Sùng Thành Công - Chủ tịch xã 8X trưởng thành từ Đề án 11

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/9/2021 | 8:10:11 AM

YênBái - "Vùng cao" thường mặc định bởi nhiều khó khăn, với những địa phương ở nơi "cao tít hút" như Mù Cang Chải lại càng chồng chất, vậy mà nay đã có bước chuyển mình rõ nét. Đó là nhờ những cán bộ "đi ra” từ Đề án 11 sẵn sàng đối mặt công việc "nhiều như lá táo rừng" ở địa phương như Sùng Thành Công - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha.

Đồng chí Sùng Thành Công - Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn (nay là Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha), đại diện chính quyền, nhân dân xã nhận Bằng khen của Chủ tich UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2019.
Đồng chí Sùng Thành Công - Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn (nay là Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha), đại diện chính quyền, nhân dân xã nhận Bằng khen của Chủ tich UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2019.

Con đường mòn ngoằn ngoèo, khúc khuỷu ngày nào lên bản Thào Chua Chải giờ được trải bê tông phẳng phiu. Trời thu, không khí vùng cao mát lẹm, cảnh vật hữu tình; những vạt nắng trải rộng trên các thửa ruộng bậc thang vàng ruộm tạo lên bức họa thiên nhiên tuyệt đẹp… 

Chừng 15 phút chạy xe máy, chúng tôi đã đến điểm hẹn với đoàn công tác của Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha Sùng Thành Công. Chàng thanh niên đúng chất trai rừng với dáng người đậm, nước da ngăm đen, nụ cười thân thiện chính là Chủ tịch Công theo lời đồng chí Phạm Văn Quynh - Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện giới thiệu. 

Sau cái bắt tay thật chặt, tôi hỏi: 

- Công việc ở địa phương mới như thế nào, đồng chí Chủ tịch? 

- Nhiều như lá táo rừng vậy! Làm cán bộ cơ sở phải sâu sát, lắng nghe, gần dân, trọng dân… không thì cái tay, cái chân, cái đầu của bà con mình cũng khó đấy! Mình là người đồng bào, hiểu tiếng đồng bào lại được tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy nên công việc cũng dễ dàng hơn” - Chủ tịch Công chia sẻ. 

Những năm trước, theo chỉ đạo của huyện, các diện tích lúa trên ruộng bậc thang phải qua 20/9 mới tiến hành gặt để phục vụ cho các hoạt động du lịch và khách tham quan. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đồng bào tiến hành gặt sớm và chuẩn bị làm đất trồng vụ đông. Chuyến công tác của đồng chí Chủ tịch UBND xã đợt này là trực tiếp "3 cùng” chung tay giúp đồng bào thu hoạch lúa. 

Sau đó, đoàn sẽ tiếp tục lên các bản: Trống Tông, Dề Thàng, Háng Chua Xay kiểm tra công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. "Năm 2025, xã Chế Cu Nha phấn đấu ra mắt nông thôn mới, song vấn đề vệ sinh môi trường đang khó khăn nhất nên phải triển khai ngay từ bây giờ” - Chủ tịch Công bộc bạch.

Đồng chí Sùng Thành Công sinh năm 1988 là con thứ 9 trong một gia đình thuần nông có 10 anh chị em ở bản Tà Dông, xã Chế Tạo. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng cha mẹ Công luôn tạo mọi điều kiện để con cái được học hành đầy đủ.

Chính điều đó giúp Công được tham gia học tập ở môi trường tốt ngay từ nhỏ. Với thành tích học tập tốt, Công được xét tuyển và tham gia học THPT tại Ban Phổ thông Dân tộc Nội trú, Đại học Lâm nghiệp ở Xuân Mai (Hà Tây cũ nay là thành phố Hà Nội). Sau đó, Công tiếp tục thi đỗ vào Đại học Lâm nghiệp.

4 năm nỗ lực học tập, từ một cậu bé người Mông ở xã xa nhất, nghèo nhất của tỉnh Yên Bái, Công đã trở thành kỹ sư lâm nghiệp. "Cha mẹ tôi cả cuộc đời không chữ để đổi cái chữ cho mình. Vì vậy, mình phải chăm chỉ học tập xứng đáng với công ơn cha mẹ dành cho” - đồng chí Công chia sẻ. 

Tháng 5/2011, Công được nhận vào công tác tại Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy (nay là Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra huyện). Tại đơn vị mới, Công tham gia công tác thuộc lĩnh vực kiểm tra, giám sát, tham mưu các ý tưởng, sáng tạo, sáng kiến trong hoạt động nghiệp vụ. 

