Yên Bình: Người đảng viên giáo dân 20 năm làm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/7/2022 | 1:51:30 PM

YênBái - Cái nắng như đổ lửa giữa tiết trời tháng Sáu, chúng tôi quyết định lên đường để "mục sở thị” những gì mắt thấy tai nghe về người Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hán Đà 2 - ông Nguyễn Văn Mậu, đã làm được trong suốt hơn 20 năm qua để đưa thôn trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ông Nguyễn Văn Mậu (ngoài cùng bên trái) trao đổi với người dân về phát triển cây ăn quả.
Ông Nguyễn Văn Mậu (ngoài cùng bên trái) trao đổi với người dân về phát triển cây ăn quả.


Cùng đi trên con đường bê tông dài 4 cây số, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hán Đà (huyện Yên Bình) Nguyễn Minh Chính kể cho chúng tôi nghe câu chuyện từ việc vận động nhân dân phát triển kinh tế đến đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn xây dựng NTM… 

Để cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc như hôm nay có phần nhờ ông Mậu- cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Mậu, 55 tuổi hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hán Đà 2. Bỏ chiếc mũ cối xuống ghế, ông Mậu phân trần: "Thôn ra quân chỉnh trang đường làng ngõ xóm. Tuy đã xây dựng kế hoạch để các hội đoàn thể trong thôn vận động hội viên và nhân dân thực hiện, song do địa bàn thôn rộng, không ra tận nơi tôi không yên tâm chút nào cả. Biết là các anh đến, nhưng tôi phải ra tận nơi nắm bắt tiến độ công việc rồi mới quay về đây”. 

Nhìn những tấm bằng khen, giấy khen của Trung ương, của tỉnh, của huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện được ông treo trang trọng, chúng tôi hiểu được những việc mà ông đã làm vì bà con trong suốt hơn 20 năm qua. 

Là người con của quê hương Hán Đà, năm 1986, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới tại huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đến năm 1989, ông xuất ngũ trở về địa phương rồi tham gia công tác thanh niên, làm Phó Bí thư Đoàn xã Hán Đà. 

Vì cuộc sống đông con, gia đình khó khăn nên đến tháng 9/1999, ông xin nghỉ để về nhà làm kinh tế gia đình. Từng là người lính Cụ Hồ nên bản thân ông đã không quản ngại gian khó để vực dậy kinh tế gia đình. 

Nói được làm được nên bà con tin yêu, cấp ủy, chính quyền xã tín nhiệm. Năm 2001, ông được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ rồi làm Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn. Là một giáo dân, gánh vác trọng trách trước Đảng, trước nhân dân, ông luôn nỗ lực hết mình, không quản ngại gian khó để vận động đồng bào sống "tốt đời, đẹp đạo", cùng nhau thực hiện tốt hương ước, quy ước làng xã để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Chỉ về phía con đường bê tông rộng thênh thang uốn lượn bên cánh đồng lúa trĩu hạt và những vườn cây ăn quả xanh ngút tầm mắt, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hán Đà 2 Nguyễn Văn Mậu cho biết, trước kia, vùng này toàn là đồi rừng, mạnh ai nấy làm, cũng không có ai định hướng phát triển kinh tế nên chỗ thì người dân trồng ngô, chỗ trồng sắn, trồng chè… lại không chăm bón, phó mặc cho tự nhiên nên hiệu quả kinh tế không cao. 

"Khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng, tôi cùng cán bộ thôn vận động bà con tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn do UBND xã phối hợp tổ chức để có kiến thức áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, tôi cùng với các đồng chí chi hội trưởng các chi hội, đoàn thể trong thôn tìm hiểu, khảo sát các hộ gia đình khó khăn có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mua cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình” - ông Mậu nói thêm.

Vậy là những đồi cây ăn quả, rừng cây lâm nghiệp, ruộng lúa có sự đầu tư chăm sóc của người dân đã lên xanh tốt, mang lại thu nhập. Năm 2011, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thôn Hán Đà 2 được Đảng ủy xã chỉ đạo làm điểm để xây dựng và ra mắt thôn NTM vào năm 2013. Xác định làm đường giao thông nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhất, ông cùng cấp ủy Chi bộ bàn bạc, lúc đầu chỉ là mở rộng lòng lề đường rồi rải cấp phối. 

Tiếp đến, ông vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động để bê tông hóa đường giao thông nông thôn với quan điểm có đến đâu làm đến đấy. Năm 2013, gần 1 km đường bê tông liên thôn với kinh phí gần 700 triệu đồng theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40% đã hoàn thành. 

Năm 2015, thôn lại hoàn thành thêm gần 600 m đường bê tông giao thông nông thôn và đến năm 2018, hơn 600 m đường bê tông nội thôn đã hoàn thành với tổng kinh phí đóng góp của nhân dân trong 3 lần làm đường lên tới hơn 1 tỷ đồng, hiến trên 2.800 m2 đất và hàng trăm ngày công lao động, nhiều hộ còn tự nguyện đóng góp thêm kinh phí để làm đường bê tông nông thôn. 

Với mức đóng góp 300.000 đồng/khẩu, tùy thuộc vào điều kiện từng gia đình có mức thu hợp lý, nhờ đó, đến nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn của thôn được bê tông hóa đạt trên 80%. Còn một số đoạn đường nhánh, ông sẽ tiếp tục vận động bà con nhân dân, kêu gọi thêm sự hỗ trợ của doanh nghiệp phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ có trên 95% tuyến đường trong thôn được bê tông hóa để cuối năm 2023, thôn hoàn thành và ra mắt thôn NTM kiểu mẫu. Từ câu chuyện xây dựng NTM rồi đến việc hoàn thành thôn NTM nâng cao vào năm 2021, thôn đã trở thành điểm sáng để xã chỉ đạo nhân rộng ra các thôn khác. 

Đặc biệt, thôn được UBND huyện Yên Bình tặng giấy khen với những thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2015 - 2020. Từ thành công của làm đường giao thông nông thôn, việc xây dựng điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2017 - 2020 cũng được ông cùng Ban Chi ủy xây dựng kế hoạch chi tiết. 

Bằng những việc làm cụ thể, ông cùng Chi bộ vận động các đảng viên, nhân dân trong thôn tập trung phát triển kinh tế, cải tạo những diện tích chè trung du bằng giống chè cành, chè lai cho hiệu quả kinh tế cao; tập trung phát triển các loại cây lâm nghiệp; cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, thâm canh tăng vụ đã giúp cho cuộc sống người dân ngày thêm no ấm. 

Đến nay, nhân dân trong thôn đã phát triển được 27 ha chè kinh doanh, 33 ha cây ăn quả chủ yếu là cây bưởi với giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; trên 50 ha đồi rừng, 16 ha lúa nước 2 vụ. Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm xuống còn 0,3% theo tiêu chí cũ; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/người/năm. Các mô hình phát triển kinh tế với mức thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/năm xuất hiện ngày càng nhiều.

Chia tay khi ánh hoàng hôn đổ bóng trên cánh đồng lúa trĩu hạt, trong chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc về người Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn tận tình vì thôn xóm, nhân dân để đưa Hán Đà 2 ngày thêm ấm no, hạnh phúc.

Thanh Tân

Tags Yên Bình Hán Đà hạnh phúc nông thôn mới giao thông nông thôn

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục