Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2021), 16 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2021), 75 năm Ngày thành lập Công an tỉnh Yên Bái (16/8/1946-16/8/2021)

Học Bác “tận hiếu với dân”

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/8/2021 | 7:39:32 AM

YênBái - Thu Hương đã xóa tan tưởng tượng của tôi về một "bông hồng thép” cá tính, nghiêm nghị với nước da nâu và… chắc chắn trông phải rất "khọm già”… ngay phút đầu gặp gỡ. Đó là nữ Trung tá Đinh Thị Thu Hương- Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Trấn Yên - đơn vị dẫn đầu tỉnh về thực hiện hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân.

Trung tá Đinh Thị Thu Hương cùng đồng nghiệp băng rừng, lội suối đi cấp thẻ căn cước công dân cho người dân trong huyện.
Trung tá Đinh Thị Thu Hương cùng đồng nghiệp băng rừng, lội suối đi cấp thẻ căn cước công dân cho người dân trong huyện.


Nếu Yên Bái là đơn vị Công an cấp tỉnh dẫn đầu cả nước trong thực hiện hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD) do Bộ Công an triển khai, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen thì Trấn Yên là đơn vị dẫn đầu địa phương, được Giám đốc Công an tỉnh biểu dương, ghi nhận.

Kết quả đó là sự đồng tâm, đoàn kết, sáng tạo và cố gắng của tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Trấn Yên, điển hình là tấm gương học Bác "tận hiếu với dân” của nữ Trung tá, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Đinh Thị Thu Hương.

Những ngày tháng Tám đầy ắp hoạt động chào mừng Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) (19/8/1945-19/8/2021), 16 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2021), đặc biệt là 75 năm Ngày thành lập Công an tỉnh Yên Bái (16/8/1946-16/8/2021). Hòa vào niềm vui chung của lực lượng Công an và những lời giới thiệu về điển hình từ cơ sở, chúng tôi đã tới Công an huyện Trấn Yên để gặp nữ Đội trưởng được dân tin, dân yêu nhờ thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Quả thực, Thu Hương đã xóa tan tưởng tượng của tôi về một "bông hồng thép” cá tính, nghiêm nghị với nước da nâu và… chắc chắn trông phải rất "khọm già”… ngay phút đầu gặp gỡ. Đó là một cô gái có dáng người dong dỏng, xinh xắn, nước da trắng hồng, đôi mắt sáng và vô cùng thân thiện, gần gũi dù đang rất bộn bề với việc sắp xếp, chuyển trả khối lượng lớn thẻ CCCD và liên tục những cuộc điện thoại về công việc.



Trung tá Đinh Thị Thu Hương 

Sinh ra trong một gia đình bố làm nhà giáo, mẹ làm ngân hàng nhưng Hương và anh trai lại theo ngành Công an. Có lẽ vì mê hình ảnh người chiến sĩ CAND từ nhỏ nên cô chọn Trường Trung học Cảnh sát nhân dân I dù thi đỗ và đã vào học gần 2 tháng tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. 

Năm 1999, cô về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh, rồi Công an thành phố, làm cảnh sát khu vực phường Yên Thịnh, Hồng Hà. Năm 2004, trở lại Đội Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Yên Bái và năm 2009, được điều sang Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Cuối năm 2019 đến nay, về làm Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Trấn Yên. 

Nhìn vào chiếc giá tự tạo để sắp xếp những tấm thẻ CCCD của 21 xã, thị trấn theo thứ tự từ vùng cao tới vùng thấp và trình tự các thôn, bản trong từng xã của huyện nông thôn mới Trấn Yên, mới thấy tính khoa học, sáng tạo và năng động của Đinh Thị Thu Hương trong công việc. Song, cô chỉ coi đó là việc bình thường, "ai cũng làm được”, kể cả kết quả vượt khó hoàn thành nhiệm vụ cấp thẻ CCCD đứng đầu tỉnh, cô cũng khiêm tốn: "Đã là nhiệm vụ thì công an huyện nào cũng phải hoàn thành, nhất là nhiệm vụ được phục vụ nhân dân”.

- Áp lực công việc lớn, lực lượng mỏng, địa bàn rộng, bí quyết nào giúp Đội của Hương hoàn thành nhiệm vụ? - tôi hỏi. 

- Về nhân sự, chúng tôi báo cáo lãnh đạo Công an huyện chọn 20 cán bộ trẻ, năng động, biết sử dụng thành thạo máy tính, có ý thức, trách nhiệm. Sau đó, họp quán triệt nội dung nhiệm vụ và xác định rõ mục tiêu của chiến dịch lần này là mình cần dân giúp chứ không phải mình đến giúp dân.

- Thiết bị phương tiện ít, thời tiết, dịch bệnh phức tạp, có trường hợp người dân chưa hợp tác, trong khi cán bộ trẻ, nhiều buổi làm việc thông đêm, làm sao tránh va chạm hay to tiếng với nhân dân?

- Ngoài chọn những anh em chưa lập gia đình để trực ca đêm, chúng tôi phải chọn những anh em có thể lực tốt để vượt suối, trèo đèo, mang phương tiện, máy móc tới tận thôn, thâm chí tận hộ, để phục vụ bà con, nhất là những đối tượng yếu thế, bệnh tật. Tập thể Đội đều coi đây là dịp để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an vì nhân dân phục vụ, dựa vào nhân dân để công tác như lời Bác dạy. Cá nhân tôi cũng chỉ đạo anh em về cơ sở phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân. Khi bắt đầu có dịch bệnh Covid-19, cũng là lúc chúng tôi phải hoàn thành cấp thẻ CCCD ở những điểm cuối cùng trong huyện. Do đó, hành trang mang theo ngoài máy móc, thiết bị, lương thực còn có khẩu trang, nước sát khuẩn phát cho nhân dân, đảm bảo thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. 

Quán triệt phương châm: "Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an” gắn với lời dạy của Bác: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong chỉ đạo điều hành, người nữ Đội trưởng ấy còn luôn gắn việc thực hiện Chỉ thị số 04 của Bộ Công an và Cuộc vận động học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND và xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, Đinh Thị Thu Hương đã và đang làm lan tỏa rộng rãi hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của người chiến sĩ CAND Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung tới đồng bào nhân dân các dân tộc trong thực thi nhiệm vụ ở địa phương. 

Theo đó, quá trình cấp thẻ CCCD tại 21 xã, thị trấn trong huyện, Trung tá Đinh Thị Thu Hương đã điều chỉnh, cải tiến, đổi mới lề lối làm việc của toàn Đội, đảm bảo thuận lợi nhất cho nhân dân, thắt chặt tình cảm của nhân dân với Công an. "Được dân tin, dân ủng hộ nên mặc dù 2 giờ sáng, chúng tôi vẫn mời được đồng bào đến xếp hàng giãn cách để thực hiện nhiệm vụ cấp thẻ CCCD” – Trung tá Hương tâm sự.  

Được biết, để hoàn thành nhiệm vụ, chị đã phân công anh em bám địa bàn, rà soát, phân loại đối tượng cấp CCCD để tiến hành theo hình thức cuốn chiếu cho các đối tượng chính sách, ban thường vụ các xã, thị trấn, cán bộ, công nhân viên, học sinh, các cơ quan, doanh nghiệp theo địa bàn, người có uy tín ở 100% số xã, thị trấn trước. 

Đối với đơn vị lực lượng vũ trang như Nhà máy Z183, Trại giam Hồng Ca, Đội bố trí vào tận nơi để làm. Sau đó, thực hiện cấp đại trà cho nhân dân trong huyện. Địa bàn rộng, dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, cả Đội chỉ có 2 chiếc máy phải chia thành 2 tổ ở 2 địa điểm riêng, đảm bảo chỉ tiêu 400-500 hồ sơ/ngày khiến Đội trưởng phải liên tục di chuyển đến hai địa điểm để chỉ đạo và kịp thời xử lý ngay các tình huống phát sinh tại cơ sở. 

Để phục vụ nhân dân được chu đáo, tiết kiệm thời gian chờ đợi của bà con, hạn chế bức xúc không đáng có khi xếp hàng, Trung tá Hương đã có sáng kiến ưu tiên các đối tượng thuộc diện chính sách, người có uy tín, người già trên 70 tuổi và phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi cấp trước 22 giờ. 

Đồng thời, khoán người, khoán việc cho cán bộ, chiến sĩ phối hợp với trưởng thôn, công an xã đánh số thứ tự cho từng xã, từng hộ vừa để người dân chủ động thu xếp công việc gia đình đến tham gia làm thủ tục vừa nâng cao tính khoa học, chính xác, chủ động, tạo khí thế thi đua và hoàn thành sớm tiến độ cấp thẻ. 

Với những đối tượng già yếu, bệnh tật, neo đơn không thể ra nhà văn hóa thôn, chị đã linh hoạt tổ chức cho cán bộ mang máy tới tận nhà cấp lưu động khiến người dân rất hài lòng. Với các đối tượng đi làm ăn xa, chị tham mưu cho cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch vận động người dân về tham gia kịp tiến độ. Tại các thôn người Mông vùng sâu như: Đồng Ruộng (Kiên Thành); Khe Ron, Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Hồng Tiến (Hồng Ca)…, chị tham mưu cho lãnh đạo xã và trưởng thôn đến tận nhà vận động dân thu xếp thời gian cuối buổi chiều đến nhà văn hóa thôn để cán bộ làm thông tới sáng.

Theo đó, thống kê đủ số người, chị cùng anh em chuẩn bị sẵn hơn 300 suất ăn miễn phí dặn trưởng thôn thông báo cho bà con để những người đi nương về muộn có thể tới làm ngay và được phục vụ ăn uống tại chỗ.

Trung tá Đinh Thị Thu Hương chia sẻ: "Khi chúng tôi mang đồ ăn vào đã thấy bà con đã chuẩn bị hai thùng quân dụng khoảng 100 lít đang đun nước sôi. Vậy là cả tổ bắt tay vào làm ngay, một số anh em cùng với xã tham gia công tác hậu cần, kê bàn ghế ra sân nhà văn hóa. Người biết tiếng Mông cùng trưởng thôn phiên dịch, điều hành giãn cách cấp thẻ. Hộ nào mang theo trẻ nhỏ, chúng tôi chuẩn bị sẵn cả bánh kẹo cho các cháu. Vậy là người chờ đến lượt sẽ ăn trước, người làm xong ra ăn sau. Cứ thế, 2 chiếc máy và cả đội làm việc hết công suất cho tới 6 giờ sáng hôm sau, nhưng tất cả đều vui vì nhiệm vụ đã hoàn thành”. 

Quả thật, khi tất cả mọi hành động, việc làm của cán bộ, chiến sĩ Công an luôn vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân với tinh thần "lấy niềm vui của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”, khi ấy hạnh phúc và sự tin yêu của người dân sẽ là nền móng vững chắc xây nên hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ CAND. 

Phẩm chất cao đẹp ấy hội tụ và ngời sáng qua tư tưởng, đạo đức, phong cách gần dân, trọng dân mà người nữ Đội trưởng Đinh Thị Thu Hương đã thấm nhuần nhờ học Bác ngày càng được phát huy, lan tỏa tới anh em chiến sĩ và nhân dân trong huyện. "Thành công ấy, ngoài sự giúp đỡ, chia sẻ của người bạn đời, cũng là người đồng nghiệp ở Đội Kỹ thuật Hình sự Công an thành phố Yên Bái, có lẽ còn nhờ quá trình tu dưỡng, phấn đấu và gắn bó với nhân dân từ khi còn là cảnh sát khu vực ở hai phường của thành phố Yên Bái” - Thu Hương chia sẻ. 

Nhiều năm liên tục được Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái tặng Bằng khen. Song, với cô gái sinh năm 1979 hết lòng "tận trung với Đảng, tận hiếu với dân” ấy, tấm bằng khen quý giá nhất chính là tình cảm yêu mến của đồng chí, đồng nghiệp và đồng bào nhân dân các dân tộc nơi vùng cao Yên Bái đã dành cho.

Thanh Hương

Tags Công an huyện Trấn Yên Học Bác căn cước công dân công an tỉnh quản lý hành chính về trật tự xã hội nữ trung tá Đinh Thị Thu Hương Cảnh sát quản lý hành chính

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục