Nhạc sĩ Hà Thành - người con của núi rừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2022 | 7:36:17 AM

YênBái - Từ nhiều năm nay, người dân tỉnh Yên Bái vẫn quen thuộc với hình ảnh một Hà Thành ở vị trí nhạc công cùng cây đàn Organ trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn, nhỏ của tỉnh. Anh vừa là nhạc công vừa là người viết hòa âm phối khí của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh với nhiều bản giao hưởng mang giai điệu hùng tráng, tự hào. Nhưng còn có một Hà Thành hoàn toàn mới, khi anh bắt đầu công việc sáng tác ca khúc.

Nhạc sĩ Hà Thành (bên trái).
Nhạc sĩ Hà Thành (bên trái).

Những bản giao hưởng anh đã viết, tiêu biểu như các tác phẩm: "Phác họa vùng cao”, được sử dụng trong Chương trình khai mạc "Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải” năm 2014 và "Lễ hội Mường Lò năm 2017”; tác phẩm "Hồn sông” - Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật quốc tế 3 nước Đông Dương năm 2015; tác phẩm "Nhạc ngựa xuống núi” sử dụng trong Chương trình nghệ thuật bế mạc Hội nghị Asean năm 2020. 

Nhưng một Hà Thành hoàn toàn mới khi bắt đầu công việc sáng tác ca khúc từ năm 2015 với sự trình làng tác phẩm đầu tay có tựa đề "Tình biển hồ” mang giai điệu dịu dàng, sâu lắng, ca ngợi vẻ đẹp và cuộc sống bình dị của những con người ven vùng hồ Thác Bà. 

Sinh năm 1978 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, lại gắn bó với nghệ thuật từ những ngày thơ ấu nên âm nhạc đã trở thành một phần máu thịt không thể thiếu trong tâm hồn người nhạc sĩ này. 

Nhiều bài hát với giai điệu ngợi ca, tự hào của anh như: "Yên Bái bừng sáng một miền Tây”; "Văn Yên dâng Đảng khúc ca” hay "Người thầy thuốc đi trong thầm lặng”...,  thường được biểu diễn trong các sự kiện chính trị lớn của địa phương. Hà Thành đã liên tiếp cho ra đời nhiều ca khúc mang chất liệu dân ca các dân tộc miền núi Tây Bắc, được bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao như: "Mù Cang Chải ngày mới”, "Cho em cùng bay”; "Tình yêu nơi đảo ngọc”..., đó cũng chính là những tác phẩm đoạt Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái những năm gần đây. 

Với nhạc sĩ Hà Thành, niềm vui, niềm hạnh phúc của anh chỉ đơn giản là được chơi đàn, được sáng tác, được sống với niềm đam mê thực sự. Vì thế, dù ở vị trí nhạc công hay nhạc sĩ, dù viết ca khúc hay hòa âm phối khí, người ta luôn thấy một Hà Thành đầy nhiệt huyết và tận tâm với công việc. 

Đầu năm 2020, anh cùng một số nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ có cùng sở thích thành lập ban nhạc mang tên "Ban đỏ”.

Đây là ban nhạc đầu tiên ở Yên Bái tập hợp được những gương mặt tiêu biểu trong làng nghệ thuật tỉnh nhà như nhạc sĩ Bùi Quốc Huy, nghệ sĩ Đinh Ngọc Khánh, Nguyễn Anh Tuấn, Nông Quang Trung, Nguyễn Văn Xô, Hứa Hồng Đường... Họ đều là những người gắn bó lâu năm với nghệ thuật và cũng đã giành được những thành công nhất định. 

Với mong muốn đưa âm nhạc đến gần hơn với công chúng, đem lại cho công chúng những giá trị nghệ thuật đích thực, họ đã hội tụ cùng nhau ở một sân chơi đầy bổ ích và lý thú. Mỗi chuyến đi, mỗi lần trải nghiệm lại mang đến cho họ động lực để thêm yêu, thêm nhiệt huyết với con đường đã lựa chọn.

Bao nhiêu năm gắn bó với công việc là bấy nhiêu năm Hà Thành dành trọn tình yêu và sự say mê cho âm nhạc. Ngoài vốn năng khiếu của bản thân, Hà Thành cho rằng mình khá may mắn khi được làm việc trong môi trường mang tính nghệ thuật chuyên nghiệp, nơi giúp anh có thể phát huy hết kiến thức đã được học và khả năng sáng tạo. 

Thời gian không chỉ khiến Hà Thành trưởng thành về mọi mặt và còn giúp anh ngày càng vững vàng về chuyên môn và đạt được những thành công nhất định với nhiều giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh, tiêu biểu như giải A tác phẩm giao hưởng "Phác họa vùng cao”, giải B ca khúc "Cho em cùng bay” và giải C ca khúc "Tình yêu nơi đảo Ngọc”... Âm nhạc của Hà Thành nhẹ nhàng, bay bổng, lời ca trong sáng, giàu hình ảnh, chứa đựng cảm xúc và tình yêu với cuộc sống, thiên nhiên, quê hương, xứ sở, với những điều bình dị với mỗi chúng ta.

Giữ nhiều vị trí: Trưởng phòng Phòng Nghệ thuật (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh) Chi hội Trưởng Chi hội Âm nhạc Việt Nam tỉnh Yên Bái, Trưởng Ban nhạc Ban đỏ..., lịch công việc và biểu diễn luôn dày đặc nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy mệt mỏi, bởi đó chính là tình yêu và say mê của anh. 

Ngoài viết hòa âm phối khí, chơi nhạc, Hà Thành mong muốn thực hiện nhiều chuyến đi đến những bản làng vùng cao xa xôi của các tỉnh miền núi phía Bắc, trải nghiệm cuộc sống để cảm nhận trọn vẹn và sâu sắc hơn chất liệu âm nhạc dân gian. Tình yêu và sức sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc sẽ đưa Hà Thành đến nhiều đỉnh cao mới của nghệ thuật.

Quang Thiều

Các tin khác
Đại úy Sùng A Chinh (giữa), cùng đồng đội đưa ra phương án vây bắt tội phạm ma túy.

Sinh ra và lớn lên ở nơi từng là "thủ phủ” của cây thuốc phiện với nhiều hệ lụy "đen đúa" đã thôi thúc Sùng A Chinh quyết tâm thi đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân. 10 năm qua, anh đã cùng đồng đội đấu tranh, triệt phá hàng trăm vụ án liên quan đến ma túy trên địa bàn huyện vùng cao Trạm Tấu.

Thầy giáo Giàng A Pha và Giàng A Chu cùng các em nhỏ trong giờ học.

Cấp học mầm non với đặc thù giáo viên không chỉ là người dạy học mà còn là người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhỏ nên thường được các cô giáo đảm nhiệm. Nhưng ở điểm trường mầm non thôn Háng Gàng là phân hiệu của Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, người chăm bầy con thơ giữa núi rừng lại là 2 thầy giáo ngày đêm bền bỉ cắm bản, bám trường để chăm sóc các em học trò thân yêu.

Chị Điêu Thị Vân hướng dẫn học sinh chế biến món ăn tại homestay của gia đình.

Phát huy tinh thần năng động, táo bạo của tuổi trẻ, chị Điêu Thị Vân - sinh năm 1988, dân tộc Thái, Bí thư Chi bộ thôn Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ vừa mạnh dạn làm mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) vừa quan tâm chỉ đạo việc xây dựng thôn Sà Rèn trở thành thôn văn hóa truyền thống (VHTT) gắn với DLCĐ.

Tiến sĩ Đào Thị Ngọc Lan nhận biểu trưng và Bằng khen của Chủ tịch nước (Ảnh: FB Việt Tràng An)

Những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong đội ngũ trí thức và thành tích nghiên cứu được tặng bằng khen của Chủ tịch nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục