Nguyễn Văn Đạt - gương sáng ở Hồng Quân

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/10/2021 | 7:29:44 AM

YênBái - Dám nghĩ, dám làm và lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp, anh Nguyễn Văn Đạt ở thôn Hồng Quân, xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã vượt khó vươn lên, trở thành điển hình trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Xưởng chế biến gỗ rừng trồng của Hợp tác xã Đạt Thành tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Xưởng chế biến gỗ rừng trồng của Hợp tác xã Đạt Thành tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sau nhiều năm xoay xở với đủ nghề khác nhau, đến năm 2011, anh Đạt bắt đầu thành công từ nghề chế biến gỗ. Năm 2020, anh Đạt vận động một số hộ trong khu vực thành lập Hợp tác xã (HTX) Đạt Thành với 7 thành viên, do anh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc.

Anh Đạt chia sẻ: "Gỗ bóc không phải là nghề mới, song việc phát triển nghề chế biến lâm sản tại địa phương có tiềm năng rất lớn. Bắt tay vào làm, tôi gặp rất nhiều trở ngại. Tôi phải đi học tập kinh nghiệm tại các xưởng chế biến gỗ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; đồng thời, tìm hiểu thêm kiến thức trên sách, báo và Internet”.

Những năm đầu, tận dụng diện tích đất đồi vườn của gia đình ở thôn Hồng Quân, anh đặt 1 dàn máy gồm: máy tu gỗ, máy bóc ván, máy mài và máy cắt. Để nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường, anh tiếp tục đầu tư mua thêm gần 1.500 m2 đất tại thôn Tân Lập, xã Hán Đà, mua thêm máy xẻ, máy bóc, mở thêm một xưởng chế biến gỗ. Xưởng mở gần  quốc lộ, thuận lợi rất nhiều cho việc thu mua gỗ cũng như chế biến và vận chuyển. 

Để tạo được uy tín với khách hàng, anh cẩn thận chọn lọc kỹ chất lượng gỗ đầu vào và hướng dẫn tỉ mỉ cho công nhân bóc, xẻ đúng tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm ván bóc của xưởng ngày càng nâng cao, đầu ra ổn định. Sản phẩm gỗ ván bóc của gia đình anh Đạt được các doanh nghiệp ở Việt Trì, Phú Thọ về tận nơi thu mua để làm ván ép xuất khẩu. Hiện nay, 2 xưởng chế biến gỗ của vợ chồng anh Đạt cung cấp ra thị trường trên 500 m3 ván bóc/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, thu lãi đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm. 

Đặc biệt, HTX Đạt Thành với các công đoạn chế biến gỗ đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình đạt từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế chung có nhiều biến động nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của HTX Đạt Thành vẫn luôn ổn định. 

Anh Trần Xuân Thu - công nhân HTX Đạt Thành cho biết: "Trước đây, tôi làm ruộng, chăn nuôi, thu nhập thấp. Làm việc tại HTX, tôi được học tập kỹ thuật, kinh nghiệm, trực tiếp đứng máy, có việc làm và thu nhập ổn định. Trung bình mỗi tháng, tôi làm khoảng 20 ngày công, thu nhập đạt 400.000 đồng/ngày, giúp tôi cải thiện cuộc sống. Hơn nữa, tôi không phải đi làm xa vẫn tranh thủ ngày nghỉ phụ giúp gia đình”. 

Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh Đạt cũng là tấm gương điển hình trong các phong trào nhân đạo từ thiện ở địa phương, như: hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo; đóng góp ủng hộ làm đường giao thông nông thôn; làm đèn đường chiếu sáng; vận động nhân dân trong khu dân cư, trong xã thu gom rác thải đúng nơi quy định, tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp cho thôn xóm. Nhiều năm liền, hộ anh Đạt được bầu chọn và đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. 

Ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hán Đà cho biết: "Xưởng sản xuất, chế biến gỗ của HTX Đạt Thành hoạt động hiệu quả đã tạo điều kiện cho người dân trong khu vực tiêu thụ gỗ rừng trồng. Từ mô hình của anh Đạt, chúng tôi đã nhân rộng, đẩy mạnh các phong trào thi đua của xã”.

Vũ Đồng

Các tin khác
Đại úy Đoàn Thị Hạnh cùng hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Xuân Long, huyện Yên Bình.

Nhanh nhẹn, tháo vát, cởi mở là những ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với đồng chí Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đoàn Thị Hạnh, nhân viên Ban Khoa học quân sự, Phòng tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái.

Các thành viên CLB khuyến học Tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên học hát dân ca Tày.

Hiệu quả mà các câu lạc bộ khuyến học trên địa bàn tỉnh Yên Bái mang lại không chỉ để mỗi người biết trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo động lực để bà con tích cực học tập, thay đổi tư duy trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần từ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, cùng nhau thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy bản sắc văn hóa gắn với xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập".

Bí thư Lù A Dờ (áo đen) và lãnh đạo xã trao đổi ,hướng dân đồng bào Mông canh tác lúa nước.

“Nhìn về phía sau, bản Mông đã bước qua vùng tối, con đường trước mắt là một khoảng sáng thênh thang. Sáng lên rồi, bản Mông mình hôm nay!” - Câu nói chứa đựng biết bao nhiêu niềm vui, phấn khởi của đồng bào Mông thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên trước sự đổi thay toàn diện của cuộc sống khi có Bí thư Chi bộ Lù A Dờ - người dẫn đường đổi mới, đưa nếp sống văn minh, sự phát triển về với bản.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thuận chăm sóc dê.

Từ hai tay trắng, ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên đã biến rừng hoang thành rừng quế xanh vút tầm mắt có trị giá hiện tại khoảng 15 tỷ đồng. Ngoài ra, ông nuôi lợn đen, gà đen, dê dưới tán quế theo hướng thực phẩm sạch, an toàn, hữu cơ…; mỗi năm trừ chi phí còn lãi từ 200 - 250 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục