giống nhàn hơn nhiều.
Rút kinh nghiệm từ lứa đầu tiên, tránh bị chuột ăn ốc và tránh làm nước bị nhiễm khuẩn, ông đã làm cỏ quanh bờ nuôi thật quang đãng và làm giá thể cho ốc đẻ bằng tre khô.
Sang năm 2017, ông Cầu quyết định mở rộng quy mô nuôi ốc gấp 3 lần so với năm đầu tiên. Hệ thống rãnh thoát nước của diện tích trồng chanh tứ thời đã được ông tập trung cải tạo, tận dụng nuôi ốc hết sức thuận tiện.
Ốc nhồi tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao với nhu cầu thị trường lớn nên ông không ngừng mở rộng quy mô chăn nuôi trong năm 2018, năm 2019. Năm 2019, ông đút túi 300 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí.
Đầu năm 2020, tiếp tục mở rộng 6 sào rãnh thoát nước trồng chanh, ông đã nâng tổng diện tích nuôi ốc lên khoảng 0,5 ha. Riêng 6 tháng đầu năm nay, ông Cầu thu trên 600 triệu đồng, trong đó chủ yếu từ tiền bán ốc giống, bán trứng với mức giá 700.000 đồng - 1,5 triệu đồng/kg, ốc bố mẹ bán giá 200.000 - 300.000 đồng/kg.
Nếu như ốc thương phẩm bán tập trung ở thị trường Yên Bái thì ốc giống đã đi xa hơn tới các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nam Định, Vĩnh Phúc…
Ông Cầu không giấu diếm niềm vui: "Với nhà nông mà nói, sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy thì sung sướng lắm, nhất là còn mang lại cho mình thu nhập cao nên càng làm càng ham!”.
Nguyễn Thơm