Người phụ nữ muốn lan tỏa tình yêu thương
- Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2020 | 7:38:05 AM
YênBái - Chị ấy thật trẻ trung và làm chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh và sơn làm ăn khá phát đạt nhưng tôi muốn kể về chị - một phụ nữ có tấm lòng rộng mở, tích cực làm từ thiện. Đó là chị Trần Thị Hồng - chủ doanh nghiệp Thành Hồng ở phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái.
Chị Trần Thị Hồng tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam.
|
Vừa trở về từ miền Trung, chị lại tất tả mua áo ấm và sách vở để kịp lên tặng cho các cháu học sinh ở Đại Sơn và Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Phải khó khăn lắm tôi mới hẹn gặp được chị bởi công việc kinh doanh vốn đã vất vả, chị còn thường xuyên tham gia các đoàn từ thiện.
Ở nhà, chị còn phải lo cho các con vì chồng là bộ đội nên thường xuyên vắng nhà. "Tôi đồng ý lên báo không phải vì danh mà tôi muốn thông qua tờ báo Đảng để lan tỏa tình yêu thương” - chị Hồng cười rất tươi và mở đầu câu chuyện như vậy.
Từ thiện phải xuất phát từ tâm và không màng danh lợi nhưng tình yêu thương cần được lan tỏa để cuộc sống tốt đẹp hơn! Vậy mới có những hành động đẹp trước sự đau thương và hoàn cảnh khốn khó. Chị Hồng xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, chồng chị là chiến sĩ Trung đoàn 931, Sân bay Yên Bái. Anh chị có hai con nhỏ đang học phổ thông.
Có lẽ, cuộc sống sẽ bình lặng hơn khi anh chị đã có thu nhập ổn định, các con đều ngoan khỏe. Là người phụ nữ năng động, chị Hồng lại nghĩ khác, chị muốn phụ nữ Việt Nam hiện đại phải vươn lên trong cuộc sống nên mạnh dạn chuyển sang lĩnh vực kinh doanh với ngành nghề chính là cung cấp vật liệu xây dựng với các dòng sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh và sơn tường.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp của chị đã ổn định. Hai cửa hàng gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh và sơn ở phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc luôn tấp nập khách ra vào, doanh thu tăng dần qua thời gian, đội ngũ nhân viên kinh doanh có việc làm, thu nhập khá và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Khi có những bước đi thành công ban đầu trên lĩnh vực kinh doanh, chị Hồng suy nghĩ: "Mình là người may mắn. Tuy nhiên, cuộc sống còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và phải chia sẻ khó khăn với họ”.
Nghĩ là làm, chị tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo tại địa phương, nhiệt tình đóng góp các khoản vận động quyên góp do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ của phường Nguyễn Thái Học (nơi chị cư trú) và phường Nguyễn Phúc (nơi chị kinh doanh). Đặc biệt, khi thiên tai khiến nhiều người mất nhà, hư hỏng tài sản, hoa màu xảy ra ở Văn Chấn, Mù Cang Chải, chị sẵn lòng ủng hộ tiền hàng và tham gia các đoàn cứu trợ.
Bất chấp mưa bão, đường đi lại khó khăn, chị lặn lội lên tận bản Mông ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải mang theo gạo, mì, nước mắm và quần áo cho đồng bào. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ vừa qua, chị Hồng cùng các bạn quyên góp được 150 triệu đồng mua gạo, mì, đồ dùng sinh hoạt, thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình vào tận vùng sâu, vùng xa để sẻ chia khó khăn với đồng bào. Trở về từ khúc ruột miền Trung, chị lại về xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ để tặng 10 suất quà mỗi suất 1 triệu đồng cho 10 cụ già neo đơn và 20 suất cho 20 cháu tật nguyền là nạn nhân chất độc màu da cam. Chưa kịp nghỉ ngơi, nhận được lời đề nghị lên vùng cao Đại Sơn, Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên để tặng áo ấm cho các em học sinh, chị lại lên đường. Sẽ còn rất nhiều việc làm từ thiện nhân đạo khác mà chị Trần Thị Hồng đang hướng tới với tấm lòng rộng mở và chan chứa yêu thương.
Trời sang đông, cái lạnh đầu mùa sẽ bớt đi vì cuộc sống còn rất nhiều hơi ấm từ những tấm lòng chan chứa yêu thương!
Lê Phiên
Các tin khác
Tròn 28 năm gắn bó với ngành kiểm sát, là người của nhiều sáng kiến, chuyên đề nghiệp vụ; nữ đảng viên sinh năm 1973 cũng thường có duyên tham gia và đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi lớn do Trung ương và địa phương tổ chức chưa kể cũng nổi bật không kém với các hoạt động thiện nguyện.
Chị Tướng Thị Thuyết - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Tý, xã Phúc An (Yên Bình) đã thành công với mô hình kinh tế tổng hợp và trở thành địa chỉ để chị em chia sẻ kinh nghiệm.
Phát huy đúng nghề mình đã học, kỹ sư trẻ Lê Anh Tuấn là người đang được thử thách ở nhiều vị trí lãnh đạo cơ sở, đóng góp đặc biệt trong phát triển nông lâm nghiệp của địa phương.
Đó là Cựu chiến binh (CCB) Trần Cao Thắng ở thôn Bản Nả, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tấm gương điển hình trong Phong trào thi đua Cựu chiến binh “gương mẫu” ở địa phương.