Với sự cầu thị, ham học hỏi, thời gian công tác tại đây, Công đã tham mưu cho thủ trưởng đơn vị tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng chuyên môn của cán bộ làm công tác kiểm tra tại cơ sở; lựa chọn chuyên đề để tập huấn, hướng dẫn cán bộ kiểm tra khi sâu sát với công việc tại cơ sở… Đến tháng 12/2014, Công được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện bầu làm Ủy viên Ban Kiểm tra Huyện ủy.

Đề án số 11 của Tỉnh ủy về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” là điểm nhấn đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ của tỉnh thời gian qua. Những cán bộ "đi ra” từ Đề án đã khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng việc lựa chọn để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm… Đồng chí Sùng Thành Công - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải là một điển hình như vậy.

Ngay khi Tỉnh ủy triển khai Đề án 11, Sùng Thành Công là người được Huyện ủy Mù Cang Chải đưa vào danh sách lựa chọn đầu tiên. 

Đồng chí Giàng A Vừ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải khẳng định: "Cán bộ tham gia Đề án phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; chấp hành nghiêm mọi quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu trong công tác cũng như trong cuộc sống; phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ năng lực, có sức khỏe, uy tín và có triển vọng phát triển… 

Dựa trên các tiêu chuẩn, tôi khẳng định, đồng chí Sùng Thành Công rất xứng đáng tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy”. Đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo huyện, khẳng định năng lực bản thân, Công đã xuất sắc vượt qua các vòng thi tuyển để có mặt trong danh sách những cán bộ tham gia Đề án 11. 

"Cả huyện có 5 cán bộ được cử tham gia thi tuyển Đề án 11, mình là 1 trong 2 người trúng tuyển. Lúc đó vui mừng lắm, tự hứa với bản thân phải nỗ lực, cố gắng hơn, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo huyện và người thân!”- Sùng Thành Công nhớ lại.

Sau khi tham gia Đề án, Công đã được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, đến tháng 5/2020 được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn. 

- Vừa "đi ra” từ Đề án đã được lãnh đạo huyện tin tưởng "ném” vào thực tiễn công việc ngay, đồng chí có gặp khó khăn gì không? 

- Điều đó là chắc chắn rồi! Song, kiến thức, kinh nghiệm từ lý luận đến thực tiễn tham gia Đề án đã giúp tôi có cái nhìn bao quát, tổng thể hơn trong xử lý công việc.

- Đồng chí đã áp dụng được những gì qua lớp Đề án khi công tác ở xã La Pán Tẩn?

- Khi tham gia nghiên cứu thực tế về kỹ năng quản trị tại Tập đoàn LG, thành phố Hải Phòng, tôi đã lĩnh hội được phương châm làm việc của họ: "Nếu ta thực sự nỗ lực, nói đi đôi với làm thì không có gì là không thể”. 

La Pán Tẩn có rất nhiều lợi thế để giúp đồng bào phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, là chuyến thực tế tại Vân Nam, Trung Quốc, tôi học được kinh nghiệm và kỹ năng lãnh đạo của người quản lý. 

Đơn cử, trong công tác giảm nghèo, chúng ta phải phân công cán bộ chịu trách nhiệm từng bản, từng hộ và trực tiếp "cầm tay chỉ việc” giúp người dân phát triển kinh tế. Cán bộ phụ trách đến khi bản này, hộ kia thoát nghèo mới được "rút về”. Quan trọng hơn cả, phải để dân tin, dân trọng, dân ủng hộ, có như vậy mới thành công. 

Lý luận đi đôi với thực tiễn, đồng chí Công cùng Thường trực Đảng ủy xã đề nghị các đồng chí trong Ban Chấp hành chủ động rà soát, kiểm tra các hộ làm du lịch cộng đồng và hỗ trợ vốn không lãi suất 20 triệu đồng/hộ để sửa nhà, xây dựng thêm các công trình vệ sinh; phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, Pháp… 

Qua đó, không ít người dân có thể giao tiếp với du khách bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Đồng thời, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, người dân La Pán Tẩn đã kết nối với các công ty lữ hành tích cực quảng bá về những điểm nổi bật của địa phương cũng như các homestay của mình trên nhiều trang web về du lịch uy tín, mạng xã hội Facebook. Đến nay, những người làm du lịch thành thạo trong hỗ trợ tư vấn dịch vụ, đặt phòng trực tuyến, kêu gọi vốn đầu tư… 

Không chỉ trồng lúa, diện tích ruộng bậc thang cũng được luân phiên trồng lúa mì để nâng cao kinh tế, thu hút du khách. Nhờ phát triển du lịch, năm 2020, tỷ lệ giảm nghèo toàn xã La Pán Tẩn đạt 10%; thu nhập bình quân đạt 15 - 20 triệu đồng/người/năm…



Đồng chí Sùng Thành Công  thay mặt thường xuyên họp với cán bộ chủ chốt xã Chế Cu Nha để kịp thời triển khai công việc.  

Đến tháng 7/2020, đồng chí Sùng Thành Công tiếp tục được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động về công tác tại xã Chế Cu Nha giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Sùng Thành Công được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. "La Pán Tẩn và Chế Cu Nha về cơ bản có nhiều điểm chung trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về du lịch. Song, điểm mạnh của Chế Cu Nha chính là kinh doanh các sản phẩm du lịch và nông sản phục vụ du khách và người dân địa phương” - đồng chí Công cho biết. 

Sau hơn một năm ở xã Chế Cu Nha, Chủ tịch UBND xã Sùng Thành Công đã nắm bắt rất tốt những vấn đề của địa phương. 

Thứ nhất, đến năm 2025, xã phải ra mắt nông thôn mới, qua phân tích, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề vệ sinh môi trường. 

Theo đó, ngoài tham gia "Ngày thứ 7 cùng dân”, các đồng chí phụ trách các bản hàng tuần, hàng tháng phải đi kiểm tra, nắm tình hình, giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào làm tốt tiêu chí này. 

Thứ 2, tập trung các mô hình du lịch cộng đồng, tiến tới xây dựng bản người Mông làm du lịch tham quan. Đối với nội dung này, các đồng chí cán bộ chủ chốt, bí thư, trưởng các thôn, bản rà soát lại các hộ, lập danh sách, hỗ trợ kinh phí xây dựng lại… đảm bảo đúng với tiêu chuẩn về du lịch cộng đồng. 

Thứ 3, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là mặt hàng thổ cẩm của người Mông; thành lập các hợp tác xã sản xuất nông sản sạch như: bắp cải, bí, dưa… thay thế cho các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả; tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng các tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng… 

Chủ tịch UBND xã Sùng Thành Công chia sẻ: "Công việc nơi đây nhiều. Vì vậy, nếu không thật sự sâu sát, gần dân thì không thể đưa ra được những quyết sách đúng đắn”. 

"Ban Thường vụ Huyện ủy điều động đồng chí Công về công tác tại xã Chế Cu Nha là như vậy! Chế Cu Nha phải ra mắt nông thôn mới vào năm 2025” - đồng chí Phạm Văn Quynh khẳng định. Từ những quyết sách đúng, trúng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh địa phương, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 15 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện còn trên 30%; 100% các bản có đường xe máy; trên 90% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 4/5 bản đạt bản văn hoá; 96% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 2/5 bản đạt 9/15 tiêu chí; xã đạt 9 tiêu chí nông thôn mới.

Chế Cu Nha đã đạt những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Vẫn còn nhiều lo lắng khi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chất lượng cuộc sống của đồng bào còn khó khăn, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn, tuy nhiên, với năng lực cùng tinh thần trách nhiệm, tin tưởng rằng, đồng chí Sùng Thành Công cùng lãnh đạo xã sẽ gặt hái thêm nhiều thành công.
Ngọc Sơn

Tags Sùng Thành Công Đề án 11 xây dựng tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ cán bộ nữ dân tộc thiểu số Chế Cu Nha Mù Cang Chải

Các tin khác
Đồng chí Mông Thị Long Biên - Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Gần gũi, nhiệt tình, giản dị đó là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với đồng chí Mông Thị Long Biên - Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Trưởng thôn Triệu Văn Lý trao đổi, vận động bà con chung sức làm đường giao thông nông thôn.

Vàng Ngần - thôn xa nhất của xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn - nơi cách đây 3 năm tan hoang, đổ nát khi cơn bão số 7 đi qua nay đã đổi thay rất nhiều... Một diện mạo mới, một sức sống mới đang hồi sinh với sự nỗ lực vươn lên không ngừng trên mảnh đất vùng sâu, vùng xa 100% là đồng bào Dao sinh sống. Sự hồi sinh ấy có đóng góp rất lớn của Trưởng thôn Triệu Văn Lý - Phó Bí thư Chi bộ Vàng Ngần, người được ví như "cây đại thụ" của người Dao nơi này.

Chị Hà Thu Dậu cùng các đảng viên trong Chi bộ thôn Yên Thịnh, xã Kiên Thành kiểm tra sản xuất lúa vụ mùa.

Chị Hà Thu Dậu - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Yên Thịnh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên được nhiều người biết đến không chỉ bởi sự năng động, nhiệt tình, “miệng nói tay làm”, mà còn là người “thắp lửa”cho các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Mới đây, chị Hà Thu Dậu vinh dự được tặng bằng khen của Tỉnh ủy vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm (2015 - 2020).

Bà Phạm Thị Mai (bên phải) cùng người dân thôn Yên Minh chăm sóc đường hoa.

Là một nhà giáo nghỉ hưu, bà Phạm Thị Mai ở thôn Yên Minh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của thôn, của xã, đặc biệt trọng việc vận động bà con hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục